Mặt trận là toàn dân

Thái Duy 19/11/2020 07:30

Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đảng và Mặt trận như cá với nước. 90 năm Đảng lãnh đạo đã chứng minh Mặt trận là toàn dân.

Một tiết mục biểu diễn chào mừng 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Hà Nội 18/11/2020. Ảnh: Quang Vinh.

Xin nêu một ví dụ: Tháng 3 năm 1965, trong kháng chiến chống Mỹ, biệt động Sài Gòn đã dùng khối thuốc nổ 100 ký phá tan mặt tiền của Đại sứ quán Mỹ. Sau trận đánh, báo chí Sài Gòn đưa tin, đánh trận này Việt cộng có hai chiến sĩ: người lái xe ô tô mang theo trái mìn 100 ký và một chiến sĩ sẵn sàng nổ súng vào lính gác trước Đại sứ quán khi xe ô tô vừa dừng lại.

Một trận thắng lớn như vậy mà lại chỉ có hai chiến sĩ, nhưng thật ra trong mọi hoạt động, mọi chiến công thì đều có dân tham gia. Lực lượng võ trang hoạt động trong các vùng địch tạm chiếm thì phải nhờ dựa vào dân và thông qua tổ chức Mặt trận để biết cơ sở có đáng tin cậy không.

Qua lời kể của tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn Tư Chu, mọi người mới biết còn thêm ai nữa đã dự cuộc tiến công Đại sứ quán Mỹ tháng 3 năm 1965.

Ông Tư Sao là chủ một sở cao su, cũng là một tín đồ Thiên Chúa giáo sùng đạo, có tin ông từng là một ông trùm đạo: khối chất nổ mấy trăm ký được cất giấu trong một trang trại khá rộng của sở cao su. Ông là người giữ số chất nổ này, cũng là người chuyển số chất nổ này cho đơn vị đưa vào nội thành Sài Gòn. Ông là cựu binh vì đã tham gia biệt động nhiều năm.

Vào Sài Gòn, khối thuốc nổ lại được cất giấu tại nhà một ông theo đạo Thiên Chúa quê ở miền Bắc. Ông tham gia biệt động từ thời chống Pháp. Xung quanh nhà ông hầu hết là gia đình cảnh sát, an ninh, mật vụ, nếu che giấu hai trăm ký chất nổ không khéo thì rất dễ bị phát hiện.

Nhưng dẫu sao cũng yên tâm khu vực này địch ít nghi ngờ có Việt cộng. Ông tên là Đỗ Hán, thường gọi là Mười Hán, nhà ông ô tô ra vào rất dễ vì chở trái mìn hơn một trăm ký ra trận phải có ô tô. Hôm tiến công Đại sứ quán Mỹ, ô tô ghé nhà, cả gia đình từ anh chị đến các cháu nhỏ cùng góp tay vào việc chuyển thiết bị và chất nổ vào xe.

Trong vùng địch tạm chiếm, mọi hoạt động của bộ đội đều phối hợp chặt chẽ với nhân dân nếu không sẽ dễ bị lộ, tiến công địch rất khó. Nhân dân góp phần lập công thông qua Mặt trận nhưng càng thắng lớn càng phải “kín tiếng”, coi như trận thắng chỉ có bộ đội, không có dân. Cuốn sách “Biệt động Sài Gòn” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành mới nói được một phần sự việc.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chi, là phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định kiêm chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ. Trong cuốn sách “Biệt động Sài Gòn” đã kể lại cuộc chiến đấu suốt mấy chục năm chống Pháp, chống Mỹ ở Sài Gòn, tác giả nói đến nhiều chuyện mọi người bây giờ mới biết. Xin trích một vài đoạn nói đến các cơ sở trong dân:

“Đây là một đội ngũ rộng rãi thu hút một cách có chọn lọc mọi lứa tuổi thuộc các thành phần xã hội trên mọi miền đất nước hội tụ lại. Các em bé và cụ già thường làm liên lạc, hộp thư hay trinh sát giản đơn, các nhà tư sản dân tộc ủng hộ kinh phí tác chiến và con của họ trong ngụy quân, ngụy quyền cũng là cơ sở của ta. Một người làm tại Nha Giao thông của ngụy đã cung cấp cho ta toàn bộ hồ sơ của hệ thống ống cống và cầu cống trong thành phố, hay một số sĩ quan, binh lính và công chức trong bộ máy ngụy quyền cung cấp cho ta tình hình địch, hộ tống cho cán bộ ta vào ra khảo sát chiến trường. Những người trong tầng lớp anh chị, du đãng và ngay cả các người làm việc cho Mỹ, kể cả các cô lấy chồng Mỹ cũng giúp ta nhiều việc. Một cơ sở là vợ một thượng sĩ Mỹ lái trực thăng đã cung cấp cho ta một tập khung ảnh toàn cảnh chi tiết về sân bay Tân Sơn Nhất và vùng phụ cận. Khung ảnh này đã phục vụ trực tiếp cho cánh quân từ phía Bắc đánh vào sân bay đợt tấn công Mậu Thân... Các vị tín đồ Thiên Chúa giáo nhiều lúc tham gia việc chuyển và cất giữ võ khí trước khi chiến đấu. Một gia đình trí thức theo đạo từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp từ năm 1940, đã sẵn sàng để dành cho cách mạng (biệt động) một căn buồng trên lầu tại cơ sở kinh doanh ở trung tâm Sài Gòn để đặt trạm phát sóng thông tin vô tuyến điện. Những hoạt động đó nếu bị lộ và địch bắt được thì ít nhất cũng nhận một bản án chung thân. Một ngôi chùa của một ni cô ở trung tâm Sài Gòn là nơi đóng quân của đội nữ biệt động và ni cô trở thành một trinh sát viên chiến đấu cho đơn vị này. Sau khi bị bể bạc, địch đã tịch thu và phá banh ngôi chùa...”.

Chính vì vậy chúng ta càng hiểu sâu xa, tại sao khi báo chí đưa tin Mặt trận có Bảo tàng lại là tin vui với nhiều người. Nhà nước có bảo tàng, Đảng có bảo tàng, Quân đội có bảo tàng, nay đến Dân cũng có bảo tàng thông qua Mặt trận. Rất mong sớm, muộn, cuộc chiến đấu rất anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong hai cuộc kháng chiến sẽ được phản ánh trong Bảo tàng của Mặt trận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận là toàn dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO