Mặt bằng cho thuê đìu hiu vắng khách

THANH GIANG 21/04/2021 08:00

Sau hơn một năm chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19 nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nhà đầu tư dè chừng và thận trọng với việc thuê mặt bằng mở cửa hàng. Đây chính là lý do mà mặt bằng kinh doanh trên nhiều tuyến phố trung tâm TP HCM rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”.

Nhiều cửa hàng tại TP HCM ế ẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, Thủ Đức) phân trần: “Lo ngại hoạt động kinh doanh bấp bênh nếu dịch tiếp tục bùng phát nên việc cho thuê mặt bằng trở nên khó khăn hơn. Buôn bán ế ẩm nên khách thuê phải trả mặt bằng. 3 tháng nay mặt bằng nhà tui mà chưa có khách mới nhòm ngó”.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Nam (đường Nguyễn Trãi, quận 5) thấp thỏm trông chờ khách gọi cửa hoặc điện thoại hỏi thuê mặt bằng. Lý do, mặt bằng rộng hơn 30 m2 của gia đình ông để trống gần 5 tháng. “Trước đây tôi cho thuê 35 triệu đồng/tháng. Khi có dịch tui chủ động hạ giá thuê xuống còn 30 triệu đồng nhưng họ vẫn trả mặt bằng vì buôn bán ế ẩm không đủ tiền trang trải. Giờ rao cho thuê với giá 25 triệu đồng/tháng mà vẫn chưa cho thuê được. Lâu lâu có khách đến hỏi nhưng lại chê giá cho thuê quá cao”, ông Nam rẫu rĩ nói.

Nói về tình trạng buôn bán ế ẩm, hầu hết chủ cửa hàng tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 1 và quận 5, TP HCM) cho hay, đây là tuyến đường thời trang nhộn nhịp của khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tuyến phố này đìu hiu hơn, buôn bán ế ẩm hẳn.

“Kinh doanh chậm chạp trong khi hàng tháng phải trả 20 triệu đồng tiền mặt bằng cộng với tiền nhân viên, tiền điện nước. Dịch bệnh cứ đến rồi đi liên tục chắc tôi gồng hết nổi. Tôi đang tính chuyện trả mặt bằng này và tìm mặt bằng nhỏ, ngoài trung tâm để cố gắng bán hết số hàng đang còn lại”, bà Trần Diệu Linh, chủ cửa hàng thời trang trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) than phiền.

Các hộ kinh doanh cho rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” hơn, ngoài ra thói quen mua hàng thương mại điện tử, thay vì mua trực tiếp cũng tác động không nhỏ đến lưu lượng khách. Đối với mặt bằng lớn là các trung tâm thương mại cũng bị ảnh hưởng đáng kế.

Tình trạng nhiều gian hàng, ki ốt kinh doanh thời trang, dịch vụ,… đóng cửa dài ngày diễn ra ở các khu trung tâm thương mại. Đại diện các trung tâm thương mại cho biết, tỷ lệ lấp đầy gian hàng trống đã khởi sắc hơn, song vẫn chưa thể kinh doanh nhộn nhịp như thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

Đối với thị trường mặt bằng cho thuê trong kinh doanh, các đơn vị nghiên cứu thị trường khẳng định, giá chào thuê mặt bằng ở khu trung tâm giữ ổn định trong khi đó giá chào thuê ngoài khu trung tâm tăng nhẹ 0,7% so với quý trước. Trung bình toàn thị trường, giá chào thuê đã trở lại giai đoạn trước dịch Covid-19. Hiện đa số các chủ đầu tư chờ thị trường phục hồi thêm trước khi có quyết định tăng giá trở lại.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng, giá thuê mặt bằng lớn sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ chỉ tại một vài dự án tốt. Xét về tỷ lệ trống, khu vực trung tâm tăng nhẹ nhưng do nguồn cung hạn hẹp nên các diện tích trống mới sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong 1 - 2 quý sau.

Tại khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tiếp tục được cải thiện hơn trước song vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch. Về diện tích mở rộng, dự báo, từ nay đến hết năm 2025, thị trường kỳ vọng đón thêm hơn 550.000 m2 diện tích bán lẻ mới. Tuy nhiên, kế hoạch khai trương của hầu hết các trung tâm thương mại bị ảnh hưởng rất nhiều do nhu cầu thuê mặt bằng chưa hồi phục toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt bằng cho thuê đìu hiu vắng khách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO