Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới

Hoàng Yến 18/09/2019 09:00

Đối ngoại nhân dân là công tác quan trọng của Mặt trận. Trong 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thì việc “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế” là Chương trình hành động thứ tư, là nhiệm vụ mà Mặt trận từ trung ương tới các địa phương đang nỗ lực thực hiện.

Những chuyến đi không ngừng của người Mặt trận, miệt mài vươn tới nhiều vùng đất, gặp gỡ, chia sẻ với nhiều người ở các quốc gia khác nhau, nhưng dù ở đâu, làm gì thì trong mọi cuộc hành trình, đích đến cuối cùng vẫn là đoàn kết.

Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia Heng Samrin và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane tại Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Ảnh: Thành Trung.

1. Mê Kông- một trong những con sông lớn nhất thế giới chạy theo chiều dài của bán đảo Đông Dương, trong đó có Việt Nam - Lào - Campuchia. Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn vào đúng dịp Việt Nam - Lào thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, còn là dịp Việt Nam - Campuchia tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng sông Mê Kông lại được nhắc tới như lời mở đầu ý nghĩa trong tất cả những cuộc hội kiến, chào xã giao của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn với các nhà lãnh đạo đứng đầu nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.

Tạo hóa đã ban tặng cho dòng sông chảy qua lãnh thổ ba nước, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa bát ngát ở đôi bờ, mang cá tôm nuôi dưỡng con người, làm nên cuộc sống trù phú cho nhân dân Việt Nam – Lào - Campuchia. Dòng sông ấy cũng đã không ngừng chứng kiến mối quan hệ gắn bó, keo sơn giữa ba dân tộc. Chính vì thế, trong mọi cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo đều mang hình tượng con sông để làm niềm tin bền chặt cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia như dòng nước Mê Kông hùng vĩ, mãi mãi là mạch nguồn của hòa bình và thịnh vượng.

Mê Kông không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết là sợi dây kết nối cho mối tình Việt - Lào - Campuchia. Sự kết nối vô hình ấy, thật ra rất hữu hình như những ngày ở Lào hay Campuchia, chúng tôi đều có cảm giác như ở Việt Nam vì tình cảm nồng hậu của những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp, vì những bữa cơm mang hương vị quê nhà, cũng cơm canh, cá kho, nước mắm và ở đâu cũng vậy, đều được đắm mình trong những vòng xòe lăm vông mê đắm.

Và bất kể chuyến đi nào khi tới Campuchia hay Lào đều mang hương vị ấm áp, rộn ràng như âm hưởng “Bài ca hữu nghị Việt - Lào - Campuchia” của nhạc sĩ Thanh Phúc. Có thể có những bài hát khi nghe ta chưa biết tên nhưng giai điệu và âm hưởng của nó vẫn âm vang theo ta trên mọi bước đường. Có những tình cảm gắn bó keo sơn rất vô hình nhưng qua âm nhạc, tình cảm đó lại trở nên thân thương, gần gũi như lời bài hát: “Chung dòng Mê Kông/ Khơme - Việt - Lào chung tiếng ca/ Chung điệu xòe hoa/ Tay chung tay lòng cùng chung lòng/ Sống chung hòa bình/ Tay trong tay chung một bài ca/Lào - Việt - Khơme Samaki…”.

Samaki - theo tiếng Lào và Campuchia đều có nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển- chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam - Campuchia - Lào đã phải trải qua nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể giành được.

Ông Xixavat Keobunphan- nguyên Thủ tướng nước CHDCND Lào, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã bước sang tuổi 90. Ông vô cùng xúc động khi được đón những người bạn từ Việt Nam sang thăm. Nhưng chính ông lại khiến chúng tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy trong ngôi nhà giản dị ấy, những chỗ trang trọng nhất đều được treo ảnh Bác Hồ, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các vị anh hùng dân tộc Lào.

Bao năm tháng đã trôi qua nhưng tình cảm mà ông Xixavat Keobunphan dành cho Việt Nam vẫn như dòng máu nóng chảy trong huyết quản khi ông nắm chặt tay Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và từng thành viên trong đoàn rồi nói: Việt Nam luôn ở đây- trong trái tim tôi.

Cuộc thăm hỏi của người đứng đầu MTTQ Việt Nam với nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã trở thành cuộc hạnh ngộ của hai người bạn, người anh em, đồng chí.

Trong suốt buổi trò chuyện, ông Xixavat Keobunphan như một cụ già kể lại chuyện xưa khi nhắc tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxon Phomvihan lúc lại dí dỏm chia sẻ những ngày tháng học tập, sinh sống trên đất nước Việt Nam và viện dẫn cả những câu thành ngữ của Việt Nam để bày tỏ tâm can.

“Ngày xưa mình đã đồng cam cộng khổ để đi qua gian khó bây giờ không lý gì mà lại không cùng nhau tiến lên”- nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xixavat Keobunphan khẳng định. Và hiển nhiên, những điều ông nói đều bằng tiếng Việt, rành mạch nhưng rất chân thành như tấm lòng ông.

Bất cứ ai đã từng đến Lào, đều có chung một cảm nhận, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng Việt vì người Lào đều ít nhiều biết nói tiếng Việt. Cho nên trong hành trang trở về thêm một lần mang nặng tình cảm thân thương mà người dân ở đất nước tươi đẹp này dành tặng như những sợi chỉ buộc cổ tay, nhắn gửi triệu lời chúc tốt lành.

Chúng tôi hiểu đó là những tình cảm chân thành nhất bởi sự gắn bó, đồng hành không chỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước mà còn bởi ơn nghĩa sâu nặng mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc đã dành cho nhau trong suốt những năm tháng qua.

Chính vì lẽ đó, khi tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn luôn cho rằng, sứ mệnh của mỗi người Việt ở Lào không chỉ làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với quê hương đất nước mà còn phải coi việc dựng xây phát triển đất nước Lào như dựng xây cho đất nước, quê hương.

Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới - 1

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà cho các hộ nghèo ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: Hoàng Yến.

2. Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Nửa thế kỷ đã qua, đây là một khoảng thời gian không dài so với bề dày lịch sử quan hệ hai dân tộc, nhưng đó là giai đoạn có ý nghĩa to lớn đánh dấu mốc đoàn kết, tình cảm sắt son, tinh thần tương trợ lẫn nhau của hai dân tộc, khi quân đội, nhân dân hai nước luôn kề vai, sát cánh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Cùng nhau phát triển - đó cũng là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ hoàng gia Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Theo ông Hun Sen, trong chiến tranh, hai dân tộc cùng nhau vượt qua gian khổ thì bây giờ là lúc hai đất nước phải đoàn kết cùng nhau phát triển.

Trong đó, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đường biên giới của hai nước là ước nguyện của người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Đây cũng là mong mỏi của Quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum trong cuộc hội kiến với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: “Hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới chính là di sản để lại cho thế hệ mai sau”.

Trách nhiệm xây dựng đường biên giới hòa bình- hữu nghị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận 3 nước.

Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, hay Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào đều là những sự kiện quan trọng giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia và UBTƯ MTTQ Việt Nam với UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Chủ tịch Mặt trận 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Hội nghị gần đây nhất được diễn ra trong tháng 6/2017 tại Hà Nội giữa Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia Heng Samrin và Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane.

Trong bối cảnh Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia vừa tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, Hội nghị xây dựng đường biên giới của Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đã góp phần ghi thêm một dấu mốc, giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa Lào - Việt Nam; Việt Nam - Campuchia và mở ra một chương mới trong quan hệ của những dân tộc láng giềng.

Thông lệ này đã trở thành một dịp để những người làm công tác Mặt trận 3 nước hội ngộ và tiếp tục gắn bó với nhau trong nhiều hoạt động trao đổi công tác. Ngài Nhem Valy, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia là một người bạn như thế. Trong những ngày ông Hầu A Lềnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu Đoàn công tác của MTTQ Việt Nam thăm và làm việc tại Campuchia, ngài Nhem Valy luôn chào đón từng thành viên trong Đoàn bằng tình cảm của một người thân lâu ngày gặp lại, chăm sóc, thăm hỏi từng bữa ăn và luôn nồng hậu hỏi từng người vào mỗi buổi sáng bằng tiếng Việt: “Có ngủ được không?”.

Có đi mới thấy, tiếng Việt ở Campuchia hay ở Lào đã trở thành ngôn ngữ thân quen với nhiều người dân ở hai quốc gia này. Chúng tôi nhớ mãi giây phút xúc động ở biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận cửa khẩu Chalo, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn, khi đón Đoàn đại biểu MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu, ông Khamphanthong Thephahac- Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Huyện trưởng huyện Bualapha đã từng dùng hai từ “máu thịt” để nói lên quyết tâm cùng nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng đường biên, gìn giữ mối quan hệ Việt Nam - Lào như gìn giữ máu thịt của chính mình.

Biên giới là lãnh thổ thiêng liêng, là chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, dân tộc. Và dân tộc nào cũng vậy, bằng mọi giá phải bảo vệ được biên giới của mình. Nhưng có lẽ điều giản dị nhất mà ông Bí thư Huyện ủy Bualapha đã cho chúng tôi thấy, ông cũng như người dân Việt Nam ở bên kia dãy Trường Sơn đang bảo vệ biên giới của mình bằng “sức mạnh mềm”- sức mạnh xuất phát từ trái tim.

Có sức mạnh nào bền bỉ, mãnh liệt hơn sức mạnh xuất phát từ tình yêu. Có biên giới nào được xây dựng gìn giữ tốt đẹp hơn bằng tình hữu nghị. Biên giới không chỉ là ranh giới hiện hữu trên những tấm bản đồ, trên những mảnh đất thân yêu hay trên những vùng biển tiền tiêu Tổ quốc mà biên giới còn hiện hữu ở trong tim để luôn luôn nhắc nhớ nhau, cùng nhau vun đắp, dựng xây trong hòa bình.

Như con sông Mê Kông vẫn êm đềm chảy qua năm tháng, với biết bao vui buồn, cay đắng, có lúc vơi, lúc đầy nhưng chưa khi nào khô cạn.

Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới - 2

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài và Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Chính Vỹ tại buổi lễ trồng cây. Ảnh: Quang Vinh.

3. Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền là 1.350 km. Trong đó tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây giáp với 7 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Với đặc điểm như vậy, nhân dân các dân tộc ở hai bên biên giới của Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán sản xuất mà còn có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, có truyền thống đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời.

Còn nhớ, khi chúng tôi bước trên cầu Hồ Kiều 2 từ Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) để sang địa phận Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam), đoạn đường chỉ dài khoảng 200m nhưng trong mỗi bước trở về đều mang theo cảm xúc của những ngày Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận - Chính hiệp các tỉnh và khu tự trị biên giới hai nước lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào tháng 4/2019.

Ở giữa cầu Hồ Kiều 2, biên giới của hai nước được tượng trưng bằng một vạch sơn, ông Quách Quân- Phó Tổng Thư ký Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và ông Phùng Khánh Tài- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tạm biệt nhau trong một cái ôm thật chặt. Ở phía sau, chúng tôi và những người bạn Trung Quốc cũng tạm biệt bằng một lời hẹn cho ngày gặp lại.

Dưới chân cầu, dòng Nậm Thi lững lờ trôi về phía ngã ba sông để hợp lưu với sông Hồng chảy vào đất Việt.

“Anh ở biên cương/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, lời bát hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” do nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Dương Soái, chợt khe khẽ vang lên trong giây phút ấy như nói hộ tiếng lòng chúng tôi đang trào dâng niềm xúc động.

Ông Giàng Seo Vần- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã nhiều lần ngắm sông Hồng chia đôi màu ở Hà Khẩu, Lào Cai khi gặp dòng Nậm Thi, nhưng ông bảo, con sông hai màu nước đó còn đẹp hơn nếu chiêm ngưỡng ở thượng ngàn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai- điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng khi chảy vào đất Việt.

Dòng chính của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Con sông mang nặng phù sa đỏ sậm khi chảy vào Việt Nam gặp dòng Lũng Pô trong xanh. Thật lạ, ở chỗ hòa vào nhau ấy, dường như sông lại hiền hòa hơn, khiến ai cũng muốn sống chậm lại và cảm nhận nhiều hơn về vùng đất thiêng của Tổ quốc. Đó là biên giới, là lãnh thổ, là những gì quý hơn máu thịt mà dân tộc nào cũng phải gìn giữ.

“Tôi cũng như nhiều thế hệ thanh niên thời đó đã lớn lên cùng dòng sông, mang trong mình niềm tự hào quê hương để cùng nhau cố gắng vượt qua rất nhiều gian khó ở hai bên dòng đục trong ấy”- ông Giàng Seo Vần chia sẻ.

Chính vì vậy, giao lưu hữu nghị là cơ hội để đội ngũ cán bộ Mặt trận của 7 tỉnh biên giới Việt Nam như ông Giàng Seo Vần được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ Chính hiệp thuộc hai tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong cuộc gặp gỡ ấy, rất nhiều người đã nhận ra nhau, thân quen như bạn bè lâu ngày gặp lại.

Lịch sử mối quan hệ của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc cho thấy, dù đã có rất nhiều các cuộc gặp gỡ, đối thoại, hội đàm cấp cao nhưng đây lại là lần đầu tiên Mặt trận và Chính hiệp các tỉnh biên giới mới có một hoạt động mang tính giao lưu như thế này. Cho nên vượt lên trên những nguyên tắc ngoại giao thông thường là tình cảm, là những sẻ chia không dễ gì có được.

Trong không khí tươi đẹp ấy, những người bạn Việt Nam - Trung Quốc đã cùng nhau trồng cây trong một rừng cây mang tên hữu nghị.

Loài cây được trồng có một sức sống mãnh liệt. Đó là cây Điền Nhuận Nam còn gọi là gỗ lim Vân Nam, khi phát triển có thể cao đến 30m, tán lá rộng, xanh tươi quanh năm.

Ông Vương Chính Vỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, cho biết, 7 cây gỗ lim Vân Nam được trồng trong dịp Giao lưu này chính là 7 cây hữu nghị Trung - Việt để hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời, hình ảnh 7 cây gỗ lim Vân Nam ngay thẳng, tươi tốt cũng là để hai bên tỏ rõ trách nhiệm chung để đi cùng một hướng.

Xuất phát từ truyền thống hữu nghị của hai nước, theo ông Vương Chính Vỹ, hai tổ chức Mặt trận và Chính hiệp cần kiên trì, tôn trọng, hiệp thương hữu nghị, góp phần kiểm soát những bất đồng và không ngừng chăm sóc “cắt tỉa cành lá” để những cây hữu nghị Trung Việt luôn phát triển xanh tươi.

Dưới tán lá tươi xanh trong rừng cây hữu nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đã nhắc tới truyền thống trồng cây vào mỗi dịp xuân về, được Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam phát động “Tết trồng cây” từ 60 năm trước và nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc - Tôn Trung Sơn- người khởi xướng phong trào trồng cây ở đất nước Trung Quốc từ cách đây 50 năm.

Giá trị “ vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” lại một lần nữa được khẳng định và hy vọng trong một mùa xuân mới. Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tin rằng việc hai bên cùng nhau trồng cây vào dịp này, chính là Mặt trận và Chính hiệp hai nước đã cùng nhau vun trồng một “Rừng cây hữu nghị” để hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có mối quan hệ bền chặt của hai tổ chức Mặt trận và Chính hiệp.

Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận - Chính hiệp các tỉnh và khu tự trị biên giới hai nước lần thứ I được xem như một bước khởi đầu tốt đẹp cho những cam kết lâu dài trong việc xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị của Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc. Đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam mà công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận là một “mũi nhọn” quan trọng.

Để chuẩn bị cho sự kiện Giao lưu quan trọng mang đậm chất “đối ngoại nhân dân” của Mặt trận, từ năm 2014, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Du Chính Thanh đã thống nhất về việc hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Đặc biệt, từ kết quả trao đổi tại cuộc Hội đàm giữa ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Uông Dương- Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc vào tháng 11/2018, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc đã thống nhất tổ chức Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận và Chính hiệp các tỉnh biên giới và khu tự trị vào năm 2019.

Nói như ông Quách Quân trong ngày chia tay chúng tôi bên cầu Hồ Kiều, “chúng ta đã cùng nhau tổ chức thành công cuộc giao lưu này chính là để hiện thực hoá những nỗ lực chung, nhận thức chung của các vị lãnh đạo, đặc biệt là Chủ tịch Uông Dương và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn”.

Một trang sử mới được mở ra, theo ông Quách Quân sự phát triển hữu nghị của hai tổ chức Mặt trận và Chính hiệp sẽ tiến bộ cùng hai nước Trung - Việt.

“Bạn bè có thể chọn nhưng láng giềng không thể chọn được ”, dẫn lại lời nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, ông Quách Quân tin rằng, trong sự thay đổi của thế giới, Việt Nam và Trung Quốc vẫn cùng đi với nhau trên một con đường, cùng chung vận mệnh và cùng nhau bảo vệ ngôi nhà Trái đất.

Và như chia hề có một cuộc chia tay nào, buổi hôm ấy, dưới chân cầu Hồ Kiều, dòng Nậm Thi vẫn trôi về phía sông Hồng để chảy vào đất Việt.

Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới - 3

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh và Tổng Giám đốc Hiệp hội Nhân dân Siangapore Desmond Tan ký kết Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2020.

4. Khi chúng tôi đặt chân tới Singapore là thời điểm đất nước nhỏ bé xinh đẹp này đang tất bật chuẩn bị nhiều sự kiện trọng đại để chào mừng 50 năm ngày thành lập. 50 năm trước, Singapore chỉ là một bãi đầm lầy sau khi tách khỏi Malaysia. 50 năm sau Singapore trở thành thương cảng thịnh vượng và là miền đất hứa của dòng người nhập cư rất lớn đến từ khắp châu Á. Trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

Làm thế nào để một đất nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng lại trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của khu vực?

Ông Ang Hak Seng - khi đó là Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore trong buổi gặp gỡ với Đoàn Cán bộ cấp cao của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim dẫn đầu đã trả lời câu hỏi này: “Từ lúc chúng tôi chẳng có gì đến lúc có mọi thứ. Đó là vì chúng tôi luôn nỗ lực vươn lên”.

Vươn lên! Tinh thần ấy chúng tôi đã được ngắm nhìn trước cả biển người Singapore trong lễ hội Chingay- lễ hội hóa trang trên đường phố và trên mặt nước vào đầu năm mới- khi cùng hô vang câu hát: “We are, We are Singapore. We are, We are One - Chúng ta là Singapore. Chúng ta là Một”.

Bây giờ, chỉ cần vào mạng gõ tên Singapore trên công cụ tìm kiếm của Google sẽ có hàng trăm ngàn thông tin. Môi trường trong lành, cả đất nước là một khu mua sắm khổng lồ và có đầy đủ các loại hình dịch vụ tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Nhưng có một điều không phải lúc nào Google cũng có thể tìm ra, đó là câu hỏi làm thế nào để Quốc đảo này lại trở thành Một Singapore- Một dân tộc như ngày hôm nay. Hiệp hội Nhân dân Singapore- mái nhà chung của nhân dân Singapore chính là câu trả lời.

Người dân Singapore gọi Hiệp hội Nhân dân Singapore bằng cái tên trìu mến: Great House - Ngôi nhà lớn.

Hiệp hội Nhân dân Singapore là một tổ chức có chức năng tương đồng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập ngày 1/7/1960 nhằm thúc đẩy sự hòa hợp sắc tộc và liên kết xã hội. Hiệp hội như một chiếc cầu nối khổng lồ, vươn tới mọi ngóc ngách khu dân cư, chạm tới số phận của mỗi người. Vì vậy, tất cả chính sách của Chính phủ trước khi đưa xuống với người dân sẽ thông qua Hiệp hội.

Theo ông Ang Hak Seng, Hiệp hội Nhân dân Singapore luôn phải suy nghĩ làm thế nào để trở thành cầu nối, nối người dân với Chính phủ, Chính phủ với người dân, người dân với người dân. Vì vậy, phương tiện để làm cầu nối chính là những người lãnh đạo trong cộng đồng. Tất cả họ đều được đào tạo bài bản để phối hợp cùng Chính phủ, truyền đạt lại chính sách của Chính phủ tới người dân.

“Công việc đó rất khó. Chính sách luôn phức tạp, không phải ai cũng hiểu được. Do đó, nhiệm vụ của các trung tâm cộng đồng là giải thích cho người dân ý nghĩa của chính sách một cách dễ hiểu nhất”- ông Ang Hak Seng chia sẻ.

Singapore hiện có 87 trung tâm bầu cử. Mỗi một đơn vị bầu cử có khoảng 5 người, trong đó có một Bộ trưởng. Đồng thời một trung tâm bầu cử lại có một trung tâm cộng đồng, mỗi một trung tâm cộng đồng lại có nhiều chi nhánh cộng đồng và mỗi chi nhánh cộng đồng phụ trách khoảng 10 khu dân cư...

Với diện tích nhỏ bé, cả đất nước Singapore được chia ra làm 5 quận, mỗi quận có một chủ tịch. Tuy nhiên, chủ tịch chỉ có trách nhiệm về mặt hành chính, còn quyền quyết định lại nằm trong tay những đại biểu dân cử- đây chính là những người lãnh đạo cộng đồng. Tất cả những người này đều dành thời gian làm việc trực tiếp tại các trung tâm cơ sở của Hiệp hội để lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân thấu hiểu các chính sách của Chính phủ, làm cầu nối từ Chính phủ tới nhân dân và ngược lại.

Cũng như vậy khi chúng tôi đặt chân đến thăm một số trung tâm cộng đồng Cashew hay Sengkang…chúng tôi đã hiểu được vì sao Singapore lại trở thành một quốc gia thịnh vượng. Tất cả những điều lớn lao lại bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Tại đây, các trung tâm này, một xã hội thu nhỏ được hình thành. Ở đó, người dân làm chủ.

Vì vậy, có thể xem các trung tâm cộng đồng là trái tim của Hiệp hội, là nơi tổ chức các cuộc hội họp, hoạt động cho các tầng lớp nhân dân, nơi để nhân dân tham gia các hoạt động giải trí, nâng cao kỹ năng sống của mình và cũng là nơi để người dân bày tỏ chính kiến. Điều quan trọng là những ý kiến của họ được lắng nghe và hồi đáp.

Bà Foo Swee Peng- thành viên Hiệp hội Nhân dân Singapore cũng là một đại biểu dân cử, phụ trách Trung tâm Cộng đồng Cashew, cho biết, nhiệm vụ của bà ở trung tâm này cũng như tất cả các thành viên Hiệp hội là khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tại trung tâm cộng đồng từ đó kết nối mọi người, kết nối các cộng đồng thành một trung tâm đoàn kết.

Đã có hơn 30 ngàn trung tâm cộng đồng cơ sở như thế với hơn 2.000 lãnh đạo cơ sở và hàng ngàn tình nguyện viên cùng tham gia vào việc kết nối cộng đồng trong mái nhà Hiệp hội.

Và ở một khía cạnh nào đó, Hiệp hội Nhân dân Singapore được gọi là Ngôi nhà lớn thì MTTQ Việt Nam cũng là Mái nhà chung. Sự tương đồng về mặt lý tưởng của hai tổ chức chính là sợi dây kết nối mối quan hệ từ mỗi thành viên của hai tổ chức trong nhiều năm qua.

Hằng năm, hai bên đều tổ chức các đoàn cán bộ sang thăm, hợp tác nghiên cứu, tập huấn trao đổi kinh nghiệm công tác nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của mỗi tổ chức theo tinh thần bản Thỏa thuận hợp tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hiệp hội Nhân dân Singapore trong từng giai đoạn. Điều này tiếp tục được ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Desmond Tan- Tổng Giám đốc Hiệp hội Nhân dân Siangapore, Giám đốc điều hành Hiệp hội khẳng định trong cuộc hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, hai bên thống nhất trao đổi kinh nghiệm về kết nối và xây dựng cộng đồng, thực hiện tự quản, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, vận động nhân dân tham gia quản lý xã hội; phương thức tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử; thực hiện vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Chính phủ.

Trong giai đoạn 2018-2020, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hiệp hội Nhân dân Singapore cũng hợp tác hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng kết nối, xây dựng cộng đồng cho đội ngũ nhân viên; tìm hiểu về văn hóa, hình ảnh đất nước và con người của mỗi nước thông qua các lễ hội, ngày hội... nhằm quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và Singapore tới nhân dân hai đất nước.

Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới - 4

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba Carlos Rafael Miranda Martinez.

5. Lịch sử MTTQ Việt Nam đều in đậm dấu ấn công tác đối ngoại nhân dân. Trong nhiều năm qua, MTTQ Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị với rất nhiều tổ chức tương đồng ở các nước trên thế giới, trong đó có những mối quan hệ mang tính truyền thống như Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba, Hiệp hội Nhân dân Singapore, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên …Và xét theo vị trí địa lý thì Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba là một trong những tổ chức ở xa nhất, cách Việt Nam nửa vòng Trái đất.

Nhưng trong hành trình vượt qua nửa vòng Trái đất ấy, mãi về sau này, chắc chắn chúng tôi sẽ không thể nào quên được những nụ hôn trên má, những cái ôm nồng nhiệt, những nụ cười rạng rỡ mà người dân Cuba dành cho “người bạn Việt Nam yêu quý” khi đặt chân tới quốc đảo tươi đẹp này.

Từ lúc chúng tôi đặt chân xuống sân bây Jose Marti, gặp người Cuba nào cũng được nghe họ nói: “Chào mừng các bạn trở về nhà” từ người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến một sĩ quan an ninh hay một người phục vụ …Chúng tôi hiểu, tình cảm mà hôm nay được nhận, vốn dĩ đã được nuôi dưỡng từ hàng chục năm trước, trải qua bao mất mát, hy sinh mà bao thế hệ người Cuba - Việt Nam đã dành dụm cho nhau.

Với ơn nghĩa sâu nặng ấy, bất cứ người Việt Nam nào từng đến Cuba sẽ nhớ Cuba da diết. Đó là những ngày không ngủ ở Havana, đắm chìm trong các giai điệu latinh và ngắm nhìn một thành phố còn vương vãi đổ nát sau nhiều cơn bão đang vươn lên đổi mới.

Có những chiều khi đi qua khu Malecon dọc bờ biển, Mặt trời nhuộm hồng chân trời, sóng biển tấp cao trùm qua bờ kè. Ánh đèn nhấp nháy từ các tòa nhà khu Vedado- một Havana mới từ phía xa. Từng tốp thanh niên trai gái Havana ngồi trên bờ kè vui đùa với nắng chiều, biển biếc. Biết chúng tôi là người Việt Nam, họ lại đặt tay lên trái tim mình và hô lên: Viva Việt Nam!

Viva có nghĩa là bất tử, là muôn năm, nếu ai đã từng đến đất nước này, chắc chắn sẽ luôn được nghe những người bạn ở bên kia bán cầu nói với mình. Đó là một món nợ ân tình không bao giờ phai nhạt.

Nhưng nói về Cuba - một nước nhỏ được coi là “mắt bão” của vùng biển Caribê, từng bị bao vây bốn bề bởi cấm vận thì tất yếu sẽ có một nghìn lẻ một những điều kỳ bí và huyền thoại. Điều đọng lại là chúng tôi luôn muốn nói về họ, những người chiến sĩ bảo vệ thành quả cách mạng- thành viên của Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba (CDR).

Hiểu nôm na, thì họ cũng giống như những người cán bộ Mặt trận ở Việt Nam. Sống cùng dân, hiểu dân và cần mẫn, bền bỉ vận động nhân dân đi theo con đường mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn.

Với hơn 8,8 triệu thành viên, CDR mang trong mình sứ mệnh lớn lao của một tổ chức quần chúng lớn nhất tại Cuba, quốc gia của 11,2 triệu dân. Trong một cộng đồng, cứ khoảng 200 người là có một Ủy ban Bảo vệ cách mạng cơ sở. Tất cả các công dân Cuba từ 14 tuổi trở lên đều có thể trở thành thành viên của CDR. Cho đến nay, đã có hơn 133.000 ủy ban cơ sở được thành lập.

Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba Carlos Rafael Miranda Martinez cho biết, CDR có mặt trong nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt tổ chức này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống thảm họa và thiên tai. Trong giai đoạn hiện nay khi Chính phủ Cuba đang tiến hành cập nhập hóa mô hình kinh tế, các tổ chức CDR có nhiệm vụ giải thích cho nhân dân thông qua các tổ dân phố những chính sách mới mà Nhà nước sẽ áp dụng trong thời gian tới. Đồng thời, nhân dân có kiến nghị đề xuất gì cũng sẽ được các thành viên CDR phản hồi lại với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Nhìn vào khối lượng và tính chất công việc của các thành viên CDR, chúng tôi thực sự cảm phục những nỗ lực không mệt mỏi của họ trong bao năm qua. Cũng vận lộn với cơm áo đời thường, vừa phải lo chuyện của cộng đồng làng xã.

Bà Glenda- chuyên viên văn phòng tiếp dân của Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cubaxúc từng chia sẻ, ngoài những nhiệm vụ trên, các ủy ban cơ sở còn rất nỗ lực trong việc vận động nhân dân hiến máu. Có những ủy ban cơ sở của một tỉnh vận động 34.000 người hiến máu chỉ trong 1 tháng. Việc giúp đỡ những gia đình có thân nhân bị tù tội trong cuộc sống cũng như xóa bỏ những mặc cảm để hòa nhập cộng đồng cũng được các tổ chức CDR kiên trì thực hiện.

Với sự gắn kết cộng đồng vô cùng chặt chẽ nên đi đến đâu chúng tôi cũng nhìn thấy biểu tượng của CDR tràn ngập trên các nẻo đường, góc phố. Và có một hoạt động cũng không kém phần ý nghĩa của các cộng đồng để chào mừng mỗi dịp Đại hội CDR là tổ chức nấu một nồi súp chung, giống như bữa cơm đại đoàn kết ở các khu dân cư Việt Nam thường tổ chức trong Ngày hội Đại đoàn kết.

Trong tháng 8/2019, tại cuộc hội đàm giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba do Chủ tịch Carlos Rafael Miranda Martinez dẫn đầu, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đã nhấn mạnh tới việc hai bên cần duy trì thường xuyên hơn các hình thức trao đổi đoàn để học tập kinh nghiệm tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở mỗi nước nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba.

Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng của Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ cách mạng Cuba đã ký vào năm 2012 và Biên bản thống nhất các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2018-2023 tại cuộc hội đàm giữa hai tổ chức vào tháng 11/2017.

Để phát huy những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Cuba.

* Việt Nam có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 quốc gia là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ lâu, việc xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Và ở đó, luôn có sự hiện hữu của những dòng sông biên giới - như một lẽ tự nhiên đã trở thành lời mở đầu cho rất nhiều câu chuyện và là mạch nối cho hy vọng của tương lai trong công tác đối ngoại nhân dân của người Mặt trận.

* ­­­Trong những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng có nhiều đổi mới. Bên cạnh những đối tác truyền thống như Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động triển khai mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như Hiệp hội Nhân dân Singapore; Hội Liên hiệp Bình đẳng xã hội CHLB Đức; Phòng Xã hội và Mặt trận Nhân dân toàn Nga; Hội đồng kinh tế và xã hội môi trường Pháp. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam tích cực tham gia Hiệp hội Quốc tế các Hội đồng kinh tế xã hội và Các tổ chức tương đương - AICESIS, từ năm 2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối ngoại nhân dân - Đoàn kết thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO