Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết

Anh Vũ - Nguyễn Phượng - Hải Nhi - Tiến Đạt (ghi) 21/06/2019 20:00

Hiện nay, đời sống bao chí đang thay đổi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đang đứng trước thách thức mang tính toàn cầu. Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, những vấn đề mà họ muốn phản ánh nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông.

GS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo: Diễn đàn quy tụ tinh hoa, trí tuệ

Hiện nay, đời sống báo chí đang thay đổi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, rõ ràng bản thân báo chí đang đứng trước thách thức mang tính toàn cầu. Trong khoảng 20 năm trở lại đây người ta đã đặt ra một câu hỏi liên quan đến văn hóa đọc khi các loại hình báo mạng bùng nổ và là đối trọng lớn đối với các tờ báo giấy.

Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết

GS Đỗ Quang Hưng.

Thực tế đã chứng minh, ở nhiều nước, báo giấy phải co gọn lại và chỉ còn những tờ báo thực sự lớn mới có thể sống được. Tuy vậy, nếu đối chứng với tình hình của Việt Nam, báo giấy vẫn có những lý do để tồn tại. Và bản thân các tờ báo cũng có những thay đổi về kết cấu, sắp xếp lại đội ngũ, cho ra đời các ấn phẩm khác nhau để thu hút độc giả.

Và có một lý do sâu xa để tôi tin rằng báo giấy vẫn có vị trí, đó là sự hiện hữu của văn hóa đọc, chứ không phải cứ mở mạng ra là bạn có tất cả thông tin. Có những người, những giới khi cầm một tờ báo giấy trên tay họ vẫn thấy rung động, có một sự đồng điệu ngầm giữa phương tiện chuyển tải và chủ thể đọc.

Ở Việt Nam cũng vậy, những sự thay đổi truyền thông giúp cho con người có sự đa dạng thông tin nhưng cũng phải chống chọi với những điều không muốn - mặt trái của văn minh trong báo mạng. Chính vì vậy trong điều kiện hiện nay nếu những tờ báo giấy mà có định hướng phát triển tốt cộng với lợi thế tự nhiên vẫn còn trong lòng người đọc thì nó cũng giúp cho người ta giữ được một đường hướng chính trị, một giá trị nhân bản, chính thống cần thiết của xã hội.

Chúng ta hãy nhìn vào Đại Đoàn Kết - tờ báo của Mặt trận với bề dày truyền thống gần 80 năm, trong tình hình hiện nay, tờ báo vẫn có vị thế đặc biệt. Khi có một sự kiện lớn cần phải có tiếng nói thì Đại Đoàn Kết vẫn thuộc một trong số ít những tờ báo được người đọc trân trọng tìm đến để biết được rằng trước vấn đề này thì Đại Đoàn Kết nói gì.

Dẫn chứng ra đó để thấy được sứ mệnh của Đại Đoàn Kết khi đứng trước những vấn đề lớn của đất nước, của Mặt trận, tờ báo rất nhanh nhạy với chiến lược tuyên truyền rất hiệu quả. Nhất là những năm gần đây khi các nhiệm vụ mới rất quan trọng của Mặt trận như giám sát, phản biện xã hội, tham gia động viên nhân dân, tập hợp quần chúng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, báo Đại Đoàn Kết đã vượt qua giai đoạn chỉ phản ánh thông tin thông thường mà đã có những thời điểm báo đi trước.

Khi Mặt trận thực hiện chức năng giám sát, phản biện thì báo đã có những loạt bài cực hấp dẫn, hay như việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, vấn đề làm luật và hiệu năng thực thi luật chúng ta đều có những bước đi rất bài bản, đa dạng. Điều ấn tượng hơn, Đại Đoàn Kết cũng đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội hiện nay trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, vấn đề đời sống, tâm tư tình cảm của nhân dân thậm chí vượt lên để đụng đến hơi thở của xã hội hiện nay, đi vào chiều sâu của một số giới, một số vấn đề trong văn hóa.

Tuy vậy, chúng ta phải thừa nhận, trong một xã hội dân chủ, phải biết trân trọng những ý kiến khác nhau. Với Đại Đoàn Kết là tờ báo của Mặt trận ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi đây phải thực sự là một diễn đàn để các giới, các giai tầng nói lên tiếng nói của mình vì một mục tiêu chung là lợi ích dân tộc và đất nước.

Theo ý kiến cá nhân tôi, báo Đại Đoàn Kết phải có được những cuộc trao đổi thẳng thắn, trực diện với giới chính trị, người đứng đầu các bộ ngành đối với những vấn đề bức xúc của xã hội được người dân quan tâm. Hay như trong giới tôn giáo, bên cạnh những nhà chuyên môn thuộc HĐTV cần chọn những người đặc biệt để có ý kiến. Có như vậy mới có những trang báo vừa mang tính khách quan, vừa đảm bảo sự đa dạng.

Năm 2019, Mặt trận đang chuẩn bị cho một nhiệm kỳ Đại hội mới, theo tôi Đại Đoàn Kết cần thiết kế một diễn đàn để góp ý vào văn kiện Đại hội. Với việc quy tụ được tinh hoa, trí tuệ từ diễn đàn này để tạo sự chuyển biến trong các chương trình hành động của Mặt trận để làm rõ giám sát phản biện của kỳ Đại hội IX phải thực sự khác Đại hội VIII như thế nào? Hay chức năng người đại diện quyền lợi chính đáng của nhân dân thời gian tới ra sao? Rồi, bước tiến trong tư duy chính trị của Mặt trận ra sao trong việc huy động tập hợp đoàn kết toàn dân?

Khó khăn lớn nhất trong đối với một tờ nhật báo xuất bản hàng ngày là áp lực thông tin, là sự cạnh tranh khốc liệt của báo chí thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh ấy, tôi tin tưởng báo Đại Đoàn Kết với sự trưởng thành của đội ngũ các thế hệ nối tiếp nhau sẽ không ngừng phát triển để xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường: Người làm báo phải có bản lĩnh

Báo chí thời nay có những điều khiến tôi trăn trở, suy tư. Nghề báo là một nghề đặc biệt. Báo chí có sức mạnh thật sự, có người gọi đó là “quyền lực thứ tư”, nhưng quyền lực đó là do nhân dân, xã hội trao cho báo chí. Chỉ bằng việc đóng góp tích cực cho xã hội, chiến đấu vì lẽ phải và công lý vì những giá trị tốt đẹp, báo chí mới thực sự có sức mạnh. Đạo đức nghề nghiệp là điều cốt lõi, có tính sống còn với nghề báo. Gần đây, hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, mà thường gọi là “đại án”, đã được báo chí phát hiện, bám sát diễn biến để đưa tin kịp thời. Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn, hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện của các cơ quan báo chí thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, khi viết các bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí người viết báo cần thể hiện có chủ đích rõ ràng như phục vụ ai, phục vụ cái gì? Việc làm này cần xuyên suốt cả cuộc đời của người làm báo. Nhà báo cần góp phần đấu tranh, làm rõ những điều không đúng và dũng cảm đấu tranh với cái sai.

Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết - 1

GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu.

Đối với báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của MTTQ Việt Nam, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có lẽ cũng cần cố gắng để có được màu sắc của Mặt trận. Nói đến Mặt trận là nói đến đại đoàn kết cho nên mục tiêu chính là phải phục vụ sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, của toàn dân tộc. Tuy nhiên, đoàn kết không phải là thỏa hiệp mà phải nâng được tầm, thống nhất ý chí. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết trong quá trình tác nghiệp có phê phán, có lên án những cái sai nhưng kết quả cuối cùng vẫn phải là phục vụ khối đại đoàn kết toàn dân.

Hiện nay, Mặt trận có nhiều hoạt động liên quan đến giám sát, phản biện; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Khi viết về những hoạt động này, báo Đại Đoàn Kết làm sao tạo được dư luận xã hội lành mạnh và nêu rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trước những sự kiện cụ thể, cần có chính kiến rõ ràng, phát hiện đúng sai phạm, để những người liên quan và cả những người có trách nhiệm phải xử lý theo đúng pháp luật.

Hiện nay, người đọc báo cũng rất thông thái, đọc bài báo là nhận biết nhà báo đó có trung thực hay không. Trong thực tế, khi bài báo xuất hiện trên mặt báo người đọc dễ nhận thấy đó là bài báo đúng đắn, nhà báo đúng đắn.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật: Mặt trận phải sử dụng hiệu quả hệ thống truyền thông

Với vai trò Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, tôi mong muốn, Hội đồng Tư vấn là kho trí tuê, chất xám về pháp luật của Mặt trận. Dó đó cần sử dụng, khai thác và phát huy vai trò của Hội đồng Tư vấn hơn nữa. Hội đồng tư vấn hiện mang tính chất phản biện, tiên phong trong việc thực hiện phản biện, nhất là trong vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Theo ông Thường, cần có cơ chế công khai giữa báo Đại Đoàn Kết với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ví dụ, khi báo đăng tải một vụ việc, cán bộ chuyên môn ở địa phương đó phải báo cáo với Ban Thường trực về độ nóng của vụ việc này, từ đó đưa ra biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời. MTTQ phải nhạy bén, có vụ việc phải giải quyết ngay. Những tồn đọng kéo dài, đã được giải quyết nhưng dân vẫn còn bức xúc thì vẫn phải xử lý.

Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết - 2

Ông Đỗ Duy Thường.

Về phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, để động viên nhân dân tham gia cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng, cần tìm ra hình thức để động viên nhân dân tố cáo tham nhũng qua việc tổ chức hội nghị công khai để nhân dân tố cáo hành vi tham nhũng. Phải có cơ chế để vận động nhân dân phòng, chống tham nhũng, phát động được nhân dân phản ánh, tố cáo tham nhũng.

UBTƯ MTTQ Việt Nam đang xây dựng dự thảo quy trình xử lý phản ánh của nhân dân, tổ chức gửi đến và phản ánh của báo chí góp phần phòng, chống tham nhũng và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Trên cơ sở các nguồn thông tin, ý kiến phản ánh đến UBTƯ MTTQ Việt Nam, các đơn vị chức năng trực thuộc sẽ tham mưu, đề xuất với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các nội dung cần quan tâm để có tiếng nói cùng với ý kiến của nhân dân, tiếng nói của người có uy tín, Hội đồng tư vấn kiến nghị với các cơ quan của của Đảng, Chính phủ, xem xét, giải quyết kịp thời.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo MTTQ Việt Nam tỉnh vào cuộc, tìm hiểu sâu hơn tình hình liên quan đến vụ việc được xử lý, nắm chắc tình hình nhân dân, ý kiến của người dân về vụ việc, chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết.

Về phòng chống tham nhũng, quan điểm của tôi là muốn MTTQ hoạt động hiệu quả, phải dựa vào nhân dân. Với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thì việc dựa vào nhân dân là vô cùng quan trọng. Nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, tức là đưa nhân dân làm chủ lên đầu. Đây là cơ chế quản lý của nước ta.

Có thể dẫn chứng con số có tới 80-90% các vấn đề về phát hiện tố cáo tội phạm tham nhũng là nhân dân phát hiện, do đó tai mắt của nhân dân là rất quan trọng. Chống tham nhũng nếu không dựa vào nhân dân thì hiệu quả không cao.

Cùng với đó, vai trò của báo chí là rất quan trọng, MTTQ phải sử dụng hệ thống truyền thông sao cho hiệu quả. Bởi nếu không vận dụng sức mạnh của báo chí truyền thông để phòng chống tham nhũng là một thiếu sót trong việc khai thác sức mạnh của báo chí. Báo chí của hệ thống Mặt trận, nhất là báo Đại Đoàn Kết phải là diễn đàn nói lên tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết, đồng lòng của nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hoá - Xã hội: Mạnh mẽ hơn nữa trong phòng chống tham nhũng

Tôi cho rằng báo chí như tờ báo Đại Đoàn Kết cần đi sâu vào vấn đề dân chủ và kỷ cương để phát triển hơn. Muốn làm được điều đó, không chỉ Tổng Biên tập, mà Đảng đoàn cũng phải dám chịu trách nhiệm, phải đứng mũi chịu sào trước mỗi bài viết. Đồng thời cần phải rèn luyện, chọn lựa những ý kiến thật sắc sảo từ Hội đồng Tư vấn.

Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết - 3

Ông Nguyễn Túc.

Muốn vậy, trước hết, cần phải nhận thức được vai trò của Hội đồng Tư vấn. MTTQ là nơi thể hiện trí tuệ và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng nhất là làm sao để quy tụ được trí tuệ của toàn dân, đây là điểm khác biệt của Mặt trận so với các tập thể khác. Và Hội đồng Tư vấn nằm trong trí tuệ của Mặt trận. Ở đó tập hợp những chuyên gia tiêu biểu trên từng lĩnh vực, đã qua nhiều chức vụ, có đủ cả kinh nghiệm sách vở và kinh nghiệm đời sống. Cho nên đây là tập thể rất quan trọng và cần thiết. Làm sao để các cấp các ngành hiểu rõ hơn về vị trí vai trò của các Hội đồng tư vấn. Trong những nhiệm kỳ qua, Hội đồng tư vấn đã đóng góp rất nhiều vào hoạch định chính sách của Đảng. Chính phủ từng thừa nhận rằng các ý kiến đóng góp của Hội đồng Tư vấn được chấp nhận từ 70-80%.

Do đó, Đảng và các cấp chính quyền phải nhận thức được đặc thù của công tác Mặt trận. Nhiều đồng chí chỉ thấy được thành viên tổ chức mà chưa thấy được thành viên cá nhân. Trong khi tiếng nói của nhiều thành viên cá nhân rất có trọng lượng. Tinh thần đại đoàn kết nằm ở đó, cần một người tiêu biểu để giữ được bao nhiêu người. Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia, người tiêu biểu ở Hội đồng tư vấn là rất quan trọng. Khi đã tham gia vào Hội đồng Tư vấn, phải đem hết sức mình để đóng góp, tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.

Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ đô thị hóa. Cách biệt giữa nhà cao tầng ở thành phố và nông thôn là không nhiều nhưng cách biệt về nhận thức về pháp luật vẫn còn khoảng cách. Ví dụ, để giải quyết tắc đường thì phải giải quyết từ ý thức của từng người dân. Vì vậy, báo chí cần phải đưa cả những hạn chế, những điểm chưa được song hành cùng thành tựu để có cái nhìn khách quan, tổng quát và truyền tải được nhận thức đến người dân.

Về lĩnh vực văn hoá – xã hội, theo tôi, hiện tượng đáng lưu ý nhất hiện nay là mê tín dị đoan. Hiện nay tình trạng mê tín dị đoan, hủ tục đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do công tác quản lý thiếu quyết liệt, còn nhiều tồn tại hạn chế. Nhiều người ở cương vị cao chưa gương mẫu. Mê tín dị đoan đang trở thành vấn nạn trên mọi phương diện của cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, văn hóa, khi đua nhau cưới to, đi chùa nhiều lễ, trong khi đất nước chưa phải là giàu có. Vì vậy, báo chí phải đồng hành tuyên truyền, phê phán vấn đề này để đẩy lui những vấn nạn như mê tín dị đoan. Báo chí phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa với những tiêu cực lĩnh vực văn hóa xã hội và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt tờ báo Đại Đoàn Kết rất uy tín, nổi tiếng về tham vấn, phản biện phải luôn đi đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xứng đáng với sứ mệnh là tờ báo của khối đại đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO