Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng cùng vào cuộc triển khai nhiều biện pháp chung tay phòng, chống dịch bệnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cũng đã chủ động tham gia và ban hành Công văn số 239 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19).
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng động viên MTTQ, các đoàn thể và các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhắc nhở người dân bình tĩnh, chủ động phòng, chống dịch, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống nhân dân trên địa bàn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 121 điểm cầu (1 điểm cầu tỉnh, 11 huyện và 109 xã, phường, thị trấn) tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19; với khoảng 4.200 đại biểu đại diện cho các tổ chức thành viên, các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư… tham gia.
Đặc biệt, để tham gia công tác phòng chống dịch được sâu sát hơn, MTTQ ở mỗi cấp đều cử đại diện lãnh đạo tham gia vào Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cùng cấp; thực hiện phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Lâm Dũng Liêm, cho biết: Thời gian qua, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp cùng các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo, phát huy vai trò của các vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng và cách phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch thông qua hoạt động của các tổ, nhóm, tự quản ở khu dân cư; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh đến nhân dân, từ đó nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.