Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận (CTMT) đối với đảng viên đang công tác tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú. Tuy nhiên, để hoạt động này hiệu quả hơn nữa rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ các cấp với cấp ủy, chính quyền trong phân cấp thực hiện.
Một buổi sinh hoạt 2 chiều phường Giang Biên, quận Long Biên.
Từ năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn (tạm thời) số 31 về việc giám sát và nhận xét của Ban CTMT đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy, việc đánh giá nhận xét theo tiêu chí trong Hướng dẫn (tạm thời) số 31 không phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, dẫn đến việc dàn trải, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Năm 2017, MTTQ thành phố Hà Nội đã có hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm việc thực hiện Hướng dẫn này để rút kinh nghiệm; sau đó, phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức nhiều hội nghị, thu thập ý kiến các cơ sở để thống nhất phương pháp đánh giá phù hợp với cấp ủy cơ sở với đảng viên sinh hoạt hai chiều. Trên cơ sở đó, tháng 4/2018, Ủy ban MTTQ thành phố đã ban hành Hướng dẫn chính thức số 60 thay thế cho Hướng dẫn (tạm thời) số 31 với nội dung đánh giá được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn, bám sát cuộc sống hơn; đặc biệt phù hợp cho các quận, huyện vùng ven, các quận có hàng nghìn đảng viên sinh hoạt hai chiều
Trên cơ sở đó, Ban CTMT họp, thống nhất cho ý kiến góp ý đảng viên, rồi chuyển sang cấp ủy xem xét, xếp loại. Việc này được tiến hành bài bản, bảo đảm khách quan, khắc phục được tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý. Cũng nhờ các biện pháp cụ thể, đến nay, hầu hết đảng viên sinh hoạt hai chiều ở nơi cư trú đã thay đổi nhận thức, giúp cho việc giám sát, nhận xét của Ban CTMT ở khu dân cư trở nên thuận lợi hơn.
Trước đây, việc nhận xét đảng viên do Chi ủy thực hiện, nhưng nay có thêm ý kiến của Trưởng ban CTMT đã làm tăng tính khách quan, hạn chế việc nể nang qua quýt, giúp cho việc giám sát của Mặt trận thuận lợi hơn. Đây chính là “sợi dây” gắn bó đảng viên với các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động tại địa bàn dân cư. Trưởng ban CTMT khu phố 2, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Ngọc cho rằng, từ khi thực hiện theo hướng dẫn của MTTQ thành phố Hà Nội, hầu hết đảng viên ở nơi cư trú đã nhận thức được trách nhiệm của mình nên mọi việc đều được thực hiện nghiêm túc với một thái độ cầu thị biết tiếp thu, biết lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
Chia sẻ thành công trong việc phát huy sức mạnh của đảng viên và đảng viên sinh hoạt hai chiều nơi cư trú để góp sức xây dựng quê hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Chương khẳng định: “Việc lấy ý kiến không chỉ cho thấy rõ hơn về những đảng viên đạt tín nhiệm cao, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà cũng chỉ ra những đảng viên tín nhiệm thấp, qua đó giúp họ có ý thức phấn đấu, rèn luyện, gắn bó với nhân dân hơn”.