Để người dân không đơn độc trong cuộc chiến chống ‘cát tặc’

Anh Vũ Ảnh: Thành Trung 05/04/2017 20:30

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để nhân dân tự tổ chức đội tự quản chống “cát tặc” là một điều thiếu sót vì Mặt trận phải vào cuộc cùng dân chiến đấu với nạn “cát tặc” vì Mặt trận là những người gần dân và lắng nghe tiếng nói của nhân dân và không thể để người dân đơn độc tự tổ chức chống lại “cát tặc”.

Chiều 5/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn Hà Nội. Đoàn đã kiểm tra thực địa tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ và làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Mạnh tay xử lý vi phạm

Báo cáo về công tác quản lý khai thác cát, sỏi vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội có 14 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát bãi nổi, 6 đơn vị đang thực hiện nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia. Hà Nội quy hoạch 30 điểm mỏ cát san lấp, trong đó 26 điểm mỏ cát sông Hồng và 4 điểm mỏ cát sông Đà, trong đó có nhiều mỏ chưa được cấp phép thăm dò, khai thác cát.

Nhận thức được những bất cập hạn chế trong quản lý khai thác cát sỏi trên địa bàn, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát và trung chuyển vật liệu xây dựng. Trong năm 2016, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra xử lý 217 vụ/248 đối tượng và tổ chức. Tạm giữ 246 phương tiện tàu thuyền các loại, 2 máy xúc, tịch thu 5 tàu thuyền. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,4 tỷ đồng.

“Trong 4 tháng đầu năm 2017, Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 85 vụ/124 đối tượng, tạm giữ 72 phương tiện, tàu thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính 34 vụ với số tiền 1,045 tỷ đồng, 36 vụ đang chờ xử lý. Trong năm 2016, Công an thành phố Hà Nội đã ký quy chế phối hợp với công an 8 tỉnh giáp ranh để thực hiện phòng ngừa đấu tranh chống tội pham, vi phạm pháp luật trong khai thác cát”, ông Hùng thông tin.

Tuy TP Hà Nội có nhiều giải pháp mạnh để quản lý khai thác cát, xử lý các vi phạm... nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác cát trên sông do các tàu thuyền thường di chuyển từ địa bàn tỉnh thành này sang địa bàn khác khi có lực lượng kiểm tra. Việc tạm giữ các phương tiện vi phạm hành chính là tàu hút cát gặp nhiều khó khăn do nơi để phương tiện quá xa nơi kiểm tra, xử lý. Việc tịch thu phương tiện một số vụ khó thực hiện do các phương tiện này là nơi cư trú của gia đình. Đặc biệt, rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các sai phạm trong khai thác cát, do chưa có hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cũng theo đại diện TP Hà Nội, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp thu hồi cát, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, ký hợp đồng triển khai thực hiện với một số tổ chức để nạo vét trên các sông thuộc địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, công tác giám sát triển khai còn hạn chế cũng là nguyên nhân để các đơn vị nạo nét lợi dụng khai thác cát trái phép.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm có quy định rõ về các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để có hành lang pháp lý về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sai phạm trong khai thác cát. Kiến nghị Chính phủ chỉ cho phép triển khai những dự án nạo vét trong danh mục dự án nạo vét được phê duyệt và công bố, không chấp thuận những dự án do nhà đầu tư đề xuất để bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu nạo vét luồng đường thủy, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nạo vét khai thác cát trái phép. TP Hà Nội cũng kiến nghị không để đơn vị nạo vét ký hợp đồng thuê tư vấn giám sát mà phải là chủ đầu tư (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) ký hợp đồng thuê tư vấn giám sát. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ khảo sát chi tiết luồng đường thủy, xác định cụ thể những đoạn cần nạo vét để đưa vào danh mục nạo vét, gửi hồ sơ dự án đến UBND các tỉnh thành để lấy ý kiến trước khi phê duyệt.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản phát biểu.

Vướng trong xử lý hình sự “cát tặc”

Đồng tình, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự “cát tặc”. Năm 2016, công an Hà Nội bắt giữ hơn 200 vụ nhưng chỉ truy tố được 1 vụ, do chưa có quy định rõ ràng về hậu quả.

“Rất nhiều vướng mắc trong vấn đề này. Ngoài ra, phương tiện của công an rất nghèo nàn. Khai thác cát trái phép lại diễn ra ở ranh giới các tỉnh thành nên rất khó xử lý rành mạch”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản cho biết.

Công an Hà Nội cũng thừa nhận, hiện hoạt động khai thác trái phép, sai phép cát trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Công... đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận, diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động khai thác cát rất tinh vi, đó là sử dụng tàu hút, sà lan hút hoạt động vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý. Hiện Hà Nội có 226 bến bãi, trong đó có 87 bến bãi có cơ sở pháp lý về đất đai, 151 bến bãi không phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền.

Công an Hà Nội xác định trên địa bàn thành phố có 82 tụ điểm có hoạt động khai thác cát diễn biến phức tạp tập trung tại các địa bàn quận, huyện, thị xã: Ba Vì (13), Sơn Tây (4), Phúc Thọ (7), Mê Linh (4), Đan Phượng (6), Đông Anh (7), Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (2), Long Biên (5), Hoàng Mai (3), Thường Tín (5), Phú Xuyên (5), Gia Lâm (8), Sóc Sơn (5), Thanh Trì (1), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (1).

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải có sự phân công
giám sát đối với các điểm khai thác cát.

Giải quyết dứt điểm 82 điểm khai thác cát phức tạp

Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá qua hơn một năm thực hiện quản lý khai thác cát sỏi và chống khai thác cát sỏi vi phạm pháp luật, thành phố Hà Nội đã triển khai một loạt hệ thống các giải pháp căn cơ như rà soát quy hoạch, xóa bỏ những điểm khai thác cát nhỏ lẻ trái phép, xử lý tịch thu phương tiện qua đó góp phần thay đổi hình ảnh khai thác cát trên địa bàn.

Đồng tình với 7 giải pháp mà TP Hà Nội đưa ra trong việc quản lý khai thác cát sỏi, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, vấn nạn khai thác cát, sỏi đang diễn ra nhiều nơi, nghiêm trọng. Chính phủ đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này, Mặt trận Tổ quốc đã 3 lần báo cáo Chính phủ, 2 lần báo cáo Quốc hội về vấn đề này, Mặt trận cũng tích cực vào cuộc giám sát nhằm bảo đảm khai thác cát không ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của người dân. Thành phố Hà Nội là một trong địa bàn trọng điểm về khai thác cát, Mặt trận mong muốn thành phố là nơi đi đầu cả nước trong việc lập lại kỷ cương trong khai thác cát.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị song song với việc thành phố công bố quy hoạch cần phải có sự phân công giám sát đối với các điểm khai thác cát. MTTQ ở địa bàn nào công bố có quy hoạch thì phải tham gia giám sát, cơ sở khai thác nào không có trong danh sách thì Mặt trận phải có ý kiến.

“Khi công bố danh sách những cơ sở được phép khai thác cát, Mặt trận ở xã, phường nào thấy địa phương mình có hiện tượng khai thác cát trái phép xảy ra thì giám sát quyết liệt vấn đề này. Mặt trận phải tập trung từ nay đến cuối năm 2017, không cho phát sinh khai thác cát trái phép khi Hà Nội công bố quy hoạch”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra thực địa.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý trong 82 điểm khai thác cát phức tạp, Công an TP Hà Nội phải lên phương án tổng thể, chỉ rõ điểm vướng mắc của từng địa điểm xuất phát từ yếu tố nào và giao từng địa phương, gắn với từng quận, huyện xử lý, Công an TP Hà Nội cần báo cáo với thành phố phương án chung để kết hợp các lực lượng vào việc giám sát các điểm khai thác cát phức tạp.

Dẫn thực tế một địa phương tự thành lập tổ tự quản để canh gác, chống lại hiện tượng khai thác cát trái phép, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để nhân dân tự tổ chức đội tự quản như vậy là một điều thiếu sót vì Mặt trận phải vào cuộc cùng dân chiến đấu với nạn “cát tặc” vì Mặt trận là những người gần dân và lắng nghe tiếng nói của nhân dân và không thể để người dân đơn độc tự tổ chức chống lại “cát tặc”. MTTQ các địa phương cần phối hợp với người dân giám sát quyết liệt việc khai thác cát, sỏi trái phép.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để truy cứu được trách nhiệm hình sự đối với khai thác cát trái phép nhằm chấn chỉnh kỷ cương trong lĩnh vực này.

Một số hình ảnh buổi kiểm tra thực địa về công tác quản lý, khai thác cát, sỏi:

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để người dân không đơn độc trong cuộc chiến chống ‘cát tặc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO