Miền Trung kiên cường trong mưa lũ

Nguyễn Quốc - Tấn Thành - Chí Đại 18/10/2022 06:41

Những ngày qua, nhiều tỉnh thành miền Trung mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi. Sau khi lũ rút, các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”.

Lực lượng vũ trang giúp gia đình bà Nguyễn Thị Đào (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhà bị sập do mưa lũ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ

Ngày 16/10, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lũ đã làm 1 ngôi nhà bị sập, 2 ngôi nhà bị đất đá sạt lở tràn vào nhà và khoảng 19.918 ngôi nhà bị ngập nước. Ngoài ra, hơn 3.000 chậu hoa cúc bị ngập nước, 120 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thất thoát do lũ.

Đến chiều 16/10, nước trên các sông vẫn rút rất chậm, nhiều khu vực thấp trũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang bị nước lũ bủa vây, gây chia cắt.

Ngay sau khi mưa ngớt hạt, chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chuyên trách về các địa phương để giúp bà con nhân dân ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, cũng như chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trở về nhà sau khi nước lũ bắt đầu rút, gia đình bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi, trú tại thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng với các lực lượng chức năng đã bắt tay vào dọn dẹp những gì còn lại sau khi ngôi nhà của gia đình bị sập. Anh Lê Phú (con trai bà Đào) cho biết, do ngôi nhà của anh đang sinh sống thuộc khu vực thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất xảy ra là rất lớn, nên khi có mưa lũ cả gia đình được chính quyền địa phương đưa đến nơi tránh trú an toàn trước đó.

“Rạng sáng 15/10, ngôi nhà của gia đình tôi bất ngờ bị đất đá từ ngọn đồi phía sau đổ xuống làm sập. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo chính quyền xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban CHQS huyện Phú Lộc cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng dân quân xã đến hỗ trợ gia đình để dọn dẹp những vật dụng cần thiết còn sót lại” - anh Phú cho biết.

Vẫn chưa hết buồn sau khi ngôi nhà duy nhất của gia đình bị sạt lở làm hư hỏng, bà Đào cho biết, sau bao nhiêu năm tích góp, hai mẹ con bà mới xây dựng được ngôi nhà này để an cư lạc nghiệp. “Ai ngờ chỉ trong một đêm, ngôi nhà của chúng tôi đã bị đổ sập do sạt lở” - bà Đào buồn bã nói.

Trung sĩ Hoàng Quang Lục (công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế) tâm sự, “là một người lính, chúng tôi luôn sẵn sàng đi đến những nơi mà ở đó người dân đang rất cần để được giúp đỡ trong lúc hiểm nguy. Hiện chúng tôi đang giúp người dân khắc phục những khó khăn hậu quả do mưa lũ gây ra”.

Trung tá Lê Văn Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã huy động hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bao gồm cả Bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, phối hợp với các lực lượng của địa phương để tham gia di dời tài sản, giúp bà con đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, đơn vị sẵn sàng điều động lực lượng để ứng cứu, giúp cho bà con khắc phục những khó khăn do mưa lũ, sạt lở đất và vận chuyển các tài sản đến nơi an toàn.

Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố Huế sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân có ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh này cũng đang huy động lực lượng, khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến ngày 16/10, do ảnh hưởng mưa lớn trên địa bàn đã xuất hiện 37 điểm sạt lở, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Các đơn vị chức năng tỉnh này vẫn đang tập trung nỗ lực đảm bảo giao thông, xử lý các điểm sạt lở do mưa lũ gây ra.

Ngoài ra, mưa lũ đã làm bờ sông Bù Lu, xã Lộc Thủy bị sạt lở khoảng 320m; bờ biển Giang Hải, xã Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) bị xâm thực, xói lở với tổng chiều dài 1,4km. Hiện lực lượng chức năng đã gia cố tạm, ngăn chặn sạt lở thêm.

Giúp người dân Quảng Nam chằng chống nhà cửa trước bão Nesat.

Chủ động đối phó với bão Nesat

Cũng trong ngày 16/10, ông Hoàng Bá Linh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị) cho biết, do tuyến đường Quốc lộ 15D bị sụt lún hư hỏng nặng nề khiến khoảng 60 phương tiện chở hàng hóa đang bị mắc kẹt tại cửa khẩu này. Đơn vị đã thông báo tình hình giao thông tạm thời bị chia cắt để các công ty nắm thông tin và chủ động xử lý. Đồng thời, do cơ sở hạ tầng tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay còn hạn chế, vì vậy, Chi cục Hải quan Cửa khẩu La Lay phối hợp với các lực lượng để bố trí vị trí đậu đỗ xe cho tài xế.

“Đơn vị sẽ hỗ trợ thủ tục cho các công ty vận tải để hạn chế tối đa thiệt hại về hàng hóa” - ông Linh cho hay.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết, cầu tràn trên đường tỉnh lộ 586 đi vào khu sản xuất thuộc thôn Trùm, xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, đường vào chốt 73) bị sạt lở với chiều dài 10m, rộng 4m khiến giao thông khu vực này bị chia cắt.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, từ 19 giờ ngày 13/10 đến 4 giờ ngày 16/10, lượng mưa đo được trên địa bàn toàn tỉnh phổ biến từ 100 - 200mm; một số nơi cao hơn như Mỹ Chánh 570mm, Hải Tân 479mm, Ba Lòng 457mm, Tà Rụt 421mm.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã bố trí lực lượng túc trực tại các điểm bị ngập lụt để cảnh báo và yêu cầu người dân tạm thời không đi qua những khu vực xung yếu, ngập nước. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng tiến hành di dời 1.205 hộ với 3.835 nhân khẩu sinh sống tại những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Còn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, đối phó với cơn bão Nesat và không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam, các địa phương này đã triển khai các biện pháp phòng, chống. Sáng 16/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông báo đến các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra...

Đặc biệt, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển để ứng phó với bão Nesat; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Trung tá Nguyễn Hoang (Đồn biên phòng Cửa Đại, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) cho biết đã cho tạm dừng hoạt động tuyến đường thủy từ TP Hội An - Cù Lao Chàm và ngược lại. Nguyên nhân do ảnh hưởng cơn bão số 5 và mưa lớn những ngày qua, làm vùng biển ở Cửa Đại gió mạnh cấp 5 và sóng biển động mạnh nên đã tạm dừng hoạt động tuyến đường thủy Hội An - Cù Lao Chàm từ vài ngày trước để đảm bảo an toàn cho hành khách đi lại. Đến khi nào thời tiết trên biển tốt trở lại đơn vị mới cho hoạt động vận chuyển hành khách trở lại tuyến này.

Tại Quảng Ngãi, công tác tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở Nhà máy thuỷ điện Kà Tinh 1, thuộc địa phận xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng mất tích vào tối ngày 10/10 vẫn đang tiếp tục.

Đại tá Lê Xuân Hưng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp chỉ huy, cho biết Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ phối hợp với Công an huyện Trà Bồng quyết tâm triển khai cả ban đêm tìm kiếm nạn nhân. Cùng với việc sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam), đội hình dây cứu nạn và người nhái lặn suối, hút nước và bùn khu vực hầm chứa tuabin nhà máy thuỷ điện... mở rộng khu vực tìm kiếm nạn nhân.

Nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị ngập.

Theo thống kê tới ngày 16/10, mưa lớn đã khiến hơn 300 nhà dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) bị ngập lụt. Tại khu vực biên giới thuộc huyện Quảng Ninh, đường vào các bản Ploang, Zin zin, Dốc Mây của xã Trường Sơn vẫn bị ngập, người, phương tiện chưa qua lại được. Mưa lớn những ngày qua cũng khiến nước sông, suối dâng cao làm 9 thôn, bản ở huyện Quảng Ninh bị ngập và chia cắt, gồm: Ploang, ZinZin, Dốc Mây, Hôi Rấy, Nước Đắng (xã Trường Sơn); Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn, Nà Lâm, Trường Nam (xã Trường Xuân).

X.T

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Trung kiên cường trong mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO