Mê Linh - nhân kiệt nơi địa linh

KIỀU MAI SƠN 22/01/2022 19:11

Khi gặp ông Đặng Văn Cường đứng đầu lĩnh vực văn hóa của huyện Mê Linh, chúng tôi đã cùng ông tới thắp nén hương trên mộ danh sĩ Đỗ Nhuận tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học Thượng thư - Tiến sĩ Đỗ Nhuận (2019).

Tiến sĩ Đỗ Nhuận (1446 - ?) là một bậc danh sĩ của kinh đô Thăng Long nửa cuối thế kỷ XV. Đỗ tiến sĩ cách nay 556 năm, khoa Bính Tuất (1466) niên hiệu Quang Thuận 7 đời vua Lê Thánh Tông, khi vừa tròn 20 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư; cùng với Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419 – 1499), Tiến sĩ Đỗ Nhuận được người đương thời ca ngợi là “hai nhà Thân – Đỗ”, bậc “danh Nho trùm đời”. Nhiều địa phương miền Bắc thờ ông làm Thành hoàng như làng Quang Hiển, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín và xã Nhạn Tái, huyện Đông Anh, Hà Nội…

Phó Giáo sư Bùi Duy Tân đã nhận xét: Đỗ Nhuận là nhà văn có sự nghiệp sáng tác gắn bó với thời kỳ văn giáo thịnh đạt của vương triều Lê Thánh Tông. Tác phẩm có thơ Nôm chép chung với nhiều người trong Hồng Đức quốc âm thi tập; vài chục bài thơ, bài văn chữ Hán và khá nhiều lời bình luận thơ văn của vua và các quan,… chép trong các tập “Anh hoa hiếu trị” (Tinh hoa đạo hiếu), “Quỳnh uyển cửu ca” (Chín khúc ca vườn quỳnh) của vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra, còn 12 bài thơ chữ Hán trong “Toàn Việt thi lục”.

Cùng làng với Tiến sĩ Đỗ Nhuận là Tiến sĩ Hà Nghiễm (? - 1474). Thi đỗ Tiến sĩ đồng khoa (1466) với bạn cùng làng Đỗ Nhuận, Tiến sĩ Hà Nghiễm làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Hai vị Tiến sĩ Đỗ Nhuận và Hà Nghiễm cùng thôn Bạch Đa, hai vị Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu và Nguyễn Châu Mạo cùng thôn Khê Ngoại (xã Văn Khê) đã lập thân qua thi cử để danh thơm hôm nay còn truyền.

Nay, ông Đặng Văn Cường làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê. Có dịp chúng tôi từng trò chuyện với nhau về mạch trí thức truyền lưu của giáo dục Mê Linh từ khoa cử thời phong kiến đến giáo dục hôm nay. Đó chẳng phải là nhân kiệt khởi phát từ chốn địa linh sao.

Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời đã về Mê Linh. Đặt bàn chân đi từ bắc sang đông, nhà sử học họ Trần viết về vùng linh địa này: “Một dải sông Hồng, từ Cửa Lấp sông Cà Lồ đến bến phà Chèm. Một dải sông Cà Lồ, từ tây qua bắc sang đông, chừa lại một mũi nhọn đâm nhô vào miền đồi gò Xuân Hòa, qua hồ Đại Lải tới miền rừng núi Ngọc Thanh dưới chân Tam Đảo, nơi cư trú của đồng bào Trại (dân tộc Sán Dìu)….

Những dải đất bạc màu cuối cùng của miền thềm phù sa cổ men theo quốc lộ, còn in hằn “vết chân ngựa Gióng”, những dải đồng màu bao quanh khu chiêm trũng Tam Đồng nho nhỏ; những ngọn đồi gò dạng vòm thấp xoải, rải rác đó đây, làm chứng tích cho mọi thềm sót (bậc 1) của sông Hồng; một con đê quai bề thế nhô cao như ngăn cách miền huyện trong đê với 6 xã miền đất bãi và một vạn chài miền Hối”.

Bia tiến sĩ 1466 khắc tên Tiến sĩ Đỗ Nhuận tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trải bao biến thiên thời cuộc, tư liệu Hán Nôm bị hủy hoại. Nhiều di tích văn hóa cũng hoang phế. Mê Linh không nằm ngoài những cuộc “hí trường” do tạo hóa gây nên. May thay, lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp để lại, còn thác bản tấm bia hai mặt khác, được lập vào ngày tốt, tháng 10, năm Tân Sửu (1601), niên hiệu Hoằng Định thứ 2 đời vua Lê Kính Tông.

Trên bia có bài ký cho biết, trên núi Thanh Tước từng có ngôi chùa Sùng Ân, dân gian thường gọi là “chùa trăm gian” – một dấu ấn văn hóa vào hàng quốc tự thời vua Lê – chúa Trịnh. Nội dung thác bản văn bia cho biết rõ hơn nguồn gốc chùa Sùng Ân được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, thời nhà Lý (1010 – 1225) do Thiền sư Trí Bảo làm trụ trì.

Cùng với chùa Sùng Ân là chùa Hoa Sơn (tên gọi khác chùa Lục Tổ) ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh ngày nay. Sùng Ân và Hoa Sơn đều quy mô hàng trăm gian, đều gắn với tên tuổi các thiền sư nổi tiếng, đều chung một địa thế: có núi Tam Đảo dẫn mạch, có sông Cà Lồ uốn lượn, cùng tọa lạc trên đỉnh đồi... và cùng có chung một số phận: bị phá bỏ toàn bộ vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược (1947 – 1954).

Mê Linh – theo cắt nghĩa của Giáo sư Trần Quốc Vượng là tên địa danh hành chính cấp huyện mới đặt song lại rất cổ trên miền đất cổ: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Tên huyện địa đầu, cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội hôm nay được đặt 44 năm về trước từ gợi ý của Phó Chủ tịch UBND Tỉnh ủy Vĩnh Phú - ông Trần Quốc Phi - một người yêu văn hóa văn nghệ, một tâm hồn nghệ sĩ với vẻ ngoài chính trị gia nghiêm nghị. Tên tuy mới mà lại rất cổ vì kế thừa tên gọi Đô kỳ Mê Linh từ đầu Công nguyên khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh quân nhà Hán, giành lại giang sơn.

Mê Linh thuộc bộ Giao Chỉ. Đến năm Hồng Đức nhà Lê (1470-1497) đổi tên thành Yên Lãng, tên Yên Lãng bắt đầu có từ đó. Người khai khoa cho truyền thống khoa bảng huyện Mê Linh hôm nay là Tiến sĩ Nguyễn Văn Xứng (1435 - ?). Người thôn Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, năm 23 tuổi Nguyễn Văn Xứng đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Dần (1458) niên hiệu Diên Ninh 5 đời vua Lê Nhân Tông.

Tiếp nối Tiến sĩ Nguyễn Văn Xứng, trí thức Mê Linh kế thế đăng khoa với các vị tiến sĩ: Đỗ Nhuận (1466), Hà Nghiễm (1466), Nguyễn Ly Châu (1475), Bùi Phỉ (người xã Tiến Thịnh, đỗ Tiến sĩ năm 1490, làm quan đến Tế tửu Quốc Tử giám), Tạ Tài (người xã Thanh Lâm, đỗ Hoàng giáp năm 1484), Nguyễn Châu Mạo (1514)… Sang đời Nguyễn là các vị Phó bảng, Cử nhân, Tú tài.

Văn Khê là một trong 6 xã miền đất bãi. Tên gọi Văn Khê được ghép từ hai thôn Văn Quán và Khê Ngoại mà thành. Nằm ngoài đê, Văn Khê có truyền thống học hành, thời Lê Sơ (1428 – 1527) riêng thôn Khê Ngoại đã có 2 tiến sĩ: Người thứ nhất là Nguyễn Ly Châu đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1475) niên hiệu Hồng Đức 6 đời vua Lê Thánh Tông. Người thứ hai là Nguyễn Châu Mạo (1490 - ?) đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa giáp Tuất (1514) niên hiệu Hồng Thuận 6 đời vua Lê Tương Dực.

Không những chăm chỉ học hành, người Văn Khê còn có khí chất, biết làm giàu và nói theo ngôn ngữ ngày nay thì tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Thác bản “Thủy tạo thạch bi kí” ở miếu thôn Văn Quán, xã Văn Khê dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời vua Lê Hy Tông do Giám sinh Lê Phú Giáo soạn, Phạm Hưng Hiếu viết rằng: Vào năm Nhâm Tuất (1682), bà Trần Thị Hòa người Văn Quán bỏ 100 quan tiền mua lại quyền lợi của giáo phường huyện Yên Lãng cho xã Văn Quán. Quan viên, dân làng nhớ ơn công đức đã tôn bầu bà Trần Thị Hòa làm hậu thần.

Thác bản “Tạo thạch bi” - Bia đình thôn Yên Nội, dựng năm Chính Hòa thứ 3 (1682) cho biết cụ thể hơn: Giáo phường huyện Yên Lãng do cần tiền đã bán đứt quyền lợi của mình cho xã Văn Quán. Bà Trần Thị Hòa người bản xã bỏ ra 100 quan tiền mua lại cho xã. Hai bên lập văn khế quy định từ nay về sau các lễ nhập tịch, cầu phúc, giáo phường bản huyện không được yêu sách gì.

Văn Khê còn là quê hương của các tướng lĩnh và Anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Trung tướng Trần Trác (Chính ủy Sư đoàn 968, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần); Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Dị (Đại đội trưởng 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316) đánh đồi C1 tại Điện Biên Phủ (1954); Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tiến...

Ông Đặng Văn Cường - Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê chia sẻ: Tiếp nối truyền thống, giáo dục xã Văn Khê đạt nhiều thành tích. Năm học 2018 – 2019, toàn xã có 36 học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, năm học 2019 – 2020 số học sinh vào Đại học tăng lên 48 học sinh toàn xã. Năm học 2018 – 2019, trường Tiểu học Văn Khê A có 1 học sinh đạt giải Ba thi Đình Trạng nguyên tiếng Việt cấp Quốc gia. Sang năm học 2019 – 2020 số lượng giải của trường Tiểu học Văn Khê A đã tăng 7 giải: 4 giải Nhất, 3 giải Nhì thi Trạng nguyên tiếng Việt và Trạng nguyên toàn tài…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mê Linh - nhân kiệt nơi địa linh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO