Miền Trung đối mặt với bão số 5

H.An - M.Hà - T. Thành - C. Đại 12/09/2021 06:30

Chiều tối 11/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mối lo lớn nhất đối với bão số 5 là 2 yếu tố mưa và gió, đặc biệt là mưa. Kèm theo mưa là các cơn giông và gió giật. Ngay ở trong đất liền cũng có thể sẽ xuất hiện gió cấp 7, cấp 8, có thể gây tốc mái nhà, đổ cây, gãy cột điện gây nguy hiểm cho an toàn tính mạng của người dân. Trong ngày 11/9, các địa phương đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Sẵn sàng 15 máy bay để ứng phó

Cũng trong chiều 11/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, để ứng phó với mưa bão số 5.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phó trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh cơn bão số 5 đổ bộ trong điều kiện Covid-19, chỉ tính riêng 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có 2.031 F0, hàng nghìn F1, đây là thách thức rất lớn, do đó đề nghị các địa phương chỉ đạo, cách làm, có kịch bản quyết liệt.

“Vấn đề thuyền viên và người lao động trên thuyền, khi bão đổ bộ dứt khoát phải đưa lên bờ. Có một số địa phương test nhanh còn chậm, do đó vẫn còn ngư dân ở trên tàu. Các địa phương cũng lo các thuyền viên các địa phương khác đảm bảo chỗ ăn nghỉ. Tuyệt đối không để người dân trên lồng bè, chòi canh. Tránh trường hợp như bão đổ bộ vào Khánh Hòa năm 2017” - ông Hiệp nói.

Đại tá Phạm Hải Châu - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị đã thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về ứng phó với mưa bão trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ Quốc phòng đang duy trì hơn 530.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 3.100 phương tiện ứng trực sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai do mưa bão số 5. Đặc biệt sẵn sàng 15 máy bay, 105 tàu, 1.100 xuồng các loại và 160 xe đặc chủng khi có tình huống xảy ra.

Riêng Quân khu 4 và Quân khu 5 đã sẵn sàng hơn 200 lượt cán bộ và 2.000 phương tiện sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.

Chạy đua giúp dân thu hoạch lúa

Quảng Trị được dự báo là một trong những địa phương sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất của bão số 5. Ông Lê Quảng Tùng- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đề nghị chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng chỉ đạo các ban, ngành, xã, thị trấn tiếp tục cử lực lượng túc trực 24/24h và chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão. Tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân không được chủ quan trong việc chuẩn bị đối phó với bão lụt, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa an toàn. Nghiêm cấm tất cả tàu thuyền, người dân ra khơi đánh bắt hải sản; không cho người dân ra các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản. Lập chốt cắm để yêu cầu người dân và các phương tiện qua lại ở những khu vực có nguy cơ sạt lỡ, ngập sâu…

Chạy đua với mưa bão số 5, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào cùng dân thu hoạch xong lúa hè thu trước khi mưa bão đổ bộ vào. Ngày 11/9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết đến ngày 11/9, toàn bộ diện tích lúa hè thu 2021 của bà con các dân tộc ít người sống trên dải biên giới Việt - Lào đã được thu hoạch xong. Cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho (Lệ Thủy) đã cùng người dân Bru-Vân Kiều các bản Eo Bù - Chút Mút, Tân Ly thu hoạch và đưa về tận nhà của từng gia đình hơn 32 tấn thóc trên diện tích 7ha.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên-Huế cho biết: Để đảm bảo an toàn, ngày 11/9 tỉnh này đã có công văn yêu cầu các địa phương vận động người dân hạn chế ra đường từ 14h chiều cùng ngày. Ông Hùng cũng cho biết toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào bờ an toàn. Hiện nay trên địa bàn còn khoảng 1.000ha lúa đang được các địa phương gấp rút thu hoạch trước khi bão vào.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu thủy điện Rào Trăng 3 và thủy điện Rào Trăng 4 thuộc địa bàn huyện Phong Điền cần tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời công nhân từ sớm cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc... tại chỗ để đảm bảo vận hành khi có tình huống chia cắt.

Dồn sức chống bão

Tại Quảng Nam người dân đang khẩn cấp dồn sức để đối phó với cơn bão này. Vùng ven biển ngư dân đang cho thuyền vào bờ tìm nơi neo đậu, trú ẩn, những nơi khác bào con tranh thủ thu hoạch hoa màu, hải sản nuôi trồng, chằng chống nhà cửa, khắp nơi đang tất bật với công việc chống bão.

Ngày 11/9, có mặt tại cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận nhiều tàu thuyền của ngư dân ở các xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang;… thuộc huyện Núi Thành đang vào bờ để neo đậu trú bão. Không khí nơi đây rất khẩn cấp, hối hả.

Ngư dân xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) neo đậu tàu cá tại cảng Kỳ Hà.

Ngư dân Bùi Văn Thanh, chủ tàu cá QNa 91838 TS, ở xã Tam Giang cho biết: “Tôi cùng 10 thuyền viên đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì nhận được thông báo có cơn bão số 5 gió giật cấp 6 đến cấp 8, vì thế chúng tôi cho tàu chạy ngay vào bờ để trú tránh bão”. Ngư dân Thanh nói, ông mới đánh bắt được khoảng 10 ngày, được 3 tấn cá nục thì gặp bão đành phải vào bờ. Với giá cá bán hiện tại hơn 20 nghìn đồng/kg cá nục ông thua lỗ chuyến này hơn 100 triệu đồng.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam là 3.042 tàu/13.585 lao động; số tàu đang hoạt động trên biển là 139 tàu/2.706 lao động. Tất cả các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão.

Chiều 11/9, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, vùng biển Lý Sơn sức gió giật cấp 8 đến cấp 10, biển động mạnh. Trên đảo Lý Sơn có mưa lớn, biển động mạnh. 22 tàu thuyền đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được hướng dẫn vào bờ trú tránh bão an toàn và hơn 600 tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn đã vào bến cảng neo đậu an toàn. Hơn 50 lồng bè nuôi cá của ngư dân địa phương đã được di chuyển vào các vịnh trên đảo để tránh thiệt hại khi bão vào đất liền. Hiện tại neo đậu tại các bến là 5.582 tàu/34.667 lao động. Trong đó neo đậu tại các cảng cá và khu vực neo đậu tránh bão tàu cá trên địa bàn tỉnh là 1.648 tàu và 51 lồng bè gồm: Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa 251 tàu, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn 607 tàu và 51 lồng bè, cảng neo đậu trú tàu thuyền Mỹ á 190 tàu, cảng cá Sa Huỳnh 537 tàu, cảng cá Tịnh Kỳ 63 tàu.

Bão số 5 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong sáng 12/9, dự báo bão số 5 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10 km đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Từ 13 giờ ngày 12/9 đến 13 giờ ngày 13/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 13/9, trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Trung đối mặt với bão số 5

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO