'Mắt thần' giám sát vi phạm, kẹt xe, ngập nước

LÊ ANH 10/09/2022 07:00

Từ 900 camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đô thị (gọi tắt là “mắt thần” - PV) vào năm 2019, cho đến nay Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP HCM đã triển khai thêm được hàng nghìn “mắt thần” tại nhiều điểm/khu dân cư trên địa bàn. Hiệu quả trực tiếp từ mô hình trên đã giúp chính quyền thành phố kéo giảm tình trạng kẹt xe, ngập nước và mất vệ sinh công cộng, vốn là những vấn nạn suốt nhiều năm qua.

Một trung tâm điều hành các camera giám sát quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Dữ liệu “mắt thần” giúp giám sát

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại hệ thống “mắt thần” trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TPHCM đang được giao cho Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt (PC08, Công an TPHCM) vận hành, đang giúp thành phố quản lý, giám sát và xử lí hiệu quả các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Trên toàn tuyến, 37 “mắt thần”, trong đó 14 vị trí thực hiện quan sát, 8 vị trí nhận diện biển số và số “mắt thần” còn lại làm nhiệm vụ ghi hình tốc độ và ghi nhận vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. “Các dữ liệu ghi nhận từ “mắt thần” được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành, sau đó cán bộ trực sẽ phân tích dữ liệu và thực hiện quy trình xử lí vi phạm an toàn giao thông đường bộ gửi đến các chủ phương tiện” - một cán bộ Công an TP Thủ Đức cho biết.

Không chỉ riêng trên tuyến Quốc lộ 1A, các Đội CSGT Rạch Chiếc, Bình Triệu, An Sương, Phú Lâm, An Lạc và Trạm CSGT Tân Túc cũng tham gia làm nhiệm vụ xử lý “nóng” nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông từ dữ liệu của các “mắt thần” trên tuyến giao thông huyết mạch này.

Trong vụ vẽ bẩn cầu Thủ Thiêm 2 (kết nối trung tâm quận 1, TPHCM và Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức) vừa qua, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, dữ liệu của các “mắt thần” đã giúp Sở GTVT thành phố và Công an TPHCM phối hợp xử lý nhanh 4 vụ việc với 7 đối tượng vi phạm các hành vi phát tờ rơi, vẽ, viết bậy lên các công trình công cộng. Mỗi đối tượng bị xử phạt hành chính số tiền 1,5 triệu đồng do các hành vi trên.

Để chấn chỉnh tình trạng vẽ bậy ở cầu Thủ Thiêm 2 và vẽ bậy lên đoàn tàu Metro 2 (chờ vận hành - PV), lãnh đạo Sở GTVT TPHCM đã đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM lắp đặt bổ sung thêm các “mắt thần” giám sát giao thông, an ninh trật tự, nhất là giám sát các công trình công cộng, công trình xây dựng lớn 24/24h. “Tình trạng sơn, vẽ, dán quảng cáo gây mất mỹ quan trên các công trình giao thông trên địa bàn TPHCM diễn ra thường xuyên và dữ liệu từ “mắt thần” đã phát huy tính hiệu quả cao để phát hiện, xử lý nhanh các đối tượng vi phạm” - đại diện lãnh đạo Sở này chia sẻ.

Nhân rộng, phát huy quyền giám sát

Tại buổi giám sát về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri, người dân về xử lý ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước và xây dựng nhà ở trái phép mới đây, HĐND TPHCM đã ghi nhận nhiều góp ý, hiến kế liên quan đến giám sát, xử phạt hành chính thông qua vai trò giám sát, phản biện của cử tri, người dân và dữ liệu của các tổng đài giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống các trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố. Tại đây, nhiều cử tri xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM) cho rằng, bên cạnh việc nhân rộng mô hình các “mắt thần” giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường thì các cơ quan giám sát như MTTQ, HĐND và đoàn ĐBQH thành phố cần thêm nhiều kênh kết nối, tiếp xúc với người dân, cử tri.

Theo ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, từ các dữ liệu và nguồn tin của người dân giúp huyện này thực hiện kiểm tra hơn 260 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó đã phát hiện, thực hiện di dời được 26 cơ sở, ban hành 93 quyết định xử phạt hành chính, với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, trong khi nhiều trường hợp đang tiếp tục được củng cố hồ sơ, chuẩn bị thi hành cưỡng chế.

Cũng theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, ngoài dữ liệu của các “mắt thần” thì người dân đã cung cấp 33 tin báo tội phạm, phản ánh về ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự. Trong đó, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là 2 địa bàn có nhiều tin phản ánh ô nhiễm môi trường nhất.

Mới đây, UBND TP Thủ Đức cũng bàn giao quyền khai thác hệ thống “mắt thần” giám sát của Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh (IOC) cho Công an TP Thủ Đức. Nhờ đó, đã nâng tổng số “mắt thần” giám sát trên toàn địa bàn thành phố lên hơn 3.000, trong đó có 130 thiết bị đầu ghi, 127 màn hình theo dõi, phân tích hình ảnh. Về cơ chế phối hợp, Văn phòng HĐND và UBND TPHCM phối hợp với đơn vị tư vấn và Công an TP Thủ Đức để phát huy hiệu quả cao nhất trong quản lý đô thị từ cơ sở đến thành phố.

Tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo cơ sở và cử tri, người dân, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, sẽ nhân rộng các mô hình giám sát, phản biện hiệu quả từ cơ sở, trên tinh thần tăng quyền giám sát của người dân, cử tri đối với chính quyền. Cũng theo bà Lệ, qua thực tế phản ánh của cử tri qua nhiều kênh, như tin nhắn, hình ảnh chụp từ thiết bị di động thông minh, cổng 1022, fanpage,…thì từ đầu năm nay HĐND TPHCM đang xây dựng thêm nhiều kênh tương tác như tin nhắn, fanpage,… để ghi nhận các ý kiến phản ánh, phản biện trực tiếp từ người dân, cử tri thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Mắt thần' giám sát vi phạm, kẹt xe, ngập nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO