Mặt trận ở trong lòng dân

Phượng Vũ (ghi) 18/11/2020 10:54

Mặt trận gần dân, biết nghe dân để nói cho dân hiểu, làm dân tin, dân theo. Mặt trận thực sự là cầu nối làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. 90 năm qua, Mặt trận ở trong lòng dân là vậy, không ai làm thay được.

Ông Lê Truyền. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt khóa IX: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử 90 năm của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam là lịch sử của quá trình gắn bó keo sơn giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam thực hiện phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong các giai đoạn: Từ lúc hoạt động bí mật đến khi hoạt động công khai, từ lúc chưa có chính quyền đến khi đã giành được chính quyền, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ trong điều kiện có chiến tranh đến điều kiện hoà bình xây dựng, từ khi đất nước bị chia cắt làm hai miền đến khi Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng tiến hành xây dựng đất nước.

Nói điều này thì không phải vì mình là người làm công tác Mặt trận mà mình đề cao. Nhưng rõ ràng MTTQ Việt là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn có vai trò rất quan trọng, chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng, công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng.

Trong điều kiện nước ta Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, MTTQ Việt Nam giữ vai trò nòng cốt phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, làm đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Vì thế cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Mặt trận trong việc mở rộng thực hành dân chủ ở các cấp, trên mọi lĩnh vực, coi đây là nội dung hoạt động quan trọng của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua quy định về góp ý và quy chế giám sát, phản biện xã hội.

Thực chất đây là hoạt động quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cần thể hiện tương xứng với yêu cầu mới trong cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó MTTQ Việt Nam là nòng cốt phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - xã hội:Tạo ra khối đại đoàn kết, Mặt trận sẽ tạo ra niềm tin

Mặt trận có vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng. Có thể nói không có Mặt trận thì nước ta không có những thành quả to lớn như vậy. Đây là ý tưởng của Bác Hồ, nhận định của Bác Hồ. Không phải bỗng dưng một vị lãnh tụ vĩ đại như thế khi đặt chân tới biên giới Việt, khi về tới Cao Bằng lập tức thành lập Mặt trận. Vì sao? Bởi vì lòng dân. Bác Hồ nhận định nhân dân Việt Nam có một điều đặc biệt là khi đoàn kết lại sẽ tạo thành làn sóng, trở thành sức mạnh cuốn phăng tất cả trở lực, cuốn chìm tất cả mọi kẻ thù. Muốn đại đoàn kết toàn dân thì phải có Mặt trận cho nên Bác Hồ mới cho ra đời Mặt trận. Một ý tưởng có mục tiêu, có mục đích, có nền tảng rất sâu xa.

90 năm qua Mặt trận theo những chặng đường lịch sử, theo từng giai đoạn đã đóng góp những công lao rất to lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay. Vừa rồi Việt Nam thắng Covid-19 cũng trên tinh thần đại đoàn kết, tinh thần Mặt trận ở đây. Có đại đoàn kết mới làm được. Tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương, tất cả hệ thống chính trị, tất cả mọi người dân đều vào cuộc một cách rất nghiêm túc, đồng lòng, chung sức cho nên chúng ta mới chiến thắng.

Rõ ràng điều đó minh chứng cho một điều là vai trò, vị trí của Mặt trận vô cùng quan trọng. Trong điều kiện xã hội cũng có những phân tâm nhất định thì vai trò của Mặt trận hiện nay càng ngày càng lớn. Mặt trận tạo ra khối đại đoàn kết, Mặt trận sẽ tạo ra niềm tin, một chí hướng chung. Nếu chúng ta biết tập trung sức mạnh cùng nhìn về một hướng thì nó sẽ rất mạnh. Còn nếu chúng ta phân tâm mỗi người kéo một đằng thì sức mạnh nọ sẽ cản trở sức mạnh kia, lực nọ cản trở lực kia làm cho xã hội trì trệ không phát triển được.

Vai trò thứ hai là giám sát và phản biện. Chỉ những người làm trong công tác Mặt trận, những trí thức tiêu biểu hoặc là những nhân tố tích cực trong Mặt trận mới làm các hoạt động giám sát và phản biện xã hội hiệu quả. Mặt trận luôn cung cấp những thông tin trung thực nhất, đầy đủ nhất cho Đảng, cho Nhà nước để lãnh đạo và quản lý, xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Ông Trần Ngọc Đường. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Ông Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật:Giám sát và phản biện xã hội thực chất hơn

Qua 90 năm hình thành và phát triển có thể nói vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được đề cao. Ngay trong Hiến pháp năm 2013 cũng đề cập đến vị trí, vai trò rất mới của MTTQ Việt . Trong những năm đổi mới, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò của mình hết sức tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng Tổ quốc, xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng. Đặc biệt, những năm gần đây sau khi Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ năm 2015 ra đời thì chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận được phát huy và đi vào thực chất hơn. Hiện nay, Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đều có HĐTV, Ban Tư vấn. Các HĐTV, các Ban Tư vấn đã đóng góp tích cực trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; góp phần tích cực trong việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động của Nhà nước, của xã hội nói chung.

Mặt trận theo chức năng của mình trước hết phải tập trung vào các hoạt động như tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết để thực hiện cho được tất cả các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, với chức năng và nhiệm vụ mới như giám sát, phản biện xã hội thì Mặt trận cố gắng làm thế nào đổi mới, cải tiến để giám sát, phản biện xã hội thực chất hơn, có hiệu lực và hiệu quả hơn. Đó cũng là một trong những điểm rất mới mà MTTQ cần chú trọng để làm tốt hơn vai trò của mình.

Thời gian vừa rồi, Mặt trận đã giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong việc phân công, phân phối của cải mà nhân dân ủng hộ cho vùng bão lụt cũng như ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 rất tốt, kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt Mặt trận đã làm rất tốt việc tham gia giám sát để việc phân phối hàng hóa cũng như viện trợ của các tổ chức từ thiện đi đến tận người dân hơn và được người dân đồng tình.

TS Bế Trường Thành. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

TS Bế Trường Thành - Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân tộc:Nơi quy tụ sức mạnh lòng dân

Nói đến chính sách đại đoàn kết, đó chính là tạo sự đồng thuận xã hội. Với vai trò đại diện cho dân, Mặt trận phải là cầu nối để đưa chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân.

Trong một xã hội hiện đại thì tính đa dạng, sự khác biệt càng tăng lên. Ở bối cảnh như vậy muốn đoàn kết được, Mặt trận phải xây dựng được niềm tin trong lòng dân vì mục tiêu chung mới phát huy sức mạnh toàn thể dân tộc, đưa đất nước ta vững bước tiến lên.

Một chính sách khi ban hành thì người dân được thụ hưởng như thế nào? Khi triển khai chính sách đó làm sao để đảm bảo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” được thực thi trên thực tế. Rồi cơ chế chính sách có gây trở ngại, phiền hà cho người dân không?

Đặt vấn đề như thế để thấy nếu Mặt trận đưa được ý Đảng, lòng dân gặp nhau, đồng nhất với nhau thì có thể xem như chính sách đặt ra là tối ưu. Nếu có ý kiến khác nhau là để bổ sung lẫn nhau, là phản biện để tìm ra phương án tốt nhất. Chỉ có thế nhân dân mới tin, nhân dân mới đồng thuận.

Trong hoạt động giám sát và phản biện cũng vậy, Mặt trận cần thực hiện giám sát trực tiếp ở địa bàn có vấn đề bức xúc và có những phân tích khách quan, khen chê rõ ràng, tránh phản biện kiểu “vô thưởng, vô phạt”. Ví như khi nghiên cứu, tham gia về một chính sách dân tộc cần xem chính sách đó có thực sự bảo đảm “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng” với quan hệ các dân tộc giúp nhau cùng phát triển và giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội. Việc xây dựng chính sách cũng cần chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thúc đẩy, phát huy nội lực, tính tự lực, tự cường bằng cơ chế phù hợp, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, quan tâm người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc; chống mọi biểu hiện kỳ thị dân tộc, tư tưởng dân tộc cực đoan, hẹp hòi, cục bộ và tính tự ti, ỷ lại. Đồng thời cũng phải hiện thực hóa cơ chế dân giám sát khi thực thi chính sách dân tộc.

Bà Phạm Thị Trân Châu. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Bà Phạm Thị Trân Châu - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Tăng cường đồng thuận, thu hẹp phân tâm

Qua thực tiễn hoạt động từ nhiều năm nay tôi thấy Mặt trận là tổ chức gần dân, được nhân dân yêu thương và tin tưởng. Mặt trận nắm bắt được những vấn đề nổi cộm, những vấn đề mà nhân dân quan tâm xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, thời gian gần đây Mặt trận Trung ương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn đi giám sát, nắm bắt tình hình thực tế cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Từ những hoạt động giám sát và phản biện, Mặt trận cũng đã phản ánh được nhiều vấn đề nổi cộm đến các cơ quan có thẩm quyền tương ứng và theo sát việc giải quyết cho đến khi đạt kết quả, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Một trong những hoạt động nổi bật của Mặt trận được biết đến rộng rãi là vận động hỗ trợ nhân dân khi thiên tai, dịch bệnh. Mới nhất là phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ thăm hỏi nhân dân ở những vùng bị bão lụt ở miền Trung hay như các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Ngoài những hoạt động mang tính chất toàn diện thì những hoạt động trên của Mặt trận còn có tác dụng rõ rệt trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, để Mặt trận tiếp tục tăng cường sự đồng thuận, thu hẹp sự phân tâm đang tồn tại hiện nay, tôi nghĩ, cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng. Cán bộ Mặt trận dễ dàng nhận được sự chia sẻ của nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Do đó, Mặt trận cần tăng cường lắng nghe để thấu hiểu; kịp thời, nhanh chóng phản ánh những ý kiến đó lên cấp có trách nhiệm và thẩm quyền để xem xét giải quyết. Nếu có được sự gương mẫu của cán bộ, có được sự tín nhiệm trong nhân dân thì sự đấu tranh để chống lại mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội sẽ được thực hiện hết sức thuận lợi.

Chị Hồ Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vận động người dân đoàn kết thoát nghèo. Ảnh: DT&PT.

Qua 90 năm hình thành và phát triển, hệ thống Mặt trận tập hợp được ngày càng nhiều những người sống gương mẫu, nhân hậu trong các giai tầng xã hội khác nhau. Việc làm đó góp phần hình thành một mạng lưới rộng rãi những người làm Mặt trận có uy tín, có tiếng nói, có tâm và có tầm.

Để công tác Mặt trận hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, các cấp Mặt trận từ Trung ương xuống cơ sở cần tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động theo xu thế hiện đại, với mạng lưới truyền thông thế hệ mới. Cần tiếp tục giảm nhanh các thủ tục hành chính hóa trong công tác Mặt trận, để Mặt trận là nơi người dân tìm đến.

Với chức năng và nhiệm vụ giám sát, tư vấn, phản biện đã được quy định trong Điều lệ và Luật MTTQ Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng các hoạt động này sẽ được phát triển, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận ở trong lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO