Biến nguy cơ thành thuận lợi

N.Khánh (ghi) 03/03/2020 18:15

Trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 2, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong vòng 4 tháng nữa tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, đời sống nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy cần biến nguy cơ thành thuận lợi.

Biến nguy cơ thành thuận lợi

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cần có những giải pháp nhằm giải quyết bài toán về vấn đề nông nghiệp, phải có phương thức để thay đổi tư duy sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi của người dân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ kép của Chính phủ đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 3/3, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh mẽ trong việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cần biến nguy cơ thành thuận lợi bởi với một thị trường lớn gần 100 triệu dân, nếu người Việt ưu tiên dùng hàng Việt sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, “đó là sự thành công rất lớn” của Đảng, Nhà nước đặc biệt là sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ khi vừa chỉ đạo chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và củng cố vững chắc hệ thống chính quyền các cấp.

Vì sao lại khẳng định đó là sự thành công lớn, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Việt Nam nằm sát tâm dịch Trung Quốc, với những nỗi lo rất lớn về sự lây lan của bệnh, dịch, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, đến nay, chống dịch của Việt Nam đã được dư luận quốc tế đánh giá cao.

“Sự quyết liệt của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được kiều bào sinh sống ở các nước đánh giá cao thông qua mạng lưới tiếp nhận thông tin của MTTQ Việt Nam. Đặc biệt nhân dân trong và ngoài nước rất vững tin khi Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã khẳng định “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Góp phần vào công tác phòng, chống dịch, người đứng đầu MTTQ Việt Nam chia sẻ, ngày 31/1, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biết về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Sau Hội nghị, MTTQ các cấp đã trực tiếp xuống địa bàn khu dân cư nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Tại phiên họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi tới Chính phủ 5 kiến nghị:

Thứ nhất, trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong vòng 4 tháng nữa tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, đời sống nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy cần biến nguy cơ thành thuận lợi.

“Ngay lúc này, kế thừa những kết quả từ Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành, các cấp phải tăng cường triển khai Cuộc vận động thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt, bởi với thị trường 100 triệu dân, nếu người dân lựa chọn hàng Việt sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Thứ hai, phải có những giải pháp hết sức quyết liệt để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, bởi vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng không thể bàn lùi, không hạ chỉ tiêu phát triển trong tình hình hiện nay mà phải vận động toàn Đảng, toàn dân toàn quân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điều thứ ba Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề cập tới là việc đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ tham gia như: FTA, CPTPP, EVFTA... Thực tế hiện nay, nhân dân vẫn chưa hiểu rõ nội dung, mục đích của các Hiệp định mới này, chính vì vậy cần tăng cường nâng cao nhận thức để người dân đồng tình ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Vấn đề thứ tư mà Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị là cần có những giải pháp nhằm giải quyết bài toán về vấn đề nông nghiệp, phải có phương thức để thay đổi tư duy sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi của người dân.

“Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để bà con vươn tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững, không lệ thuộc vào một số thị trường như hiện nay”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trăn trở với vấn đề xâm ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, vấn đề thứ năm mà Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắc tới là cần có giải pháp ổn định đời sống, sản xuất của bà con trước hiện tượng xâm ngập mặn nghiêm trọng đang xảy ra hiện nay.

“Trong 2 ngày 4-5/3, MTTQ sẽ cùng các Bộ, ngành trực tiếp đến khảo sát những khu vực bị xâm ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua khảo sát, nếu người dân gặp khó khăn về đời sống thì MTTQ các cấp, các ngành sẵn sàng hỗ trợ nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân trong thời gian tới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến nguy cơ thành thuận lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO