Mạo danh bệnh viện để trục lợi

Đức Trân 07/10/2019 07:00

Tình trạng lợi dụng tên tuổi, hình ảnh của người nổi tiếng để bán hàng trên facebook không hề hiếm. Gần đây, không ít các bệnh viện (BV) đều phải gửi khuyến cáo tới người dân trước việc bị lợi dụng hình ảnh để kẻ xấu trục lợi. Cùng với đó là các quảng cáo “nổ” về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ lan tràn. Trước những thông tin giả bủa vây, người dân cần hết sức tỉnh táo, tránh “tiền mất, tật mang”.

Mạo danh bệnh viện để trục lợi

Một trong rất nhiều quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội.

Dấu hiệu lừa đảo để trục lợi

BV Bạch Mai cho biết, gần đây, Phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai) có nhận được điện thoại của bạn đọc để xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày”.

Cụ thể, ngày 18/9, Phòng CTXH có nhận được điện thoại của chị Th. phản ánh chị vào mạng xã hội thấy có thông tin nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của BV Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ”.

Chị Th cho biết thêm: Bản thân chị bị bệnh dà dày nên khi nhận được thông tin trên chị rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký” cũng như không quên để lại số điện thoại và thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của 1 người lạ tự xưng là bác sĩ của Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được 1 cuộc điện thoại của 1 người lạ khác tự xưng là nhân viên của Khoa Dược BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

Nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc, Phòng CTXH đã nhanh chóng liên hệ với các đơn vị liên quan để xác minh sự việc. TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Trước đó, BV Việt Đức cũng đã gửi khuyến cáo tới người dân, hiện nay trên nhiều trang thông tin điện tử đã xuất hiện các cơ sở, phòng khám có thông tin giả mạo, tự mang danh BV Hữu nghị Việt Đức và các khoa, phòng, viện, trung tâm của bệnh viện để thu hút người bệnh. BV Da liễu trung ương cũng gặp tình cảnh tương tự.

Khó kiểm soát thực phẩm chức năng trên mạng

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là facebook đang rất khó kiểm soát.

“Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh”- PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong nói.

Vẫn theo ông Phong, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý.

“Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chữa được bệnh nên không đến BV, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, phải quay lại BV thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”- PGS.TS Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng.

Được biết, Bộ Y tế đã thiết lập đường dây nóng để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân không nên mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... vì đó là những quảng cáo sai sự thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạo danh bệnh viện để trục lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO