Đời sống văn hóa vùng ven

Lê Anh 25/01/2016 08:30

Dù nỗ lực giảm nghèo của TP HCM đã đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm gần đây, nhưng thực tế đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các khu vực ngoại thành vẫn còn nhiều thiếu thốn, bất cập.

Đời sống văn hóa vùng ven

Đời sống văn hóa, tinh thần của các khu dân cư ngoại thành còn nhiều thiếu thốn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn định cư tại phường An Lạc, Q.Bình Tân (TP HCM) đã được 16 năm. Nghề nghiệp chính của các thành viên gia đình là buôn bán tạp hóa và trồng rau chạy chợ mỗi ngày. Hàng ngày, công việc bắt đầu từ 4h30 sáng, ông Tuấn cùng hai con trai qua phà Phú Định để sang chợ đầu mối Bình Điền chọn mua các mặt hàng về bán tạp hóa. Sau đó, ông Tuấn phụ vợ đưa rau ra chợ để bán. Cả gia đình ông chỉ có thời gian rảnh rỗi vào chiều thứ 7, tuy nhiên cũng không ai nghĩ đến việc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở nhà văn hóa địa phương.

“Nghỉ được một buổi chiều, chủ yếu là bật tivi để coi tin tức hoặc có giải đá banh nào thì cũng sắp xếp để xem cổ vũ, nhưng cũng không có nhiều thời gian”- ông Tuấn chia sẻ.

Giống như gia đình ông Tuấn, nhiều công nhân, lao động, người nhập cư ngoại tỉnh về sống tạm trú tại quận vùng ven của TP.HCM đều có rất ít thời gian tham gia các hoạt động văn hóa do áp lực mưu sinh.

Bà Hồ Thủy Tiên (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực vùng ven của TP HCM đã phải giật mình khi thấy đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), các đối tượng chính sách xã hội… gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đời sống văn hóa nghèo nàn.

Bà Hồ Tố Anh, công tác tại Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II khi nghiên cứu về mức độ hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân ngoại thành TP.HCM cũng đã đưa ra nhận định: Mức hưởng thụ văn hóa của người dân không đồng đều, khoảng cách độ chênh lệch quá xa giữa các quận trung tâm và các quận, huyện vùng ven, như: Thủ Đức, Q. 9, Q. 12, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…

Bà Anh gọi đây là những “vùng lõm” trong hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Bà Anh dẫn chứng nghiên cứu tại hai trung tâm được đầu tư tương đối hiện đại, có rạp chiếu phim và sân khấu tại trung tâm văn hóa Q.Thủ Đức và trung tâm văn hóa của huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, cả hoạt động của các trung tâm này hoặc thường cho các dịch vụ tư nhân hoặc kết hợp với một vài tổ chức mở các trò chơi phục vụ các em thiếu nhi, hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh các kiểu, các thể loại mặt hàng,… Đáng trách là cả hai trung tâm văn hóa này hầu như chưa kịp phát huy công năng của nó đã bị xuống cấp và thường xuyên không hoạt động.

Để người nghèo, người nhập cư có điều kiện hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần tốt hơn trong bối cảnh hiện nay, bà Hồ Thị Minh Trâm (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho rằng, một đô thị phát triển lành mạnh cần phải chú trọng đến khía cạnh sinh thái và nhân văn.

Do đó, bà Trâm khuyến nghị bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa, công viên văn hóa,…thì chính quyền thành phố cần phải thiết lập thật nhanh một kế hoạch làm sạch và chỉnh trang đô thị, nhất là các khu vực nhà ở tạm bợ, kế tiếp là có kế hoạch tái định cư một cách hệ thống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời sống văn hóa vùng ven

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO