Nằm cách mũi Cà Mau khoảng 15 cây số, từ lâu đảo Hòn Khoai (thuộc địa phận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã được coi là nơi có vị trí chiến lược về chủ quyền biển đảo cũng như quốc phòng. Đây cũng là hòn đảo hiếm hoi nằm gần tuyến đường biển đi qua Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, không nhiều người biết trên đảo Hòn Khoai còn có một di tích cực kỳ quan trọng, đó là ngọn hải đăng Hòn Khoai. Đây được coi là một báu vật của người dân Cà Mau vì có nhiều ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử rất quan trọng của nó.
Ngọn hải đăng Hòn Khoai.
120 năm giữa biển trời
Được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngọn hải đăng Hòn Khoai là ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng ở phía Nam và trên vùng biển Tây Nam. Đây cũng là 1 trong 6 ngọn hải đăng cổ nhất ở Việt Nam. Hải đăng Hòn Khoai được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1899, cách đây đúng 120 năm. Nếu quay ngược lịch sử, thời điểm đó thì đây là một trong những công trình kiến trúc có quy mô và mang nhiều ý nghĩa, nhất là công tác vận tải hàng hải trên biển. Do nằm cách xa đất liền nên việc xây dựng khó khăn, gian khổ và tốn rất nhiều của cải. Mục đích của ngọn hải đăng cũng khá đơn giản, là giúp tàu bè qua lại trên khu vực mũi Cà Mau, từ phía biển Đông qua biển Tây được thuận lợi, thông suốt. Cho tới ngày nay, tất cả các tàu thuyền từ biển Đông qua biển Tây, gồm cả khu vực Vịnh Thái Lan rộng lớn đều phải qua đây và coi ngọn hải đăng Hòn Khoai như một tín hiệu chỉ đường.
Chúng tôi đến Hòn Khoai vào một buổi sáng trời nắng nóng đặc trưng phương Nam. Hiện nay trên đảo có rất ít cư dân, chủ yếu là người dân làm nghề biển, nghề nuôi cá trên biển quanh khu vực Hòn Khoai. Họ dựng nhà nổi ven đảo sinh sống ngắn ngày, tuỳ theo mùa biển chứ không định cư lâu dài trên đảo. Đảo hiện nay chỉ có các đơn vị quân đội, gồm những người lính biên phòng, hải quân… đóng chân. Ngoài ra chính là những cán bộ của Trạm hải đăng Hòn Khoai, trực thuộc Tổng Công ty bảo đảm hàng hải miền Nam công tác trên đảo. Điều rất lạ lung là dù nằm không quá xa đất liền nhưng hiện nay, đường đi trên đảo Hòn Khoai rất khó khăn. Hầu hết chỉ đi bộ do đường mòn đất xuống cấp. Mùa mưa gần như không thể di chuyển. Với độ cao tới 300 mét cùng đường đèo dốc quanh co, chúng tôi mất hơn 3 giờ đồng hồ để đi từ cảng biển lên tới ngọn hải đăng Hòn Khoai. Thật lạ, so với 120 năm trước, cơ sở vật chất của Trạm hải đăng Hòn Khoai dường như không có gì thay đổi nhiều. Các cán bộ công tác trên trạm cho biết, tất cả các công trình ở hải đăng đều được giữ nguyên vẹn như khi mới xây dựng xong, gồm cả nhà ở, nhà điều hành cũng như hải đăng. Chỉ khác một chút là ngay cổng trạm hải đăng có bia tưởng niệm và ghi lại vắn tắt về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai và người Anh hùng Phan Ngọc Hiển.
Anh Nguyễn Đình Tùng (31 tuổi), người đang công tác tại Trạm hải đăng Hòn Khoai cho biết, ngọn hải đăng này chỉ cao khoảng 16 m nhưng thực tế, vì nằm trên đỉnh núi nên có tầm nhìn xa rất lớn. Bán kính khoảng 20 hải lý, tức là gần 40 cây số, tàu bè vẫn có thể quan sát thấy đèn trên hải đăng. Có lẽ vì thế, mà bao năm qua, hải đăng Hòn Khoai là người bạn tin cậy của hàng ngàn tàu bè trong vùng.
Chia sẻ về cuộc sống ở trạm, anh Tùng bảo anh quê ở Hải Dương nhưng lấy vợ và đưa gia đình vào Cà Mau sinh sống. Hiện vợ và hai con anh đang ở ngay xã Đất Mũi. Mặc dù cách nhà không quá xa nhưng do đặc thù công tác và đường sá khó khan, có khi 3-4 tháng anh mới về thăm gia đình một lần. Bình thường, anh kết hợp thăm gia đình mỗi khi vào đất liền mua bán lương thực, thực phẩm cũng như các đồ dùng, thiết bị khác. Việc di chuyển trên đảo thì có thể bằng xe gắn máy hoặc đi bộ. Còn từ đảo về đất liền thì có ghe của bộ đội, hoặc đi nhờ ghe của ngư dân nếu thuận lợi.
Có lẽ, chỉ những ai từng đi biển và từng trải qua những khoảnh khắc mưa gió, bão tố, đêm đen trên biển mới thấy ý nghĩa của những ngọn hải đăng. Đó không chỉ là đốm sáng chớp tắt nhỏ bé mà là người chỉ đường, là nguồn sống, là kim chỉ nam để có định hướng giữa những hiểm nguy. Chính vì thế mà bao thăng trầm biến đổi, bao biến cố suốt hơn thế kỷ đi qua, ngọn hải đăng vẫn sừng sững giữa biển trời như vậy.
Mãi mãi niềm tự hào
Nhưng không chỉ có ý nghĩa đối với tàu thuyền hàng trăm năm qua, ngọn hải đăng Hòn Khoai cũng như chính hòn đảo nhỏ bé có hình dáng như củ khoai này cũng vô cùng quan trọng với người dân tỉnh Cà Mau xa xôi. Đó là sự kiện xảy ra khoảng 80 năm trước do nhà báo, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đứng đầu nổi dậy, chiếm ngọn hải đăng cũng như căn cứ Hòn Khoai từ tay chính quyền thực dân Pháp. Sau gần 80 năm đi qua, cuộc khởi nghĩa này vẫn là niềm tự hào của người dân, chính quyền tỉnh Cà Mau. Mặc dù nhanh chóng bị giặc Pháp dập tắt và bắt giam nhưng khởi nghĩa Hòn Khoai cũng đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến nổi dậy chống ngoại xâm của người dân Cà Mau nói riêng và người dân miền Tây Nam Bộ nói chung. Sau này khi bị giặc Pháp tử hình cùng những người đồng đội của mình, hình ảnh Anh hùng Phan Ngọc Hiển vẫn mãi là một hình tượng bất hủ trong lòng người dân nơi cực Nam Tổ quốc. Hiện nay, tên người anh hùng ấy cũng được đặt cho một đơn vị hành chính cấp huyện. Đó là huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Và đây cũng là người anh hùng hiếm hoi được đặt tên cho một đơn vị hành chính cấp huyện ở nước ta hiện nay. Đến nay, ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai vẫn là một nơi trang trọng mà người dân Cà Mau luôn tự hào khi nhắc tới.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, vận tải đường biển thì một số dự án du lịch và xây dựng cảng biển ở đảo Hòn Khoai cũng đã được đưa vào kế hoạch phát triển. Dù chưa chính thức triển khai nhưng đó cũng là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy Hòn Khoai vẫn sẽ là trung tâm, là điểm sáng phát triển ở khu vực địa đầu Tổ quốc.
Lên tàu rời cảng Hòn Khoai khi ánh hoàng hôn đã le lói ở phía Đất Mũi, kết thúc một ngày trên hòn đảo xinh đẹp này, hình ảnh chúng tôi còn ghi lại là Trạm hải đăng Hòn Khoai sừng sững giữa màu xanh cây cối trên đảo. Chắc chắn, cũng như hơn một thế kỷ đã đi qua, ngọn hải đăng kia vẫn là người bạn đồng hành, là nguồn sáng của vô vàn tàu bè giữa “điểm nối” của vùng biển Đông và biển Tây, ngay nơi cuối trời Tổ quốc dù bao nhiêu thay đổi đi chăng nữa.
Có lẽ, chỉ những ai từng đi biển và từng trải qua những khoảnh khắc mưa gió, bão tố, đêm đen trên biển mới thấy ý nghĩa của những ngọn hải đăng. Đó không chỉ là đốm sáng chớp tắt nhỏ bé mà là người chỉ đường, là nguồn sống, là kim chỉ nam để có định hướng giữa những hiểm nguy. Chính vì thế mà bao thăng trầm biến đổi, bao biến cố suốt hơn thế kỷ đi qua, ngọn hải đăng vẫn sừng sững giữa biển trời như vậy.