Mặt trận vận động, thuyết phục người dân tham gia bảo vệ môi trường

Nguyễn Chung 13/06/2022 18:45

Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp BVMT và ứng phó với BĐKH; đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc lồng ghép nội dung BVMT và ứng phó với BĐKH vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chương trình Toàn dân tham gia BVMT.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Chiều ngày 13/6, tại thành phố Sầm Sơn, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực trạng và giải pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa; Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng với việc Luật bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động, các phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, công tác tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn có những hạn chế, tồn tại nhất định.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị trong hội thảo này, các đại biểu cùng phát biểu ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, hoạt động thực tiễn tại địa phương, cơ quan, để từ đó làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của MTTQ các cấp trong tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình; sự phối hợp giữa chính quyền, ngành Tài nguyên và môi trường trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp, phương hướng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Ngô Hoài Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tham gia tham luận tại hội thảo.

Tham gia tham luận tại hội thảo, TS Ngô Hoài Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, triển khai đạt kết quả tốt, điển hình như: Hội Phụ nữ có Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2009, xây dựng được nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: mô hình “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh”, “Bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”, “Phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”...

Đoàn Thanh niên, có “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng động”; “Hành trình xanh”;... Hội Nông dân, có phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, tạo thói quen vệ sinh làng xóm thành nét văn hóa thôn quê, xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Hội Người cao tuổi, có phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” gắn với xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác giám sát, phản biện xã hội được MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh, các kiến nghị của nhân dân được xử lý kịp thời góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và những tác động xâm hại đến bầu khí quyền...

“Có thể khẳng định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa cả hiện tại và tương lai!”, TS Ngô Hoài Nam cho biết.

Bà Trịnh Thị Quế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng, đ làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đồi khí hậu MTTQ các cấp cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ.

Tại buổi hội thảo bà Trịnh Thị Quế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng, MTTQ các cấp cần tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn toàn huyện; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ý thức trách nhiệm, chấp hành những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, khu du lịch...

Tích cực tham gia vào phòng ngừa, đấu tranh với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, khắc phục các sơ hở, thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tăng cường đầu tư nguồn vốn đề đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp, chăn nuôi gây ra…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp BVMT và ứng phó với BĐKH; đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc lồng ghép nội dung BVMT và ứng phó với BĐKH vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chương trình Toàn dân tham gia BVMT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận vận động, thuyết phục người dân tham gia bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO