Mang nhạc kịch đến với thiếu nhi

Minh Quân 24/04/2021 07:03

Sau thành công của “Trại hoa vàng”, vào tối ngày 24/4, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn vở nhạc kịch “Bầy chim Thiên nga” (Kịch bản: Trần Lệ Chiến; Đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết).

Cảnh trong vở nhạc kịch “Bầy chim Thiên nga”.

Dựa theo cốt truyện cổ cùng tên của nhà văn Hans Christian Andersen, ê kíp thực hiện đã làm mới “Bầy chim Thiên nga” bằng cách xây dựng thành một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách nhạc kịch. Ở đó, vở diễn sẽ kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để các em thiếu nhi có những cảm nhận thú vị từ một câu chuyện tưởng chừng xưa cũ nhưng lại mang tới những góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật, đồng thời cũng trao cho các em những bài học cuộc sống ý nghĩa.

“Bầy chim Thiên nga” đề cao tình cảm anh em trong gia đình. Cuộc sống sẽ luôn tồn tại những khó khăn, thử thách. Nhưng những biến cố trong hành trình đời người lại mang đến cơ hội cho mỗi chúng ta tôi luyện bản thân, vượt qua chính mình.

Điểm nhấn có lẽ chính là hình ảnh công chúa Li dơ trong những ngày phải lặng câm và phải chịu đựng sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí toàn thân bật máu bởi những sợi tầm gai ma khiến thân thể nàng rỉ máu. Nhưng nàng vẫn kiên trì chịu những cơn đau hành hạ để đan bằng được những chiếc áo bằng sợi tầm gai ma nhằm hóa giải lời nguyền của mụ hoàng hậu độc ác, đưa các anh (vốn đã bị mụ phù thủy biến thành Thiên nga) trở lại làm người.

Đạo diễn đã dùng múa hiện đại cùng đạo cụ là những sợi dây để thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật, nhưng đồng thời cũng cho thấy sáng tạo khi dùng hình tượng này để đưa ra thông điệp về sự kết nối giữa Trời và Đất, giữa con người và vũ trụ mà chính sợi dây như những mạch máu, gắn kết tình phụ tử, tình anh em trong một gia đình không thể chia cắt. Sợi dây cũng là mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa mơ và thực, giữa giả và thật, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác. Sợi dây dệt nên ước mơ bình yên về một gia đình hạnh phúc với một tương lai tươi sáng.

NSƯT Lê Ánh Tuyết cho biết: Nhà hát Tuổi trẻ luôn ưu tiên hàng đầu cho khán giả ở các lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng bởi đây cũng chính là chức năng nhiệm vụ của Nhà hát. Vì thế, mỗi một lứa tuổi, chúng tôi cố gắng tìm ra cách chinh phục họ.

Đạo diễn cũng hy vọng các khán giả nhỏ sẽ có một tuổi thơ thật đẹp và ý nghĩa khi đến với sân khấu: Những truyện cổ của đại thi hào Andersen luôn là những giấc mơ cổ tích dành cho các em nhỏ. Trong đó “Bầy chim Thiên nga” là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ. Đó là tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Li dơ dành cho các anh trai và gia đình của mình.

Khán giả nhí đến với vở diễn không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Li dơ và các người anh của nàng. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình.

Một trong những điểm nhấn khác của vở diễn đó là ê kíp thực hiện quyết định chọn phong cách âm nhạc Fee-style, kết hợp giữa âm nhạc cổ điển, âm nhạc đương đại mà ở đó là sự đan cài giữa thanh nhạc, khí nhạc. Cùng với những bản beat quen thuộc là những sáng tác mới dành riêng cho các nhân vật. Vì thế, âm nhạc của vở diễn luôn là những xúc cảm mới mẻ thể hiện rõ sắc thái tình cảm của từng nhân vật cũng như từng trường đoạn.

Điều đó cũng sẽ là chất xúc tác đưa người xem vào mạch cảm xúc của các nhân vật trong vở diễn với những xúc cảm vui, buồn, hồn nhiên, trầm tư, thân thiện, ác độc… và được đẩy lên cao trào khi công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu… và cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác trong hoan ca bằng một lễ hội hoàng cung cùng toàn thể dân chúng mừng ngày đoàn tụ.

Nhà Lý luận phê bình, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến chia sẻ, trước khi bắt tay là viết kịch bản, tôi và đạo diễn Lê Ánh Tuyết đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về mục đích, ý nghĩa, xây dựng tiêu chí nghệ thuật, cũng như chọn những chi tiết đắt của cốt truyện để sân khấu hóa, tạo đất diễn cho diễn viên được bộc lộ tài năng của mình. Nội dung kịch bản dựa trên cốt truyện cổ tích, nhưng không quá lệ thuộc vào chi tiết của nội dung một cách máy móc, mà chúng tôi đã đưa vào đó những tình tiết khá thú vị mang hơi thở cuộc sống, mang thông điệp giáo dục, và rất gần gũi với các em, thông qua ngôn ngữ diễn xuất, âm nhạc và lời thoại.

Là một nhạc sĩ nên việc biên kịch cho vở diễn này cũng cho tôi nhiều cảm xúc để trợ giúp ê kíp bằng 1 tác phẩm “Khúc ca cuộc đời” cho vĩ thanh: Lễ hội của toàn vương quốc trong ngày gia đình công chúa Li dơ đoàn tụ và viết lời Việt cho ca khúc “I see the light (tanged)” nói về tình cảm yêu thương gia đình và khát vọng về một tương lai tươi sáng bên những người thân yêu của công chúa Li dơ.

“Bên cạnh đó, ê kíp thực hiện đã chọn hình thức sân khấu tổng hợp mang phong cách nhạc kịch để kể một câu truyện cổ đã quá quen thuộc với thiếu nhi, giúp các em có một không gian thưởng thức nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn và cũng là cách để các em tiệm cận gần hơn với nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp với các loại hình diễn xuất, nhảy hiện đại, múa bale, hát…” - nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nói.

Với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, tài năng như Lệ Quyên, Quang Trọng, Hương Thuỷ, Tùng Anh… vở diễn hứa hẹn sẽ để lại những dấu ấn khó phai đối với các em thiếu nhì mùa Hè này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mang nhạc kịch đến với thiếu nhi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO