Mẫu số văn hóa trong du lịch Huế

Nguyễn Phúc Lân 13/01/2021 06:55

Huế là thành phố du lịch, thành phố Festival, Covid-19 đã tác động rất nặng nề đến Huế. Năm 2021, với chủ trương quay lại với thị trường nội địa, du lịch Huế ít nhiều cũng đã có dấu hiệu sáng hơn. Năm nay được coi là năm bản lề để du lịch Huế “tái cấu trúc”, nếu đẩy mạnh liên kết với các di sản thế giới “láng giềng”.

Cầu Tràng Tiền khi đêm về (Huế).

1. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ năm 2021. Theo đó, chỉ tiêu của ngành du lịch trong năm nay được dự báo với 3 kịch bản: Một là, phương án thấp, tức là dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt trong nước và quốc tế, khả năng tỉnh sẽ đón khoảng 1,8 đến 2 triệu lượt khách (tương đương với năm 2020), doanh thu ước đạt khoảng 4.000 - 4.400 tỷ đồng.

Hai là, phương án trung bình với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước nhưng nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được an toàn, chưa thể mở các đường bay đến thị trường chính, chỉ kết nối với một số thị trường gần… thì dự kiến tỉnh này sẽ đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách (trong đó khách nội địa chiếm khoảng 80%), doanh thu du lịch ước đạt 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Ba là, phương án cao, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt ở trong nước và trên thế giới, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 4 - 4,5 triệu lượt khách (khách nội địa 70-80%), doanh thu du lịch ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào đi nữa thì tái cấu trúc ngành du lịch để vượt khó, sẵn sàng bật dậy vẫn là việc phải làm.

Được biết, để vượt khó, tỉnh Thùa Thiên-Huế đã kiến nghị Trung ương miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, điều chỉnh giá điện, khoanh vùng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp lĩnh vực du lịch…

Với tỉnh, cũng đang xây dựng chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích trong 6 tháng đầu năm 2021; miễn phí tham quan các điểm di tích trong các sự kiện, dịp lễ đặc biệt... Đây được coi là đòn bẩy kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Huế.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Thừa Thiên-Huế xác định tập trung vào khách du lịch nội địa đi theo nhóm nhỏ, ngắn ngày. Việc quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website du lịch được tăng cường; trong đó các điểm nhấn là Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài; tổ chức cuộc thi ảnh “Huế trong tôi” theo từng chủ đề riêng biệt của mỗi tháng…

Đặc biệt trong năm 2021, thành phố Huế dự kiến sẽ triển khai nhiều chương trình dịch vụ du lịch ban đêm nhằm phục vụ cộng đồng địa phương và du khách tham quan; trong đó, hình thành nhiều tuyến phố đi bộ và dịch vụ ở khu vực xung quanh Hoàng thành Huế, phố đi bộ ven 2 bờ sông Hương, chợ đêm Đông Ba, khai thác các dịch vụ ẩm thực Huế và trưng bày, giới thiệu các làng nghề truyền thống ở trục trung tâm thành phố…

Như vậy, có thể thấy, Thừa Thiên-Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã chủ động khôi phục du lịch “hậu đại dịch”, trong đó chú trọng du lịch nội địa với thế mạnh văn hóa.

Sông Son trong xanh tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

2. Theo ông Phạm Phú Thạnh, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế thì cũng cần chú ý đến việc tăng cường liên kết với các điểm du lịch lân cận - những địa danh đã được UNESCO vinh danh, mà cụ thể là với Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc tỉnh Quảng Bình) và Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Ông Thạnh lý giải, cả Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng và Hội An đều có một điểm chung khi quảng bá thế mạnh du lịch, đó là di sản văn hóa, thiên nhiên. Đây sẽ là loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, chiêm nghiệm và khám phá. Nếu như tới Huế, người ta có thể tìm hiểu về quần thể kiến trúc Hoàng thành, các lăng tẩm, hệ thống nhà vườn, ẩm thực…, thì ở Phong Nha - Kẻ Bàng đó là một khu vực thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ và cũng là nơi lưu lại ký ức văn hóa của những tộc người cổ. Ở Hội An, đô thị với những mái ngói rêu phong nhắc nhớ một thời người Nhật, người Hoa cùng với người Xứ Quảng tạo dựng nên một đô thị mà sức bền vượt thời gian.

Tuy nhiên, tới nay vẫn không có nhiều tour du lịch gắn kết 3 di sản văn hóa thế giới này.

Đêm hội áo dài phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Nói như bà Phan Thị Thanh Mỹ - người từng thành công với việc làm đồ lưu niệm trên xương lá, nay đang điều hành một tour du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh thì du khách mê văn hóa sẽ tìm đến Huế. Nhưng nếu chỉ chừng đó sẽ là chưa đủ. Họ còn muốn “nạp” vào mình những trầm tích văn hóa khác trong khu vực, trong khi chỉ cần đi lại trong một hai ngày. “Lợi thế ấy chưa được phát huy” - theo bà Mỹ.

Còn theo ông Thạnh, còn một lợi thế nữa mà du lịch Huế cần khai thác, đó là tình yêu với cố đô của chính người Huế nhưng vì nhiều lý do khác nhau nay đã làm ăn sinh sống xa Huế. Huế không phải là nơi “dễ làm giàu” với nhiều người, theo thời gian người Huế đi tứ xứ, nhất là vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Họ đi xa nhưng trong tim vẫn “thổn thức với Huế”- nói như ông Thạnh. Vẫn nhớ tiếng rao của người bán hàng trong những đêm vắng lặng. Nhớ những cơn mưa lê thê vắt từ đêm sang ngày. Nhớ những con đường nhỏ nhiều lá me bay bên bờ Bắc sông Hương…

“Cần quảng bá tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa với cộng đồng người Huế làm ăn nơi xa, vì trái tim họ luôn thổn thức mỗi khi nhớ Huế”- ông Thạnh nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên – Huế có những di sản thế giới được du khách quan tâm như: Quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Nhã nhạc triều Nguyễn được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể… Với Quảng Nam, thu hút bởi các di sản: Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Đô thị cổ Hội An; Với Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẫu số văn hóa trong du lịch Huế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO