Màu xanh từ ý thức - Kỳ 2: Kiến tạo những không gian xanh

Phương Nguyên 29/12/2020 14:00

Những con đường nở hoa vươn dài khắp từ các tuyến phố đến những làng quê. Những điểm đổ rác thải biến thành những vườn hoa xinh xắn. Màu xanh “đi” vào công sở, trường học…, khiến thành phố từng bước “xanh từ nhà ra phố”. Hay rộng hơn, đó chính là màu xanh ý thức đang lan toả trong cộng đồng.

Người dân chăm sóc hoa dưới mái đê Nguyễn Khoái.
Người dân chăm sóc hoa dưới mái đê Nguyễn Khoái.

Màu xanh đẩy lùi rác thải

Những năm trước, những gia đình sống dọc đê Nguyễn Khoái, nhất là đoạn qua quận Hoàng Mai thường phải chịu “cực hình” về rác thải. Phần mái đê vốn là của chung. “Cha chung không ai khóc” dẫn đến nhiều người đem rác thải đến đổ bừa bãi. Cây cối cũng mọc um tùm khiến tuyến đê trở thành nơi chuột bọ trú ẩn, tiềm tàng những mối đe doạ về bệnh tật. Nhưng bây giờ, từ nơi “muốn tránh”, tuyến đê Nguyễn Khoái trở thành nơi “muốn đến”.

Suốt quãng đường dài mấy cây số, tuyến đê Nguyễn Khoái đã trở thành “tuyến đê hoa”. Sự đổi thay ấy bắt đầu từ cuối năm 2017. Phường Thanh Trì là một trong những địa bàn tiên phong. Ðảng ủy, UBND phường trực tiếp lên kế hoạch triển khai “thanh toán” những điểm đen về rác, biến con đê thành vườn hoa. Song, để sự đổi thay trở nên bền vững, thì mấu chốt nằm ở các khu dân cư, khi Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh vào cuộc.

Cả năm khu dân cư trên địa bàn phường Thanh Trì sát đê Nguyễn Khoái đều lần lượt ra quân. Đầu tiên là dọn rác, phát quang những bụi cây mọc hoang. Tiếp đó là trồng các loại hoa. Được sự vận động của các đoàn thể cơ sở, bà con nhân dân đóng góp những cây, hoa sẵn có của mình; hoặc ủng hộ tiền để mua các loại hoa trồng cho đồng bộ. Kết quả là con đê được phủ kín bằng các loại hoa chiều tím, tam giác mạch, hoa cúc…

Tại phường Thanh Trì, một trong những hội viên Hội Phụ nữ tích cực là bà Bùi Thị Ðịnh (ở số nhà 602, đê Nguyễn Khoái) đã đóng góp ba triệu đồng và vận động được nhiều hộ dân kè lại mái đê để trồng hoa. Cũng trên tuyến đê Nguyễn Khoái, ở địa bàn phường Vĩnh Hưng, chị em ở 11 chi Hội Phụ nữ trên địa bàn là lực lượng “chủ công” trong nhổ cỏ, nhặt các phế thải thu gom, san lấp, cào các mô đất cho phẳng để trồng hoa.

Nếu ở đê Hữu Hồng, nổi bật là những mảng xanh ở địa bàn quận Hoàng Mai thì ở phía bên kia, trên địa bàn quận Long Biên, đê Tả Hồng cũng được “thay áo mới” suốt dọc các phường: Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Thạch Bàn...

Đặc biệt tại địa bàn phường Ngọc Thuỵ, Hội Cựu Chiến binh có nhiều hội viên khéo tay đã đứng ra chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc hệ thống “vườn hoa” trên đê. Chủ trương của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống đoàn thể nhân dân đã khiến việc chăm sóc vườn hoa trở thành nhu cầu với mọi người. Bà Nguyễn Thu Hương, tổ 7, phường Ngọc Thuỵ chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy chăm sóc những vườn hoa này vừa là thú vui lúc rảnh rỗi, vừa làm đẹp, làm xanh không gian mình sống nên ai cũng vui vẻ tham gia”.

Từ nội thành đến ngoại thành, khó có thể tính hết số lượng vườn hoa, đường hoa đã được trồng, chăm sóc; nhất là việc xoá những điểm đen về rác thải, rồi biến thành vườn hoa. Chỉ tính riêng quận Hà Đông xoá được khoảng 250 điểm đổ rác, biến thành vườn hoa và nơi sinh hoạt cộng đồng. Các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên… đều có thêm hàng trăm vườn hoa mới, vốn là điểm đen về rác.

Tại nhiều huyện ngoại thành, việc tạo dựng những không gian xanh, những vườn hoa được xem như một tiêu chí “mềm”, không thể thiếu trong xây dựng Nông thôn mới. Một trong những địa bàn “xanh” nhất phải kể đến huyện Đan Phượng. Những năm gần đây, mỗi năm một lần, huyện Đan Phượng tổ chức Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Ban đầu chỉ là một cuộc thi, mà đơn vị nào có nhu cầu thì có thể tham gia. Song, với sự đôn đốc trực tiếp của Đảng uỷ, UBND huyện, tất cả các tổ dân phố, thôn làng trên địa bàn đều hưởng ứng tham gia. Người dân chủ động vệ sinh, chỉnh trang đường phố, đường làng, xoá điểm đen về rác; đồng thời, trồng cây xanh, trồng hoa ven đường.

Hàng năm, UBND huyện tổ chức chấm điểm và trao thưởng cho những địa bàn duy trì các con đường đẹp. Tiêu biểu phải kể đến các xã như: Song Phượng, Đan Phượng, thị trấn Phùng… Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: “Những kết quả thông qua cuộc thi đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường. Ý thức tự giác của người dân được nâng lên; nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia chỉnh trang, vệ sinh môi trường duy trì tạo thành nề nếp; tạo được bộ mặt cảnh quan mới văn minh, trật tự”.

Trường tiểu học Bồ Đề, quận Long Biên tạo không gian xanh trong trường học.
Trường tiểu học Bồ Đề, quận Long Biên tạo không gian xanh trong trường học.

Xanh cơ quan, xanh trường học

Từ cuối năm 2019, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội ban hành hướng dẫn triển khai các mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử, trong đó có mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. Sau khi ban hành hướng dẫn này, các quận huyện, sở ngành đã vào cuộc triển khai. Đến trụ sở các cơ quan trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, không ai không ngạc nhiên khi công sở không chỉ sạch đẹp mà còn được trang trí bởi nhiều cây xanh.

Ban đầu, UBND quận “làm điểm” bằng mua 40 cây xanh để trên bàn làm việc ở các bộ phận: Văn thư, Một cửa, Tiếp dân. Nhanh chóng, việc làm này lan toả, các phòng ban tự nguyện mua cây xanh để trang trí. Tiếp đó 100% các phường trên địa bàn quận cũng tổ chức lại không gian, tăng cường trồng các bồn hoa, cây xanh, đưa cây xanh vào bàn làm việc.

Anh Nguyễn Hồng Phong (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi thấy công sở trên địa bàn ngày càng xanh sạch hơn. Điều này khiến người dân sẽ nâng cao ý thức”.

Còn Trưởng phòng Nội vụ quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Hải thì chia sẻ: "Tạo môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, thái độ phục vụ và cách giao tiếp văn minh, lịch sự của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ tạo bầu không khí bình đẳng, thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa cơ quan hành chính với công dân".

Ngoài Bắc Từ Liêm còn phải kể đến mô hình “công sở xanh” ở quận Đống Đa, Long Biên… Việc chính quyền gương mẫu giúp cho nhân dân biết quý trọng, tạo dựng không gian xanh hơn.

Cùng vào cuộc kiến tạo không gian xanh không thể không kể đến ngành Giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát động phong trào xây dựng trường học Xanh – sạch – đẹp – an toàn. Từ phong trào này, rất nhiều mô hình hay đã xuất hiện.

Đến Trường THCS Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ), ai cũng ngạc nhiên vì ngôi trường có cảnh quan sạch đẹp xây dựng cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Em Nguyễn Thành Đạt, Trường Trung học cơ sở Quảng An cho biết: "Hằng ngày, chúng em được làm quen với việc lao động vừa để giữ gìn trường, lớp sạch, đẹp. Mỗi lớp học đều có lịch phân công chăm sóc các công trình măng non là vườn hoa, bồn cây....:.

Ngành Giáo dục Hà Nội còn lồng ghép nội dung xây dựng trường học an toàn vào phong trào thi đua nhằm huy động sự chung tay, có trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường. Hiện 100% số trường học trên địa bàn đều thực hiện với các hoạt động khác nhau. Ngoài xây dựng những không gian xanh, các trường học còn vận động học sinh thu gom vỏ hộp sữa. Năm học 2019-2029, học sinh trên địa bàn thành phố đã thu gom 269 tấn vỏ hộp sữa để phục vụ tái chế.

Hà Nội hiện có hơn 1,9 triệu học sinh. Giáo dục, xây dựng lối sống xanh trong học sinh, chính là biện pháp “ươm mầm” ý thức sống xanh của chủ nhân tương lai của thành phố. Kết hợp tổng thể các biện pháp, sự vào cuộc tích cực của các ban ngành ý thức sống xanh ngày càng lan toả mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Màu xanh từ ý thức - Kỳ 2: Kiến tạo những không gian xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO