Tịnh Biên là huyện có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh An Giang (chiếm 26,3%), có đoạn biên giới Việt Nam - Campuchia 18,5km và Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den. Trước đây, đời sống người dân Tịnh Biên gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng có đông dân tộc thiểu số mà đời sống bà con dân tộc Khmer đã khấm khá hơn.
Những ngày này, dạo quanh núi Két, Trà Sư, Phú Cường, núi Cấm, núi Voi…chắc hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước những căn nhà đúc, nhà tôn ven lộ liên ấp, liên xã và liên huyện. Không còn thấy cảnh những căn nhà tranh, lợp lá, dột nát như vài năm trước.
Bằng các chương trình, dự án của Chính phủ và của tỉnh đầu tư phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tịnh Biên có nhiều cụm, tuyến dân cư được chỉnh trang và hình thành mới.
Nếu như năm 2010, Tịnh Biên còn 6.768 hộ nghèo (chiếm 22,92%) thì nay còn 2.392 hộ (chiếm 7,92%), riêng đồng bào Khmer, hộ nghèo giảm còn 4,75%, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Quân, có thể nói, kết quả trên là nhờ Tịnh Biên thực hiện các chính sách giảm nghèo của Nhà nước có hiệu quả. Chỉ riêng giai đoạn 2, Chương trình 135 của Chính phủ, Tịnh Biên đã được đầu tư hơn 8 tỉ đồng để xây dựng các tuyến đường: Ô Tà Bang (xã An Phú), Xóm Mới (thị trấn Tịnh Biên), Lộ bờ Tây Kênh 3/2 (xã An Nông), ấp Srây Skốth (xã Văn Giáo)...
Ngoài việc cất nhà Chương trình 134 và 135 Tịnh Biên sửa chữa và cất mới 238 căn nhà “Đại đoàn kết”, tổng trị giá trên 4,8 tỷ đồng và hơn 1.000 hộ theo Quyết định 167 và 67 của Thủ tướng Chính phủ, dạy nghề hơn 8.000 lao động và giới thiệu việc làm cho hơn 34.470 người.
Nhờ đó, Tịnh Biên đã căn bản hoàn thành việc xóa nhà tạm góp phần nâng cao đời sống đồng bào Khmer và sinh hoạt trong các phum, sóc luôn được cải thiện đáng kể.
Đến thời điểm này, giao thông giữa các phum, sóc và miền núi Tịnh Biên được tập trung triển khai thực hiện, lồng ghép với các chương trình, dự án của tỉnh và của Chính phủ. Các tuyến đường giao thông đã nối liền các ấp, xã, thị trấn tạo thuận lợi đi lại dễ dàng, hàng hóa vận chuyển lưu thông, rút ngắn khoảng cách giữa các xã và thị trấn, để bà con phát triển kinh tế làm nền tảng giảm nghèo.
Vào các phum sóc của đồng bào Khmer Tịnh Biên hôm nay, rất dễ nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết các tuyến đường đều được bê tông đi lại dễ dàng. Con đường bê tông chạy xuyên qua những cánh đồng mang đến niềm vui cho những hộ Khmer tại 2 sóc Tà Núp và sóc Hồ Ngao, với kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của bà con. Ai cũng thấy phấn khởi bởi phum, sóc giờ đây khang trang hơn, tạo nên nét mới cho vùng quê xứ núi.
Hòa thượng Chau Cắk, sãi cả chùa Prolai Méas (xã Núi Voi) chia sẻ: “Tôi thấy bà con đi lại rất khó khăn vì trong ấp khi đó chưa có đường, chủ yếu đi trên bờ ruộng, khi trời mưa rất dễ té ngã nên quyết đứng ra vận động. Nhờ bà con ủng hộ tích cực, chúng tôi đã vận động để làm đường, xây cống, phục vụ cho đồng bào”.
Đối với Hòa thượng Chau Cắk niềm vui chính là những tuyến đường đã phát huy tác dụng, bà con thuận lợi trong sản xuất và đi lại. Ngoài những tuyến đường, người dân Khmer xã Núi Voi còn góp công, góp tiền xây dựng hồ chứa nước tại chùa Prolai Méas. Đây là kết quả từ cuộc vận động của chính quyền địa phương và sư cả của chùa. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của bà con Khmer trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Núi Voi Nguyễn Duy Phong cho biết, đồng bào Khmer tại địa phương luôn chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước, đặc biệt họ rất tích cực trong việc góp công, góp tiền xây dựng những công trình xã hội mang lại lợi ích chung. Thành quả hôm nay là sự đồng lòng giữa chính quyền địa phương và người dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của các vị sư sãi, à cha trong việc tuyên truyền kêu gọi người Khmer trên địa bàn tích cực xây dựng phum, sóc.
Người Khmer xã An Cư tích cực lao động sản xuất lúa vụ thu đông.
Từ bao đời, vùng này luôn thiếu nước trầm trọng thì nay đã được khắc phục. Cùng với nước sinh hoạt, số hộ Khmer sử dụng điện đạt hơn 90%. Bây giờ, buổi tối đến các phum sóc, đâu đâu cũng sáng ánh đèn điện. Đi đôi phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, Tịnh Biên cũng đã quan tâm chăm lo sinh hoạt tinh thần cho đồng bào Khmer các phum, sóc.
Toàn huyện có 25 ngôi chùa Khmer (riêng tại địa bàn xã An Cư có đến 11 ngôi chùa), những ngôi chùa này đều được trùng tu khang trang và thu hút đồng bào đến cúng, viếng ngày càng đông. Các hoạt động văn hóa – văn nghệ và thể dục - thể thao gắn liền với lễ hội thường niên và định kỳ. Đến nay, Tịnh Biên có 29.265 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” (chiếm 96,9%) các khóm và ấp có đông đồng bào Khmer đều đạt chuẩn “khóm, ấp văn hóa”.
Khi cuộc sống của bà con người Khmer đã được ổn định và ngày thêm khấm khá thì các phum sóc, nhà chùa lại hàng ngày vang lên tiếng trống Sa-dăm, tiếng nhạc ngũ âm, hòa lẫn tiếng ca và điệu múa Lâm thôn, A dây, Dù kê. Các lễ hội đặc sắc dân tộc càng làm náo nức lòng người, từ đó làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer vùng biên Bảy Núi An Giang.