Hà Nội: Chủ động di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô

Tuệ Phương 09/11/2019 07:30

Ngày 8/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành”.

Hà Nội: Chủ động di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô

Công ty Thuốc lá Thăng Long nằm trong danh sách phải di dời.

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Tuy nhiên, kết quả thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố còn chậm do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…

Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại các quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù phù hợp quy hoạch; bổ sung 09 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Hoạt- nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, trong những năm qua nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động. Quỹ đất không sử dụng hết họ cho thuê kinh doanh; thậm chí còn xây nhà trọ… nhưng bằng cách nào đó các cơ sở phải di dời vẫn luồn lách để xin ở lại. Do đó, muốn di dời các cơ sở đó đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh. Đề nghị MTTQ và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, giám sát, thực hiện Nghị quyết cho thật hiệu quả. Tuy nhiên, Mặt trận không phải là cơ quan chuyên môn nên đòi hỏi các cơ quan có liên quan phải cùng thực hiện.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lại cho rằng, bài học từ Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định yêu cầu cấp bách. Trong danh mục đề xuất có những cơ sở đã có chủ trương di dời từ 20 năm trước nhưng cũng có một số cơ sở là căn cứ quy hoạch phân khu. Nên nếu chỉ thống kê danh mục đồng đều là chưa phát huy hiệu quả Nghị quyết. Từ thực tiễn này đề nghị nâng tầm Nghị quyết của HĐND thành phố để có căn cứ cho UBND thực hiện và cần có sự phân loại cụ thể hơn để từ đây giám sát của HĐND và MTTQ sẽ quyết liệt hơn.

Theo TS Tô Anh Tuấn- Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế MTTQ thành phố Hà Nội, việc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành là vấn đề lớn. Mục tiêu của Tờ trình về việc đề xuất danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm lại khá khiêm tốn. Việc di dời các cơ sở công nghiệp nói riêng và các cơ sở không phù hợp nói chung đã được bàn thảo nhiều lần nhưng việc thực hiện lại chưa quyết liệt. Nếu không có vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông chưa chắc đã có cuộc họp hôm nay. Từ việc chưa quyết liệt đó dẫn đến đến cơ chế chính sách chưa đầy đủ, chưa khuyến khích cơ sở di dời. Bên cạnh đó, việc đầu tư của Nhà nước cho việc di dời chưa thỏa đáng. Đầu tư ở đây là cả đầu đi và đầu đến. Nếu chỉ trông chờ vào các khu, cum công nghiệp ngoài nhà nước đầu tư thì chưa thật hấp dẫn. Khá nhiều cơ sở di chuyển để lấy quỹ đất đó làm nhà trẻ, làm trường học nhưng sau đó lại thiếu sự đầu tư của Nhà nước.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, vai trò của MTTQ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Việc phản biện được Mặt trận thành phố tổ chức theo tinh thần đổi mới, chủ động công tác giám sát, phản biện. Trước khi tổ chức phản biện, Ủy ban MTTQ thành phố cũng tổ chức các đoàn khảo sát để khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên, ông Huân cũng đề nghị, các nội dung giám sát, phản biện phải được tổ chức sớm hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan của thành phố có điều kiện tiếp thu, điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Chủ động di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO