Máy thở và thở máy

Nguyễn Khánh 01/08/2021 09:00

Trong nhiều “cơn sốt” những ngày qua, có một “cơn sốt” mang tên “đổ xô đi mua máy thở”. Mà không chỉ có mua máy thở, nhiều người mua máy tạo ô xy, và một số thiết bị y tế khác. Cơn sốt ấy không chỉ xuất hiện ở TP HCM, mà lan ra nhiều đô thị, nhiều tỉnh thành… Lo mua máy thở, nhưng nhiều người không biết rằng, khi đã phải thở máy, thì là lúc phải đến cơ sở y tế…

Việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ, có thầy thuốc được đào tạo chuyên môn…

Đổ xô đi mua máy thở, máy tạo ô xy

Nguồn cơn bắt đầu từ tâm lý lo lắng, dự phòng người thân trong gia đình bất thình lình trở thành F0, F1. Nhất là trong bối cảnh chủng mới Delta rất mạnh, gây nguy hiểm đến tính mạng và việc thí điểm điều trị F0, F1 tại nhà bắt đầu được áp dụng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong những ngày qua diễn biến khó lường tại nhiều tỉnh thành, khiến cùng lúc 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Kể ra, lo lắng cũng đúng. Nhưng lo đến mức đổ xô đi mua gom máy thở, máy tạo ô xy và một số thiết bị y tế khác, thì quả thực có gì đó thể hiện sự thiếu hiểu biết. Đồng thời, là cơ hội để nguồn cung cấp trở nên khan hiếm, khiến máy bị đội giá lên cao, người thực sự cần lại không có, người có thì lại không dùng.

Khảo sát tại một số chợ bán thiết bị y tế online không khó để thấy những bài đăng quảng cáo về máy tạo oxy cho người với đủ loại giá cả khác nhau, 1 triệu tới vài chục triệu đồng. Trung bình cũng khoảng 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi không có hàng để bán, một phần do nguồn hàng nhập từ nước ngoài về bị chậm.

Trước đây, các chủ cửa hàng bán dụng cụ y tế trên phố Phương Mai (Hà Nội) cho biết, máy tạo oxy chủ yếu được bệnh nhân lớn tuổi trong Viện Lão khoa mua theo nhu cầu thực tế, mua về là dùng. Tuy vậy, gần đây nhiều người tìm đến hỏi mua và cho biết “mua dự trữ đề phòng bị mắc Covid-19”.

Lại có những gia đình có điều kiện kinh tế, tìm mua máy thở đắt tiền. Cũng với mục đích “đề phòng”. Mà máy thở (hay máy khí dung) là một trong những loại công cụ của các bệnh viện, giúp bệnh nhân có thể hô hấp được trong trường hợp họ không thể tự thở được. Nó thường được dùng khi người bệnh bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi hay nhược cơ… Tuy rằng sử dụng máy khí dung có nhiều lợi ích nhưng nó vẫn cần có sự theo dõi và sự chăm sóc kỹ càng.

Nhu cầu người mua máy tạo oxy tăng cao, một số trang web đã thông báo hết hàng.

Không nên tự ý sử dụng

Theo các chuyên gia y tế, máy tạo oxy được dùng cho trường hợp những bệnh nhân cần phải điều trị tăng cường oxy như: viêm phổi, hen suyễn, thiểu năng tuần hoàn não, tắc nghẽn phổi mãn tính; người bệnh bệnh lý về tim, phổi, chức năng vận chuyển oxy của máu yếu; suy tim; tai biến, đột quỵ,... Nhưng không có tài liệu nào chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19, ngay cả các khuyến cáo hiện hành của châu Âu cũng không cho rằng máy tạo oxy phù hợp để điều trị Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Máy tạo oxy là một nguồn oxy y tế để điều trị suy hô hấp, có thể dùng trong bệnh viện hoặc tại nhà, chủ yếu cho suy hô hấp mạn tính phải dùng với liệu pháp oxy dài ngày. Với Covid-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì chỉ điều trị cách ly tại nhà với trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Khi đã phải dùng đến máy tạo oxy tức là đã nặng rồi, không thể điều trị tại nhà được”.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng khuyến cáo, người dân không nên đổ xô đi mua máy, bởi các bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế. “Các bệnh viện đảm bảo không thiếu máy oxy trong điều trị Covid-19. Ngành y tế TP HCM đã dự trù các tình huống xấu để không bị động”, ông Tăng Chí Thượng khẳng định, đồng thời cho biết thêm, đối với máy thở xâm lấn và không xâm lấn, thời gian qua, ngành y tế TP đã nhận được sự ủng hộ từ Mặt trận Tổ quốc, từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... trên địa bàn nên đến thời điểm này cũng không thiếu.

Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng khuyên người dân không nên mua các loại máy trợ thở ô xy hay bình ô xy, máy thở để điều trị tại nhà. Ông Tuấn cho rằng, việc thí điểm cho F0 điều trị tại nhà là với những trường hợp chưa có triệu chứng hoặc nếu có là nhẹ. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải luôn theo dõi sát diễn biến của bệnh ra sao.

Trước cơn sốt mua máy thở, máy tạo ô xy trong những ngày qua, Bộ Y tế cũng chính thức khuyến cáo: Người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí oxy vì vừa lãng phí do không thể tự sử dụng được mà còn có thể gây nên sự khan hiếm nguồn cung.

Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở. Việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.

Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% ca thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập. Bên cạnh đó, việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết…

Vì thế, vị chuyên gia này khẳng định, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn. Đồng thời, quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có chỉ định và xử lý kịp thời. Do đó, trong điều kiện gia đình, người dân không thể thiết lập các hệ thống máy thở, cũng như ngành y tế không thể cắt cử kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng tại nhà riêng cho bệnh nhân.

Không để thiếu ô xy y tế trong cấp cứu, điều trị

Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang gia tăng về số lượng, tốc độ và mức độ lan truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành phố nên cần phải có các biện pháp ứng phó, đặc biệt với tình huống nghiêm trọng hơn ở một số tỉnh, thành phố. Vì thế, Bộ Y tế, trong Công văn số 5741/BYT-KCB ban hành ngày 19/7 gửi các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống ô xy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở ô xy qua mặt nạ, thở ô xy dòng cao HFNC.

Riêng khoa Hồi sức tích cực của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từ hạng 1 trở lên phải có tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống ô xy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao, như thở máy xâm nhập, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), lọc máu... để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp ô xy y tế. “Tuyệt đối không để tình trạng thiếu ô xy y tế trong cấp cứu, điều trị”, Bộ Y tế nêu rõ.

Về vấn đề nguồn cung khí oxy, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy tại nước ta. Kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó, nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước hay tại TP HCM đều không thiếu.

Trước đó, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện hồi sức Covid-19 của TP HCM để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Người dân nên mua thiết bị y tế gì?

Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn tư vấn: Thiết bị y tế tại nhà cần thiết nhất chính là nhiệt kế, để luôn kiểm soát được nhiệt độ của bệnh nhân. Bên cạnh đó là cần phải theo dõi các biểu hiện nặng lên của bệnh. Hiện nay có một thiết bị là máy đo độ bão hòa ô xy trong máu, chi phí cho thiết bị này chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng, người dân có thể mua thiết bị này để đo, nếu thấy độ ô xy trong máu giảm tức là bệnh có triệu chứng nặng lên, khi đó sẽ phải vào bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Máy thở và thở máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO