Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận

Anh Vũ 28/12/2018 08:00

15 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại diễn ra trên khắp cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Ngày hội vừa khơi dậy tinh thần đoàn kết, vừa nhắc nhở nhau trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, ngày 11/11/2018. Ảnh: TTXVN.

2018 đánh dấu một năm nhiều thành công của công tác Mặt trận. Dấu ấn của tư duy đổi mới, tinh thần quyết tâm, quyết liệt, quyết làm đã tạo thêm nguồn sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận trước thềm nhiệm kỳ 2019-2024

1. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư. Thực tiễn 15 năm qua cho thấy cho thấy chủ trương đề ra và chỉ đạo thực hiện Ngày hội là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Sống trong ngôi nhà công vụ trên phố Thiền Quang đã gần 20 năm nay, dù bận rộn đến mấy nhưng cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều tới chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với bà con khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng khi thấy mọi người từ cụ già đến các cháu nhỏ đều hồ hởi, phấn khởi dự ngày hội. Những cái xiết tay thật chặt, những lời thăm hỏi ân cần đã xóa đi ngăn cách, chỉ còn tình cảm ấm cúng, chan hòa giữa người đứng đầu Đảng, Nhà nước với bà con lối phố.

Cùng bắt nhịp bài ca kết đoàn với bà con trong khu dân cư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trân trọng sáng kiến của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. 15 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại diễn ra trên cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, vừa khơi dậy tinh thần đoàn kết, vừa nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận - 1

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình tiêu biểu và hộ nghèo ấp Phú Ân, xã Phước Mỹ, huyện Cần Giuộc (Long An).

Ngọn lửa Đại đoàn kết với Mặt trận là hạt nhân, trung tâm gắn kết cứ thế được truyền giữ ở hơn 100 ngàn khu dân cư. Tuy vậy, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm đời sống của nhân dân. Khoảng cách giàu - nghèo vẫn rất lớn; tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí còn phức tạp, cùng với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trở thành thách thức với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn lao, là một hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân”- tinh thần đó được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới khi về với bà con trong ngày hội tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Thủ tướng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về với dân “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”. Từ ý nghĩa lớn lao đó, Thủ tướng cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu hơn, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, ở cơ sở. “Để nhân dân tin tưởng, chúng ta phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, như chống quan liêu, xa dân, không lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”- Thủ tướng nêu rõ.

Mong muốn này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc tới khi về với bà con thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy (Thái Bình) trong Ngày hội Đại đoàn kết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, kịp thời chia sẻ, động viên, lắng nghe, tập hợp ý kiến nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận - 2

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai).

2. Qua 15 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm đã và đang được mở rộng và không ngừng được phát huy, nâng cao về cả hình thức tổ chức và nội dung. Trong năm 2018 đã có trên 98% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều điểm mới, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Tinh thần đổi mới đang được những người làm công tác Mặt trận các địa phương hướng tới để có những cách làm sáng tạo trong tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hà Nội là một trong những điển hình khi là đơn vị đầu tiên trong cả nước có kế hoạch liên tịch giữa Mặt trận và UBND thành phố về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ông Vũ Hồng Khanh- Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, cho biết đây là năm đầu tiên cũng là điểm mới của thành phố khi Mặt trận đã chủ động phối hợp với UBND ký và triển khai kế hoạch liên tịch giữa hai bên về việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Qua việc ký kết kế hoạch liên tịch đã tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận và chính quyền, đảm bảo điều kiện cho các khu dân cư tổ chức ngày hội được tốt hơn. Chính từ đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay thu hút, tập hợp được đông đảo nhân dân hơn, nội dung hoạt động phong phú, sinh động và thiết thực hơn, nhân dân và cán bộ vui tươi và phấn khởi hơn.

“Năm 2018, có 30 khu dân cư trên địa bàn thành phố có lãnh đạo Trung ương, thành phố về dự Ngày hội Đại đoàn kết và trao tặng tổng số 300 suất quà cho các hộ nghèo. Trong ngày hội các khu dân cư đều tổ chức biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến và trao tặng quà cho hộ nghèo”- ông Khanh thông tin

Còn tại thành phố Hải Phòng, 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn đều sôi nổi tổ chức kỷ niệm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, việc tổ chức Ngày hội đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thành công việc tổ chức Ngày hội là tại hầu hết các thôn, tổ dân phố đều tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết. Đó chính là chất keo gắn kết tình nghĩa đồng bào tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên thông tin, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2018 trên địa bàn tiếp tục được 1.129 Ban Công tác Mặt trận tổ chức chu đáo, đầm ấm và vui tươi, với trên 80% các khu dân cư tổ chức cả phần lễ, phần hội và bữa cơm đại đoàn kết. Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố và của quận, huyện về dự ngày hội và tặng quà cho gia đình tiêu biểu, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, qua đó đã động viên nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển.

Từ thành công của việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc Ngày hội được tổ chức ở hầu hết các địa phương với một khí thế mới, tạo được sự gần gũi giữa Đảng Nhà nước với Nhân dân, tăng niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, những mô hình hay cách làm sáng tạo như việc ký kết liên tịch giữa Mặt trận và chính quyền trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư tại Hà Nội sẽ được các địa phương học tập và nhân rộng. Từ đó, Ngày hội sẽ lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thu hút tập hợp đông đảo nhân dân hơn, nội dung hoạt động phong phú sinh động và thiết thực hơn.

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận - 3

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao quà cho hộ nghèo ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

3. Năm 2018 cũng ghi dấu ấn lớn của Mặt trận trong phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh Trần Tấn Ngời cho biết để tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, Mặt trận thành phố đã xây dựng Kế hoạch thực hiện “Hệ thống phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố”, nhằm tổ chức đánh giá độc lập của Mặt trận về công tác cải cách hành chính, với phương pháp điều tra, khảo sát, đánh giá bằng ứng dụng công nghệ mới. Năm 2018 Mặt trận đã tiến hành khảo sát độc lập tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn, tổ chức phỏng vấn trực tiếp với hơn 2.000 người dân.

Mặt trận thành phố cũng tổ chức 6 Hội nghị phản biện đối với dự thảo 4 Đề án của UBND thành phố như Đề án tăng mức thu phí tạm dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, hè phố trên địa bàn; Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố; Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý; Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025...

Cũng trong năm 2018, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố, hệ thống Mặt trận quận, huyện và cơ sở đã tổ chức được 67 hội nghị phản biện xã hội các vấn đề tại địa phương.

Còn tại Hà Nội, Mặt trận thành phố là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành và triển khai Hướng dẫn về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đảng viên tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; thực hiện giám sát cán bộ, công chức, đảng viên nơi cư trú theo Nghị quyết liên tịch số 05 và Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, Mặt trận từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể chính trị và nhân dân, đến nay hầu hết các đơn vị đã triển khai ít nhất 1 lần/năm.

Đánh giá về công tác Mặt trận của thành phố năm 2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định trước những vấn đề “nóng” của thành phố luôn có sự tham gia của MTTQ các cấp qua việc triển khai hiệu quả công tác phản biện xã hội, tăng cường đối thoại, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó góp phần tạo sự đồng thuận trong tầng lớp nhân dân.

Để xứng đáng là cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, Mặt trận các cấp thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác phát huy dân chủ trong khu dân cư, trong xã hội, lắng nghe hơn nữa tâm tư nguyện vọng của người dân, tăng cường công tác đối thoại để giải quyết những bức xúc, vướng mắc của người dân ngay từ cơ sở.

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận - 4

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dự Ngày hội Đại Đoàn kết ở Thái Nguyên.

4. Năm 2019, hệ thống Mặt trận đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024. Một trong những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống Mặt trận đó là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tinh thần đó được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết hoạt động cụm thi đua các thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 tại TP Hải Phòng vừa qua.

Nhiệm vụ “xốc” lại đội ngũ cán bộ được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đặt ra đối với Mặt trận các cấp là phải tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Trong công tác chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đại hội phải thực sự đổi mới về nội dung, xác định khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, và đưa ra được những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm trong triển khai các chương trình hành động. Trong quá trình tổ chức Đại hội, cần quan tâm đến việc chỉ đạo, sắp xếp bộ máy thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 theo hướng tinh gọn, để lựa chọn được những Ủy viên Ủy ban có tâm huyết và đội ngũ Ban Thường trực đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.

Bên cạnh đó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý hệ thống Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong triển khai các chương trình hành động. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống Mặt trận phải nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, chủ động nắm tình hình để tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, không để phát sinh điểm nóng phức tạp ở các địa phương.

“Năm 2019, điểm nhấn của công tác Mặt trận phải tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đưa các chương trình giám sát, phản biện đi vào chiều sâu, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Năm 2018 kết thúc, Mặt trận bước vào nhiệm kỳ mới: 2019-2024. Kỳ vọng về một kỳ Đại hội đổi mới, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, quyết làm chính là động lực để thôi thúc những người làm công tác Mặt trận nỗ lực hơn nữa để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận - 5

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dự Ngày hội Đại Đoàn kết ở Nam Đàn, Nghệ An.

* Cùng bắt nhịp bài ca kết đoàn với bà con trong khu dân cư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng sáng kiến của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. 15 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại diễn ra trên cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, vừa khơi dậy tinh thần đoàn kết, vừa nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

* Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về với dân “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”. Từ ý nghĩa lớn lao đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu hơn, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, ở cơ sở. “Để nhân dân tin tưởng, chúng ta phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, như chống quan liêu, xa dân, không lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”- Thủ tướng nêu rõ.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi về với bà con thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy (Thái Bình) trong Ngày hội Đại đoàn kết đã đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, kịp thời chia sẻ, động viên, lắng nghe, tập hợp ý kiến nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh lực mới cho ngôi nhà Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO