Mầm xanh trên vùng lũ Hà Tĩnh

HẠNH NGUYÊN 03/01/2022 09:00

Hơn 1 năm trôi qua, dấu vết của trận lũ lịch sử tháng 10/2020 vẫn hằn in trên mỗi bức tường và trở thành nốt lặng trong ký ức mỗi người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Nhưng hôm nay, mầm xanh đã mọc lên  giữa nơi từng là vòng xoáy của nước bạc…

Lần dở ký ức kinh hoàng

Nằm nép mình dưới hồ Kẻ Gỗ, dòng Ngàn Mọ cắt ngang khiến thôn Cẩm Động xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bủa vây bởi những dòng nước hiền hòa nhưng lắm khi hung dữ như sóng thần. Đang rửa lá chè xanh để om nước, khi được hỏi về trận lũ lịch sử năm ngoái, ký ức chạy lũ lại ùa về trong tâm trí người đàn bà ở “tâm lũ” Trần Thị Tâm (58 tuổi).

Nước từ thượng nguồn Hồ Kẻ Gỗ tràn về trong đêm, cả gia đình bà Tâm gồm 5 người, 3 lớn, 2 nhỏ ôm nhau chạy đến ngôi nhà 2 tầng của một người dân trong thôn để tránh lũ. Đến đây có khoảng 20 người nữa đang run rẩy tìm chỗ trú ngụ. Gác chạn nhỏ trong nhà bà Tâm chỉ đủ cho một người trú ngụ nên chồng bà bám trụ lại để “canh đồ”. “Chỉ trong tích tắc nước lũ tràn về, ngập lên tận cổ, giờ vẫn còn ngấn nước đây” – bà Tâm vừa nói vừa chỉ tay vào vết lũ hằn in trên bờ tường.

Mưa lớn kết hợp với hồ thủy lợi xả lũ khiến những người đàn ông ở “xoáy lũ” không kịp trở tay đành bất lực nhìn tài sản của mình…ngấm chìm trong nước. Chồng bà Tâm chỉ kịp đưa tivi và một số vật dụng khác lên gác chạn. Cạnh bên, sạp hàng tạp hóa chưa kịp chuyển đi của con trai bà nổi lềnh phềnh, trôi dạt về tận nơi nao.

Đối với người đàn ông mảnh khảnh Trần Văn Thích (78 tuổi), trận lũ năm ngoái là mảnh ghép đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Sống ở “tâm lũ” gần hết đời người nhưng chưa bao giờ ông trải qua đợt lũ nào nhanh và mạnh như thế. “Năm 2010 nước lũ mới đến bậc tam cấp nhà tôi nhưng năm 2020 nước dâng lên quá nửa cửa sổ. 6 tạ lúa để dành ăn dịp giáp hạt và chăn nuôi bị ướt sạch, sau đó mọc mầm hết. Lũ về nhanh, tôi lại chủ quan không cất sớm nên hư hết đồ đạc, của cải. Cả vườn rau hơn 1.300m2 cũng bị xóa sổ” – ông Thích nhớ lại, đôi mắt u buồn.

Cẩm Xuyên gần hồ Kẻ Gỗ nhất nên chịu thiệt hại nặng nề nhất, cuộc sống của người dân ở các xã, thị trấn vùng bị ảnh hưởng trực tiếp gặp muôn vàn khó khăn. Trước sức tàn phá của thiên nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên phải thốt lên: “Trong những ngày lũ lụt hoành hành, chúng tôi đi cứu trợ hay sơ tán dân đến nơi tránh trú đều phải di chuyển bằng ca nô như đi trên biển. Tất cả thóc lúa, đồ gia dụng, vật nuôi của bà con gần như hư hỏng, chết hết. Chỉ một trận lũ nhưng đã kéo lùi sự phát triển của huyện khoảng 8 đến 9 năm”.

Sau hơn 1 năm nỗ lực dựng xây, người dân “rốn lũ” hái nhiều “quả ngọt”.

Theo thống kê, trận lũ lịch sử tháng 10/2020 ở Hà Tĩnh đã làm hơn 42.400 hộ dân thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, chủ yếu thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh… ngập chìm trong lũ nhiều ngày. Mưa lũ đã làm 6 người chết; gần 7.000 ha lúa, cây ăn quả, rau màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản bị hư hại, mất trắng; hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và trôi mất; nhiều công trình dân sinh, trường học bị hư hỏng... Tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 5.300 tỷ đồng.

Ngay trong lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhanh chóng ứng cứu, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm để người dân không bị đói rét. Sau lũ, khẩn trương rà soát, đánh giá và lập danh sách hộ dân bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ sinh kế để bà con ổn định cuộc sống.

Hái “quả ngọt”

Về Cẩm Xuyên hôm nay, những tuyến đường kiên cố rộng rãi trải dài xanh - sạch - đẹp đến tận mỗi ngõ xóm làng quê, ruộng đồng. Những công trình điện - đường - trường - trạm - nhà văn hóa xã/thôn, các khu thể thao, khu vui chơi được đầu tư xây dựng khang trang. Những mô hình kinh tế cho thu nhập cao…Tất cả như xóa nhòa những ký ức khổ cực trong lũ lụt.

Trên khuôn mặt của bà con thôn Cẩm Động xã Cẩm Thạch giờ đây không còn nỗi u buồn như khi lũ bủa vây, thay vào đó là sự vui vẻ, phấn khởi, bởi thành quả phấn đấu của mỗi người đã giành được “quả ngọt”. “Dân ở đây chịu khó lắm, lũ phá hết ruộng vườn nhưng giờ nhà nào nhà nấy đầy ắp cây, trái” - nụ cười hào sảng của bà Nguyễn Thị Thanh (68 tuổi) như xua đi mọi khó khăn đã qua.

Nụ cười hạnh phúc của người dân tâm lũ Cẩm Động.

Sau lũ, thôn Cẩm Động bắt tay vào khôi phục sản xuất, khi cuộc sống no ấm hơn, người dân bắt đầu làm đẹp cho đời, tiền hành xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Sinh kế hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm (giống cây, con, tư liệu sản xuất…) đã tạo động lực giúp người dân khơi dậy sức lực, tạo khí thế thi đua phát triển sản xuất.

Sau lũ, mùa màng bội thu, rau củ tươi tốt, dân vùng lũ ai cũng phấn chấn hẳn lên.

Khi người dân TP HCM gặp khó khăn do dịch Covid-19, không ai bảo ai, người dân Cẩm Xuyên quyên góp rau, củ, quả, nhu yếu phẩm…gửi vào cứu trợ cho vùng dịch miền Nam.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi, thôn Cẩm Động đã đáp đích khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ngay trước khi Tết đến, Xuân về. Tin vui này hòa chung trong niềm vui huyện Cẩm Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, Cẩm Xuyên đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đạt chuẩn.

Bộ mặt nông thôn Cẩm Xuyên có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hiện đại. Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thành lập 1.475 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó, 234 mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng, 164 mô hình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, 1.077 mô hình từ 100 - 500 triệu đồng.

Tại đợt kiểm tra, thẩm định xét hồ sơ công nhận huyện Cẩm Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 4/2020), Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt lịch sử trong năm 2020 nhưng Cẩm Xuyên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trên nền tảng đạt được, huyện Cẩm Xuyên phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024. “Quả ngọt” ở tâm lũ Cẩm Xuyên minh chứng cho ý chí kiên cường của người dân Hà Tĩnh. “Rốn lũ” giờ đây đang “trở mình” vươn lên mạnh mẽ…

Trải qua khó khăn, gian khổ mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của người dân vùng lũ. Ở đó, nước lũ có thể vùi lấp của cải, ruộng đồng nhưng không thể làm vơi ý chí, nghị lực phi thường của người dân nơi đây. Rời thôn Cẩm Động khi ánh chiều dần khuất, khung cảnh ngôi nhà 2 tầng mới khánh thành cách đây 1 tháng của anh Nguyễn Văn Tình (38 tuổi, con trai bà Trần Thị Tâm) như xóa nhòa mọi ký ức khổ cực chạy lũ. Thay vào đó là sức sống mới, những mầm xanh vươn lên rạng ngời giữa “tâm lũ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mầm xanh trên vùng lũ Hà Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO