Mía đường vẫn ‘bất an’ trước làn sóng nhập khẩu

Minh Phương 17/08/2021 07:11

Bất chấp đã có “lệnh” áp thuế chống bán phá giá, đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng mạnh 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, trong 6 tháng năm 2021, Việt Nam đã bỏ ra khoảng 367 triệu USD để nhập khẩu hơn 780.000 tấn đường. Con số này lớn nhất từ trước đến nay.

Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, vụ sản xuất mía đường đã kết thúc với sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn so với tổng sản lượng 763.931 tấn đường của vụ trước. Đáng chú ý, lượng đường nhập khẩu trong hai quý đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nửa đầu năm nay Việt Nam nhập khẩu 781.334 tấn đường, tương đương số “Mỹ kim” là 367.212.517 USD. So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 690.000 tấn đường, thì nửa đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu đã tăng thêm xấp xỉ 100.000 tấn.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là ở chỗ, trước đó, nhà quản lý đã có động thái đưa ra “lệnh” áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, do suốt thời gian dài, đường nhập khẩu từ Thái Lan có dấu hiệu gian lận thương mại. Cụ thể, với những căn cứ có được, tháng 6/2021, Bộ Công thương đã chính thức ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp 47,64% đối với đường mía Thái Lan. Quyết định này được nhiều DN nhìn nhận là quyết định có tính lịch sử nhằm khôi phục ngành mía đường nội địa, sau khi hàng loạt các nhà máy đã phải đóng cửa, 3.300 người bị mất việc, hơn 93.000 hộ nông dân bị ảnh hưởng.

Dù vậy, dường như tình hình không được cải thiện nhiều, khi số đường nhập khẩu vẫn tăng rất cao, thậm chí còn tăng ở con số kỷ lục khi đạt đến trên 780.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2021.

Lý giải về thực trạng này, VSSA cho rằng, với việc áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan, lượng đường nhập khẩu từ thị trường này có giảm, song lại tăng mạnh từ các quốc gia khác như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia này là 38.610 tấn, thì 6 tháng đầu năm nay, con số này tăng lên đến 399.289 tấn, một con số “khủng” khi tăng gấp 10 lần.

Theo VSSA, đây là hiện tượng không bình thường, bởi 5 quốc gia này có năng lực cạnh tranh mía đường rất thấp, không thể nào sản xuất được một lượng đường có sự tăng đột phá như vậy. Do đó, không loại trừ đây là dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bằng chứng là cả 5 nước này đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN này đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan.

“Nếu lẩn tránh được xuất xứ từ Thái Lan, đường nhập từ các nước Asean chỉ phải chịu mức thuế 5%. Trong khi đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn rất nhiều” – VSSA nhận định.

Mặc dù khẳng định quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống chợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan (áp dụng trong vòng 5 năm) là công cụ quan trọng tạo sự công bằng cho các DN mía đường nước nhà, song giới chuyên gia trong ngành cho rằng, với những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay, ngành mía đường nước nhà vẫn chưa thể “bình an” trước làn song đường nhập khẩu.

Đánh giá về những động thái của nhà quản lý trong việc bảo hộ sản xuất trong nước, giới chuyên gia kinh tế nhận định, đây là biện pháp quan trọng đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ cho ngành sản xuất đường và nông dân trồng mía trong nước trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đường nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, để vực dậy ngành mía đường trong nước, vẫn cần phải có một thời gian rất dài, không thể là câu chuyện một sớm một chiều. Theo đó, về lâu dài, để “chuyển mình”, ngành mía đường phải tính toán đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, canh tác...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mía đường vẫn ‘bất an’ trước làn sóng nhập khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO