Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn

Lê Na – Trung Hiếu 13/05/2019 19:09

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 13/5.

Cùng dự hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam và các vị trong Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Hội nghị có sự đóng góp ý kiến của các lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng điều hành Hội nghị.

Đại đoàn kết là nguồn lực

Góp ý dự thảo báo cáo chính trị, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam là động lực, là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì vậy, báo cáo chính trị cần khẳng định rõ trong 5 năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và lớn mạnh góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Theo ông Hữu Thỉnh, tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần nhấn mạnh về vai trò của MTTQ Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân đặc biệt là truyền thống yêu nước của các tầng lớp nhân dân.

Một trong những vấn đề mà Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật trăn trở chính là việc đưa Nghị quyết 33 NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước vào cuộc sống.

"Chúng ta không chỉ xây dựng kinh tế - xã hội mà cần quan tâm xây dựng con người, chú trọng đến văn hóa, đạo đức xã hội", ông Hữu Thỉnh đề nghị.

Ông Thỉnh cũng khẳng định, dự thảo cần khẳng định các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước triển khai trọng tâm trọng điểm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua lao động sáng tạo của nhân dân và chung sức của cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, phát huy những mỹ tục mới của dân tộc.

Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn  - 1

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều công chức, viên chức vẫn “lười học, lười làm”

Theo bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nhiệm kỳ qua, thông qua việc tập hợp các lực lượng, phát huy tinh thần đại đoàn kết, Mặt trận đã làm được rất nhiều việc, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung của đất nước.

Tuy nhiên, bà Doan cho rằng, trong dự thảo Văn kiện cần có những đánh giá sâu hơn về tình hình giai cấp, từ đó mới thấy đại đoàn kết dân tộc của chúng ta mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào.

Đánh giá về giai cấp công nhân, theo bà Nguyễn Thị Doan, điểm yếu nhất của giai cấp công nhân hiện nay là vai trò lãnh đạo và trình độ năng lực.

“Hiện nay cứ 23 lao động của Việt Nam mới có năng suất lao động bằng 1 người Singapore. Điều này thể hiện một điều là đội ngũ lao động thiếu sáng tạo, chủ yếu lao động cơ bắp. Nếu chúng ta không tạo điều kiện nhiều hơn nữa để phát triển đội ngũ này thì chả nhẽ mãi mãi chỉ đi làm thuê trong khi Chính phủ đang đề ra sự quyết tâm sáng tạo mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Doan khẳng định.

Nhấn mạnh đến vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định, Mặt trận đã làm tốt nhiệm vụ này nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ nằm trong các lực lượng dân tộc lại chưa tốt vì không thể phủ nhận vẫn có một bộ phận cán bộ công chức, viên chức đạo đức xuống cấp, thiếu ý thức vươn lên, cụ thể là việc “lười học, lười làm ” của một bộ phận công thức, viên chức vẫn còn nhiều.

“Nếu không thay đổi, cải tạo chất lượng đội ngũ cán bộ thì làm sao đáp ứng được với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu”, bà Doan khẳng định.

Phát triển kinh tế phải dựa vào kinh tế tri thức, khẳng định rõ điều này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng thẳng thắn cho rằng chúng ta chưa có các biện pháp đủ mạnh, chưa tăng cường học tập, bồi đắp tri thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế kết nối hiện nay.

Các nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đều nhấn mạnh rất rõ mệnh đề “Phát triển kinh tế tri thức” nhưng bà Nguyễn Thị Doan cũng chỉ ra rằng từ đó đến nay việc phát triển kinh tế tri thức là rất yếu, đó là sự học suốt ngày, học suốt đời để bồi đắp tri thức.

“Cần phải kiểm điểm lại xem chúng ta đã có bao nhiêu phần trăm để phát triển kinh tế bằng tri thức, vì hiện nay tri thức là lực lượng phát triển chủ yếu không phải là tư liệu lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, cách mạng mềm đang diễn ra mãnh mẽ, sôi động”, bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Vì vậy, bà Doan đề nghị trong chương trình hành động của Mặt trận nhiệm kỳ tới cần vận động nhân dân tích cực học tập, phát triển kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế kết nối để Việt Nam không tụt hậu.

Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn  - 2

Bà Nguyễn Thị Doan góp ý tại Hội nghị.

Đảm bảo cơ chế nguồn lực cho giám sát

Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu cũng mong muốn trong nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động đã và đang triển khai theo hướng xác định rõ hơn về mục tiêu, bổ sung những nội dung, giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Mỗi chương trình đều có các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản để thực hiện.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, chương trình 3 của MTTQ Việt Nam cần làm rõ hơn những nội dung giám sát, phản biện xã hội.

Để phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả, cần có những chương trình giám sát độc lập của Mặt trận. Đặc biệt phải có cơ chế, nguồn lực để chủ động trong sử dụng chuyên gia, Hội đồng tư vấn trong triển khai các chương trình giám sát.

Liên quan đến vấn đề giám sát, theo bà Nguyễn Thị Doan, trong thời gian vừa qua, Mặt trận đã rất sâu sát với cơ sở trong vai trò như giám sát phản biện xã hội và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng vì Đại hội của Mặt trận lại tổ chức trước Đại hội Đảng thì nên làm rõ vai trò của Mặt trận với nhà nước.

Nhà nước của chúng ta là nhà nước pháp quyền nhưng bà Doan cho rằng liệu việc thực hiện “sống và làm việc theo pháp luật” có đúng như mong muốn của một nhà nước pháp quyền không khi soi chiếu với việc thực hiện Luật An toàn giao thông, Quản lý đất đai, hay sự vi phạm của chính quyền trong một số dự án, cũng như sự xuất hiện những “điểm nóng” trong dân...bà Doan đã đặt ra vai trò, trách nhiệm giám sát và phản biện của Mặt trận trên tất cả những lĩnh vực này.

“Chúng ta đã thực hiện tốt việc giám sát trong thực hiện pháp luật, cũng như tham gia thực hiện chế độ, chính sách nhưng Mặt trận vẫn cần giám sát sâu hơn nữa để góp phần tham mưu với cấp uỷ xử lý kịp thời những trường hợp gian dối, giả tạo hồ sơ trong giải quyết chế độ chính sách từ cơ sở”, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định.

Để thực hiện nghiêm nhà nước pháp quyền, cũng như thực hiện tốt chức năng giám sát của Mặt trận, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đặt ra những yêu cầu về cơ chế giám sát cho Mặt trận nhất là việc Mặt trận tham gia giám sát quyền lực.

Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn  - 3

Quang cảnh Hội nghị.

Có chính kiến trong những vấn đề nóng phát sinh

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là những ý kiến quan trọng, tâm huyết giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đại biểu tham dự đã đồng tình cao với chủ đề, tiêu đề của đại hội và vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung trong báo cáo chính trị đã khái quát được những vấn đề cụ thể, đảm bảo tính ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và xuất phát từ những vấn đề thực tế trong triển khai nhiệm vụ.

“Báo cáo chính trị đã thể hiện rõ vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân của Mặt trận thông qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Khẳng định sức mạnh của Mặt trận các cấp là phối hợp hiệp thương với các tổ chức thành viên trong triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tập trung vào việc phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo hướng dân biết, dân làm, dân kiểm tra nhằm đảm bảo nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Bên cạnh đó việc nắm bắt tình hình nhân dân cần kịp thời hơn, đầy đủ hơn, chân thực hơn và có chính kiến trong những vấn đề nóng phát sinh trên địa bàn, từ đó đảm bảo việc thực hiện giám sát quyền lực và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại mỗi địa phương.

*Đến nay cả nước đã hoàn thành Đại hội cấp xã; cấp huyện có 302/712 huyện (đạt 42,41%) tổ chức đại hội, 11 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đó là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hậu Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh. Tiến độ tổ chức Đại hội đang được khẩn trương thực hiện; về cơ bản, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội các cấp được tiến hành bảo đảm hướng dẫn của Trung ương. Ngày 10/5/2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên tổ chức Đại hội. Hiện có 14 tỉnh đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắm bắt tình hình nhân dân một cách chân thực hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO