Người dân giám sát, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

Ảnh: Quang Vinh 23/04/2018 17:03

Sáng 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Tham vấn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong giám sát và phản biện xã hội về kiểm soát ô nhiềm nước tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, ông Bùi Khắc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Người dân giám sát, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Bùi Khắc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở khu vực này đã bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng do yếu tố tự nhiên và yếu tố con người tác động. Việc trồng trọt, chăn nuôi gia súc, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng... Các khu công nghiệp dọc bờ sông Hậu phát triển nóng khiến nước thải công nghiệp chưa được xử lý hoà chung vào hệ thống kênh rạch, làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước lên mực báo động. Văn hoá cất nhà, họp chợ ven sông của người dân ĐBSCL khiến hệ thống kênh rạch nơi đây phải gánh thêm rác thải.

Trước thực trạng đó Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã hợp tác với tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án với mục tiêu tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và sự tham gia của người dân với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Từ tháng 11/2017, Viện nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân đã triển khai nghiên cứu tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc và làng rượu Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khu công nghiệp Long Đức và thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Khu công nghiệp Hưng Phú 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thuỷ và làng dệt chiếu Cái Chanh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Khu công nghiệp Tây Huề 2 và khu công nghiệp kỹ thuật cao, phường Mỹ Hoà, TP Long Xuyên và làng Dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương - Viện nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân cho biết, việc triển khai nghiên cứu cho thấy hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã thúc đẩy công khai, minh bạch cũng như tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng chính sách, xây dựng niềm tin của công chúng với chính quyền.

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị nên mở rộng sự tham vấn cộng đồng bởi người dân chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực của cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội liên quan đến phản biện xã hội, tổ chức lấy ý kiến, tổ chức đối thoại với người dân...

Người dân giám sát, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước - 1

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, ở 63 tỉnh thành phố, hầu hết các huyện và xã đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền các cấp. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế.

Qua giám sát, phản biện xã hội, trên cơ sở nắm bắt được những yêu cầu của xã hội, những bức xúc và những vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, MTTQ Việt Nam các cấp cần lựa chọn triển khai một số nội dung giám sát thực sự thiết thực, từ những vấn đề thu hút sự quan tâm, gây bức xúc trong nhân dân; tăng cường giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở ý kiến người dân, doanh nghiệp liên quan tới chủ trương, chính sách.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó chú trọng việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng lưu ý, sau giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần sớm có văn bản kết luận, kiến nghị giám sát, phản biện xã hội gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, đồng thời theo dõi, đôn đốc chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức cá nhân.

Hải Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân giám sát, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO