Măng đắng vùng cao

Văn Dân 27/04/2020 08:00

Tại các huyện miền núi, măng đắng là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Từ chỗ chỉ phục vụ bữa ăn trong gia đình, thì nay nhiều người đã chế biến măng đắng thành một loại hàng hóa đặc sản, được nhiều người ở các nơi khác tìm mua. Từ đó, bà con có thêm nguồn thu nhập.

Măng đắng vùng cao

Thu hoạch măng đắng.

Ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, mùa thu hoạch măng đắng thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Người dân các huyện miền núi cao như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn đã có thu nhập tương đối khá từ loại măng này. Hiện nay, măng đắng không chỉ là thực phẩm trong bữa ăn thường ngày mà còn trở thành một món ăn đặc sản được người tiêu dùng miền xuôi ưa chuộng.

Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay, có vị đắng pha lẫn vị ngọt. Cũng có loại loại măng to như bắp chân người lớn. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn. Bà con người Thái ở huyện Tương Dương gọi loại măng này là “nỏ khốm”, có vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, rất hợp khẩu vị với nhiều người, do đó bán khá chạy.

Những ngày này, dọc Quốc lộ 7 từ địa bàn huyện Tương Dương lên đến thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, dân bản bày bán nhiều măng đắng. Tùy từng loại mà có giá từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg. Không chỉ để luộc, hay là làm lọ măng đắng ớt tỏi, người ta còn xào mỡ, nấu canh… rất ngon lành.

Ở Lạng Sơn, mùa măng rừng thường từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch. Khi sương sớm còn bủa vây dãy núi Mẫu Sơn, người dân ở xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã vào rừng hái măng. Măng ở đây chủ yếu là măng tre khoang lài, sặt; có thân nhỏ, chịu nắng hạn tốt, mọc cheo leo trên sườn núi. Mùa hè, nắng nóng như thiêu đốt, thân tre gầy rạc, lá úa vàng xơ xác, nhưng chỉ cần một trận mưa là um tùm xanh tươi. Măng rừng như thứ lộc của rừng, là nguồn thu nhập ngoài nương rẫy, ruộng vườn của những gia đình đồng bào dân tộc vùng cao. Theo người dân thôn Khuổi Tẳng, măng sặt, khoang lài chỉ to bằng ngón chân cái, mỏng và mềm nên bẻ loại này cũng đơn giản. Nhờ có những mùa măng như thế này mà nhiều gia đình có thu nhập, con cái có sách vở đến trường. Bà con thôn Khuổi Tẳng sau khi lấy được “lộc rừng” thì luộc vừa chín tới là vớt ra, để ráo nước, đem bán cho tư thương. Măng rừng ngon, lại không có hoá chất độc hại nên hiện rất được thị trường ưa chuộng.

Không chỉ “bán ngay tại trận” sau khi lấy được, người dân miền núi nhiều nơi còn chế biến măng rừng thành đặc sản, để được nhiều ngày, bán đi những nơi rất xa. Theo bà con, cách làm măng muối tỏi ớt tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Đầu tiên là phải biết chọn măng thích hợp. Đó là măng còn tươi, củ to nhưng ngắn có hình thô, không cong, không có lá vàng, lá nát, măng không héo, bề mặt không có đốm, vỏ mỏng. Tiếp đó là chọn ớt. Có rất nhiều loại ớt với các hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau. Việc lựa chọn loại ớt nào sẽ tùy thuộc vào sở thích cá nhân của mỗi người như ớt sừng, ớt chuông, ớt hiểm… Tuy nhiên, cần chọn những trái ớt tươi, xanh và giòn, có kích cỡ nhỏ hoặc trung bình, do ớt to thường có rất nhiều xơ, mùi vị không đậm đà. Những trái ớt đã bị mềm, đổi màu và để lâu sẽ không dùng được. Sau đó phải tính toán kĩ tỉ lệ đường và giấm, nhiều quá không được mà ít quá cũng không được. Một lọ măng muối ớt có thể dùng được tới vài ba tháng mà không bị hỏng, vị vẫn thơm ngon, dưỡng chất vẫn bào đảm. Măng ớt không chỉ ngon mà còn có nhiều dinh dưỡng, với vitamin A, C, canxi, sắt…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Măng đắng vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO