Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện là mắt xích quan trọng trong việc phòng, chống dịch và phải được xem là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ra Quyết định về “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5188/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn bao gồm các nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm chung và các biện pháp kiểm soát cụ thể như phân luồng tiếp nhận và sàng lọc người bệnh, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ ăn uống, đồ vải, xử lý thi hài.
Bên cạnh đó còn có Quyết định số 3088/QĐ-BYT về “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”. Bộ tiêu chí được xây dựng và ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS. BS Trương Anh Thư- Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (phụ trách nhóm chuyên về chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai tại tâm dịch Bắc Giang) cho biết: Mục tiêu của kiểm soát nhiễm khuẩn là hỗ trợ, duy trì các dịch vụ chăm sóc, điều trị thiết yếu bằng cách ngăn chặn sự lây truyền Covid-19 trong các cơ sở y tế để giữ cho bệnh nhân và nhân viên y tế khoẻ mạnh và an toàn. Công tác này càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bởi sự xuất hiện của chủng virus biến thể Ấn Độ lần này có thời gian ủ bệnh và lây lan nhanh hơn các chủng cũ.
“Bảo vệ nhân viên y tế là yêu cầu sống còn, là mấu chốt trong việc đảm bảo cho hệ thống chăm sóc, điều trị và phòng chống dịch được vận hành trôi chảy. Bởi lẽ, đây là lực lượng quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch”- TS.BS Trương Anh Thư cho biết.
PGS.TS Đinh Vạn Trung- nguyên Chủ nhiệm Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện 108 cũng cho rằng: Có 5 biện pháp chính được xem là nguyên tắc phòng và kiểm soát Covid-19 trong các cơ sở y tế, đó là phát hiện sớm, cách ly kịp thời các ca nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19; làm xét nghiệm, truy vết trọng điểm những người có tiếp xúc hoặc những người có yếu tố dịch tễ; phòng ngừa lây truyền bệnh dựa trên đường lây truyền của dịch Covid-19; thực hiện những biện pháp ưu tiên bảo vệ nhân viên y tế và duy trì kiểm tra, giám sát tuân thủ thực hành phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
“Hiện nay, nhân viên y tế là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Nhân viên y tế an toàn thì mới đủ sức khoẻ để chăm sóc, bảo vệ người dân. Chính vì vậy, mọi nhân viên y tế trước khi tham gia công tác tại những khu vực có dịch phải được đào tạo về quy trình mang và loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân - quy trình quan trọng nhất đối với nhân viên y tế để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Một biện pháp không thể thiếu là phải có các nhóm kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động hằng ngày của nhân viên y tế. Đặc biệt, cần tạo ra môi trường làm việc an toàn và bố trí nhân lực hợp lý để họ có đủ sức khoẻ tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”- PGS.TS Đinh Vạn Trung nói và cho biết thêm: Môi trường làm việc an toàn được hiểu là vị trí sinh hoạt, làm việc của nhân viên y tế cần đảm bảo thông thoáng, phải được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết như trang phục phòng hộ cá nhân, phương tiện vệ sinh tay, khử khuẩn, thu gom chất thải và mọi đồ dùng vật dụng luôn phải được khử khuẩn trước khi mang ra khỏi buồng cách ly.
Theo ông Trung, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại các bệnh viện trong thời điểm hiện tại, cần phối hợp cùng các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện để triển khai tập huấn các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. Bên cạnh đó là việc phun khử khuẩn các xe cứu thương, khu vực buồng bệnh, khu nhà có bệnh nhân nghi nhiễm…Đồng thời xử lý rác thải lây nhiễm tại khu vực cách ly, khu vực phòng khám truyền nhiễm, khu vực có bệnh nhân lây nhiễm Covid-19 cũng cần theo đúng quy định. Điều quan trọng nhất đối với các bệnh viện là luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Đây là công việc luôn luôn cần duy trì kể cả khi có dịch hay không có dịch. Bởi lẽ, khi có dịch xảy ra mới làm thì lúc đó đã là quá muộn.
Những vấn đề nêu trên cũng là lưu ý của bà Đỗ Thị Việt Hương- Phó Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Theo bà Hương, có những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cần đáp ứng quy định rất nghiêm ngặt và không hề dễ dàng. Lấy ví dụ như việc mặc và tháo bộ quần áo bảo hộ, khi mặc vào thì đơn giản hơn, tuy nhiên, khi cởi đồ bảo hộ thì phải đáp ứng đúng quy định bởi bộ quần áo bảo hộ sau khi nhân viên y tế làm nhiệm vụ có thể mang rất nhiều mầm bệnh. Do vậy, khi cởi, nhân viên y tế cần lưu ý phải cởi từ trên xuống dưới, cuộn dần dần và tay không được chạm vào bề mặt bên ngoài của bộ bảo hộ. Sau mỗi bước cởi đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay đều phải rửa tay theo đúng quy định.