Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Thực hiện được những nội dung trong CCHC, đội ngũ cán bộ Mặt trận sẽ quyết tâm hơn và nỗ lực nâng cao năng lực, chủ động cập nhật kiến thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Cải cách hành chính (CCHC) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, những năm qua, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện CCHC tại Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng 45 quy chế, quy định trong cơ quan, hình thành các quy trình, thủ tục hành chính công khai, minh bạch về quy trình xử lý văn bản; về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, về công tác thi đua, khen thưởng, về công tác tài chính; về giám sát, phản biện xã hội và về công tác đối ngoại, kiều bào.
Công tác tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Đảng đoàn, Ban Thường trực thực hiện theo Đề án số 11 về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý thuộc Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đến năm 2021; Đề án số 12 thực hiện tinh giảm biên chế giai đoạn 2015-2021 Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Thực hiện 2 đề án này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam từ 9 đồng chí nay còn 6 đồng chí gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký và các Phó Chủ tịch chuyên trách; không còn các phòng trong Ban và giảm 22 công chức là trưởng, phó các phòng.
Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa hành chính công cũng được đổi mới khi công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, trang Thông tin điện tử MTTQ Việt Nam, APP Mặt trận và hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối tới Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào việc CCHC của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Góp ý tại Hội thảo, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, mục đích CCHC trong cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công các quản lý hành chính từ cái cũ, cái hiện có sang cái mới nhằm phục vụ tốt hơn cho cả hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực thực hiện đúng tính chất, vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.
Đề xuất phương hướng CCHC, ông Thường cho rằng phải có những cải cách căn bản ở một số ban, đơn vị, bộ phận thiết yếu trong cơ quan như văn phòng, Ban Tổ chức cán bộ, ban phong trào. Việc cải cách thủ tục hành chính tập trung vào một số khâu thiết yếu như xây dựng kế hoạch công tác năm, tháng, tuần và kế hoạch công tác tuần; cải cách thủ tục, trình tự ban hành các văn bản trong cơ quan; Nền hành chính trong cơ quan được hiện đại hóa về công nghệ thông tin; khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, công tác tuyển dụng công chức, viên chức…
Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại Hội thảo.
Nêu quan điểm của mình ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, mục tiêu của CCHC là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiện đại của nền hành chính và phải là sản phẩm để phục vụ nhân dân.
Giải pháp được ông Vũ Trọng Kim đưa ra là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, đặc biệt là năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Để thực hiện việc CCHC trong cơ quan, mỗi cán bộ phải biết lập chương trình, thiết kế những mục tiêu bước đi, giải pháp, trên cơ sở đó phân công để thúc đẩy công việc thành công. Bên cạnh đó, cán bộ cần có kỹ năng tham mưu, lãnh đạo nhóm để khơi dậy sáng kiến của mỗi thành viên và phải có kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với nhân dân; kỹ năng tổ chức và điều hành công việc…
Ông Nguyễn Túc phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, công tác Mặt trận không phải là công tác đơn thuần mà Mặt trận phải là nơi kết nối để gây dựng phong trào, chính vì vậy, CCHC trong Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phải gắn với những quy định và phân cấp nhiệm vụ cụ thể theo hướng xây dựng và triển khai kế hoạch công tác của từng Ban, đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo các Ban, đơn vị và quy chế phối hợp gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…
“Quy định, quy chế hiện có là kết quả tích lũy từ nhiều nhiệm kỳ trên cơ sở vận dụng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Bởi vậy, CCHC phải gắn với thực tế triển khai nhiệm vụ của MTTQ trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC tại cơ quan theo hướng xác định rõ thẩm quyền, rõ thời hạn và làm rõ đầu mối chịu trách nhiệm trong việc liên kết triển khai nhiệm vụ giữa các nhóm làm việc. Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức cũng kiến nghị việc liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin giữa các bên liên quan.
Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, đây là những ý kiến phong phú, gắn liền với thực tiễn triển khai. Chính vì vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu ý kiến góp ý và tích hợp các nội dung triển khai nhiệm vụ của các Ban, đơn vị trong UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ đó đưa ra một đề án tổng thể nhằm hiện thực hóa chủ trương của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn hiện nay.
“Thực hiện được những nội dung trong CCHC, đội ngũ cán bộ Mặt trận sẽ quyết tâm hơn và nỗ lực nâng cao năng lực, chủ động cập nhật kiến thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội thảo.