Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

(Còn nữa) 24/10/2019 07:41

Trong số báo 295, ra ngày 22/10/2019, báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Đại Đoàn Kết xin trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.

(Tiếp theo kỳ trước)

Bộ Giao thông - Vận tải
(Công văn số 9224/BGTVT-ATGT ngày 30/9/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông.

Bộ đã thực hiện: Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ đã tổ chức 6 Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT cho thuyền viên tàu vận tải nhỏ, SB, tàu du lịch và đối tượng liên quan khác tại một số vùng ven biển, hải đảo; tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.

Phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức chương trình Roadshow có chủ đề “Cơ sở hạ tầng an toàn và chất lượng cao” với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo tiêu chuẩn và sổ tay hướng dẫn thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy; triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trẻ em tại tỉnh Cà Mau.

Nội dung kiến nghị: Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm

Bộ đã thực hiện: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các vi phạm của cá nhân, tổ chức trong ngành giao thông vận tải, cụ thể: trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ đã triển khai 10 Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT: thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các quốc lộ được giao quản lý của Sở GTVT Cao Bằng, kiến nghị thu hồi 1.016.057.429 đồng và giảm trừ 378.732.713 đồng; thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại 13 địa phương, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 24 đơn vị (trong đó có đình chỉ tuyển sinh đào tạo 14 đơn vị), cảnh cáo 10 đơn vị, yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc 6 Sở GTVT, tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc 7 Sở GTVT có liên quan đến các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại địa phương; thanh tra công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 34 đơn vị đăng kiểm ở 18 địa phương, kiến nghị đình chỉ 12 đăng kiểm viên, xử lý vi phạm 2 trung tâm, không công nhận kết quả thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới đối với 6 đăng kiểm viên thực tập...

Từ 16/12/2018 đến 18/8/2019, Tổng cục, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 54.995 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt 45.317 vụ vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 527.018,45 triệu đồng; tạm giữ 169 ô tô; đình chỉ hoạt động có thời hạn 194 bến và 250 phương tiện thủy nội địa; giám sát 654 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 391 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Nội dung kiến nghị: Chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe

Bộ đã thực hiện: Ban hành và chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý Giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông”; đồng thời ban hành bộ 600 câu hỏi thay bộ 450 câu hỏi dùng cho sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, triển khai bổ sung nội dung sát hạch “Xử lý các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng”.

Xây dựng Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo hướng: yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo, để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô; yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường, bổ sung nội dung học lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Tham mưu, trình Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Tờ trình số 8560/TTr-BGTVT ngày 10/9/2019), Bộ đã tham mưu cho Chính phủ bổ sung 21 hành vi, nhóm hành vi vi phạm (trên cơ sở mô tả cụ thể hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe) để xử lý cho phù hợp với thực tiễn.

Nội dung kiến nghị: Đề xuất sửa đổi, bổ sung các bất cập trong quy định xử lý vi phạm.

Bộ đã thực hiện: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, xử lý bất cập, bổ sung quy định mới trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ đã trình Chính phủ 03 Nghị định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT: Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ban hành các Thông tư: quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt; hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Nội dung kiến nghị: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức điều hành giao thông.

Bộ đã thực hiện: Tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về bảo đảm TTATGT: bổ sung quy định xử phạt; bổ sung quy định về sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp làm căn cứ xác minh, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Bộ Công thương
(Công văn số 7306/BCT-TCQLTT ngày 1/10/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ đã thực hiện: Chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các kế hoạch, chuyên đề có trọng điểm về công tác này: Kế hoạch chuyên đề về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm;…Chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và quản lý về an toàn thực phẩm.

Bộ sẽ thực hiện: Bộ Công thương cùng các Bộ ngành, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xác định những nội dung trọng tâm: Thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời, củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức để nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm an toàn thực phẩm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.

Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền thông tin tuyên tuyền kết quả của các lực lượng chức năng, phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân; tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm; mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, đổi mới kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO