Mất tiền vì cả tin

Hồ Hương 21/01/2021 08:00

Giả danh nhà cung cấp để lừa lấy thông tin đánh cắp tiền tài khoản, giả danh ngân hàng nói chuyển tiền để nhận tiền, giả danh các cơ quan chức năng hứa hẹn  gỉải quyết công việc yêu cầu chuyển khoản… Các chiêu thức lừa đảo “cũ mà vẫn hiệu quả” càng gần Tết càng tác oai tác quái.

Cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Chị Hoàng Thu Hiền kể với PV báo Đại Đoàn kết, quá buồn và quá dại khi tin người. Trong câu chuyện của mình, chị Hiền cho biết vào thời điểm đầu tháng 12/2020 chị có đưa chuyện chồng mình thất nghiệp lên một nhóm có tên gọi lên Be bike và grab bike, Car ở Facebook.

Mục đích của chị Hiền là muốn hỏi thông tin khi chồng bị thôi việc nhưng do nhận được quyết định thôi việc và sổ bảo hiểm chậm, nên bị quá ngày làm bảo hiểm xã hội.

Sau đó có một facebook tên Phan Trung Kiên bảo có quen và đã từng nhờ người tên Đặng Văn Quý làm và đã nhận được tiền hỗ trợ.

Tin người mất tiền

Kiên cho chị Hiền số điện thoại một người tên là Quý. Sau đó chị Hiền liên lạc và bên kia đầu dây xác nhận, rồi bảo chị Hiền chuyển trước 500.000 đồng đến một số tài khoản để làm lệ phí, còn 500.000 đồng khi nào nhận được tiền thì chuyển sau. Cả tin, chị Hiền đã chuyển khoản 500.000 đồng cho Quý.

Quý hứa hẹn sẽ nhận hồ sơ của chị Hiền và thúc giục Bảo hiểm Xã hội giải quyết trường hợp của chị Hiền. Nhưng hơn 1 tháng thôi qua, đến ngày 3/1/2021, chị Hiền đã đến Bảo hiểm Xã hội hỏi thì nhận được câu trả lời chưa nhận được hồ sơ nào. Sau đó chị Hiền liên lạc với Kiên và Quý nhưng đều không được .

Chị Hiền nói: “Tôi mong sẽ không ai còn bị lừa như tôi, và những kẻ như Kiên hay Quý sớm bị quả báo. Dù tôi mới chỉ mất ít tiền nhưng nếu nhiều người cả tin như tôi thì chúng sẽ lừa được rất nhiều”.

Một vụ khác, anh Trần Anh Dũng kể mình vừa bị mất 10 triệu đồng.

Cụ thể ngày 27/11, điện thoại của anh nhận được tin nhắn Routee với nội dung: Vietcombank: 21/12/20210 TK 09210000719588 + 10,000,000 VNĐ Ref nhận tiền từ Westernunion Trade/Manhantien 434-125-8245, truy cập để nhận tiền tại bom.to/7o8qggx

Không tìm hiểu nên anh Dũng đã vội vàng ấn vào đường link và điền thông tin tài khoản (số điện thoại và mật khẩu) của mình ngay trên đường link được gửi. Sau ít phút, điện thoại anh Dũng lại nhận được tin nhắn với nội dung yêu cầu nhập mã OTP 662010 ứng với mã giao dịch RXYLTYG3Z để thực hiện chuyển tiền qua số thẻ số tiền 10.000.000 đồng tại Vietcombank.

Do tin tưởng nên anh Dũng đã nhập mã OTP mà lập tức tài khoản của anh Dũng bị trừ 10 triệu đồng.

Sau vụ này anh Dũng cho biết trong vòng 10 phút từ khi nhận được tin nhắn, đầu óc cứ mụ mị làm theo. Rồi thì khi biết bị lừa anh đã gọi điện thoại đến ngân hàng yêu cầu khoá thẻ.

Theo cảnh báo, thì hiện đang là lúc các thủ đoạn lừa đảo để gửi link giả mạo ngân hàng tăng nhiều, bằng cách kẻ xấu thông báo tài khoản ngân hàng của bạn đang gặp sự cố XYZ nào đó, yêu cầu đăng nhập; Thông báo mật khẩu sắp hết hạn, phải đổi ngày để tránh mất tiền, yêu cầu nhấn link để đăng nhập; Thông báo tài khoản của bạn vừa nhận được tiền, đăng nhập để xác nhận...

Anh T.A.T (toà nhà T1 Số 3 Lương Yên, Hà Nội) cũng cho biết, anh bị bọn xấu đánh cắp tài khoản Facebook để lừa đảo. “Bọn xấu dùng tài khoản facecbook của tôi, chat với nhiều người thân và bạn bè tôi để mượn tiền. Không ai khác, chính là đứa em trai ruột của tôi đã chuyển 3 triệu vào tài khoản Techcombank cho kẻ xấu”, anh T. cho biết.

Ngân hàng cảnh báo

Thời gian gần đây các ngân hàng liên tiếp đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mạo danh ngân hàng. Trong đó, các chiêu thức phổ biến là làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng và gọi điện, yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ (thực tế thẻ tín dụng này không thể sử dụng được).

Nhiều cá nhân vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho công việc mất, thu nhập giảm trong giai đoạn cần tiền chính là các con mồi ngon của kẻ xấu. Các kẻ xấu “lê la” trên mạng và thấy mồi ngon hay nói chuyện vay tiền qua mạng đã nhanh chóng tiếp cận bằng cách cho số điện thoại, làm giả thẻ để lừa đảo.

Hiện tượng lừa đảo thứ hai giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo khách hàng được giải ngân một khoản vay, yêu cầu khách hàng ra bưu điện đóng tiền bảo hiểm khoản vay và nhận bưu phẩm gồm thẻ và một quà tặng gắn logo ngân hàng sau đó ra ngân hàng để rút tiền từ thẻ ATM đó (thực tế thẻ ATM này không thể sử dụng được).

Thứ 3 là giả danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng vay, sau đó gửi một mã ID cho khách hàng qua đường bưu điện, yêu cầu nộp cho một khoản tiền cho nhân viên bưu điện để kích hoạt mã ID, nhưng thực tế “mã ID” này không có giá trị.

Hay mới đây nhất, Ngân hàng OCB còn cho biết, đối tượng xưng là nhân viên OCB, thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn lãi phí trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 300.000đ – 400.000đ để nhận thẻ sử dụng.

Các đối tượng này sử dụng các thiết bị viễn thông, lập nên các website tương tự với các trang web của ngân hàng, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu OCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước để được nhận thẻ tín dụng. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu.

Làm gì để tránh bị lừa?

Trên trang mạng xã hội facebook, có một số nhóm người lập ra các group cảnh báo lừa đảo. Theo đó, các tình huống lừa đảo, các số điện thoại lừa đảo được đưa ra để nhằm nhắc nhở số đông.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân từng bị lừa tiền qua tài khoản chia sẻ, cũng có những người cẩn trọng biết đó là lừa đảo, nhưng cũng có nhiều trường hợp tin tưởng làm theo hướng dẫn kẻ xấu.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP Hà Nội mới đây đã chỉ ra 5 phương thức phạm tội cơ bản của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, gồm: Trộm cắp dữ liệu của ngân hàng, thông tin tài khoản khách hàng, thông tin thẻ tín dụng; Thủ đoạn phishing câu nhử, lấy cắp thông tin tài khoản; Lợi dụng kẽ hở trong quy trình, lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền quản trị hệ thống; Tấn công vào cơ sở dữ liệu, chiếm quyền điều khiển hệ thống để chiếm đoạt tiền của tổ chức tín dụng; Sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng, thẻ cào trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Những trò lừa đảo không mới nhưng vẫn có không ít người nhẹ dạ cả tin nên đã sập bẫy. Để tránh bị mất tiền thì không nên truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP… cho người khác. Đặc biệt với những người thu nhập không cao, cần vay tiền gấp thì phải tìm đến các địa chỉ vay uy tín để được bảo vệ nếu có tranh chấp, tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của bất kỳ ai chuyển khoản, mất phí…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất tiền vì cả tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO