Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Năm 2021, dự kiến Tổng Công ty được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp liên quan phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư để duy tu, bảo trì. Đó là thực tế, nhưng vì sao nên nỗi?
Nhiều năm qua, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vận hành trong tình thế khó khăn. Nhất là việc phải cạnh tranh “không ngang bằng” với các phương tiện vận chuyển khác, trong đó có hàng không, đường bộ. Chậm cải tiến, cải tạo và nâng cấp, hệ thống đường sắt hơn trăm năm tuổi giờ đã thực sự già nua.
Cái lý của mỗi bên
Kể từ đầu năm 2020 tới nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, đường sắt khó chồng thêm khó. Lượng hàng hóa thuê vận chuyển giảm sâu, lượng khách đi tàu còn “thê thảm” hơn. Nhiều chuyến tàu đã “đứng bánh”. Đáng chú ý, việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động. Trong đó nguy cơ cao là các lao động làm công việc tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang, vì họ vốn là những người thu nhập thấp. Lãnh đạo ngành ĐSVN cho rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết thì “doanh nghiệp đến bước đường cùng”, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4 này.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nói gì thì nói ĐSVN đã hụt hơi trong cuộc đua thị phần với hàng không và đường bộ. Thị phần vận tải ngành đường sắt hiện đã ở mức thấp nhất. Vậy, nguyên nhân sự “hụt hơi” đó đến từ đâu? Trước tiên là từ chính VNR, sau đó là sự “vênh nhau” trong việc ai có quyền quản lý, sử dụng số tiền 2.800 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành này: Tổng Công ty ĐSVN (thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) hay Cục ĐSVN (thuộc Bộ GTVT)?
Được biết, ngày 22/1/2021, Bộ Tư pháp đã có công văn 193/BTP-PLDSKT gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Văn phòng Chính phủ trong 4 tháng qua đã 3 có lần có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, trong đó còn ghi rõ: “Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại văn bản nêu trên khẩn trương hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Công văn 908/VPCP-CN ngày 4/2/2021.
Về việc này, theo đại diện Bộ GTVT: Chủ trương của Bộ là làm đúng theo các quy định của pháp luật, muốn giao kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty ĐSVN thì phải hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Về phần giao vốn cho Tổng Công ty ĐSVN thì phải thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.
Rõ hơn, Bộ GTVT cho rằng: Việc giao tài sản kết cấu hạ thầng đường sắt quốc gia (gồm 297 ga và tuyến đường sắt Đà Lạt - Tại Mát) cho Tổng Công ty ĐSVN tính vào thành phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của Đề án và tuân thủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10506/VPCP-CN”.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng Bộ GTVT giao dự án quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty ĐSVN để tổ chức thực hiện là không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng, theo Bộ Tài chính, giao dự án quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty ĐSVN là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước (Khoản 1 Điều 49).
Theo giới chuyên gia, cũng chính từ việc “vênh” nhau giữa các bộ, nên ĐSVN sẽ vẫn “hẩm hiu” vì mấu chốt ở chỗ không có tiền đầu tư, nâng cấp, đó là chưa nói đến khoảng 11.000 người lao động đứng trước nguy cơ không được nhận lương.
Nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt?
Xung quanh việc Cục ĐSVN hay Tổng Công ty ĐSVN có quyền giao vốn nhà nước, ký hợp đồng đặt hàng với 20 DN bảo trì đường sắt, Bộ GTVT và Tổng Công ty ĐSVN “chưa ai chịu ai”. Cũng cần nhắc lại, trong khi các cơ quan tranh cãi nhau về quyền phân bổ số tiền 2.800 tỉ đồng phí bảo trì đường sắt thì 20 DN bảo trì khốn đốn vì chưa ký được hợp đồng.
Nhắc lại, tại văn bản của Tổng Công ty ĐSVN gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/4, đơn vị này “kêu gào” rất khẩn thiết: “Đẩy DN đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải”. Ai đẩy, phải chăng chính là Bộ GTVT? Xin được lưu ý: Tổng Công ty ĐSVN từng trực thuộc Bộ GTVT quản lý hàng chục năm qua, mới chuyển qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) từ năm 2018 đến nay.
Vấn đề xuất phát từ chuyện, từ năm 2019 trở về trước, Bộ GTVT là đơn vị quản lý trực tiếp Tổng công ty ĐSVN, DN được nhà nước giao dự toán hằng năm khoảng 2.800 tỉ đến 3.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. DN này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ cho đến hết năm 2019. Đến đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho tổng công ty được nữa vì vướng Điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước (Bộ chỉ giao dự toán và đặt hàng các DN thuộc bộ). Trong khi đó, Tổng Công ty ĐSVN không còn là DN thuộc bộ nữa.
Đáng chú ý, từ năm 2021 trở đi, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT xây dựng. Trong đó phần liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính là “giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”, thì cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều thống nhất quan điểm: Việc bảo trì phải thực hiện theo Luật Ngân sách, nghĩa là giao dự toán 2.800 tỉ đồng nói trên cho Tổng Công ty ĐSVN là không phù hợp với quy định. Số tiền này cần giao cho Cục ĐSVN quản lý, sử dụng. Hay nói cách khác là Cục ĐSVN (thuộc Bộ GTVT) sẽ giao 2.800 tỉ đồng đặt hàng 20 công ty cổ phần ngành đường sắt duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.
Nhưng, Tổng Công ty ĐSVN lại muốn giao cho mình số tiền này từ năm 2021 trở về sau, thay vì giao cho đơn vị quản lý trung gian là Cục ĐSVN với lý do: khi thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải luôn gắn với công tác điều hành chạy tàu vì kế hoạch duy tu phụ thuộc vào biểu đồ chạy tàu.
Nói như ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN thì cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản mà chỉ thực hiện đúng các chức năng về quản lý nhà nước như hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch và kiểm tra, giám sát. Tóm lại, số tiền 2.800 tỉ đồng từ ngân sách giao cho Tổng Công ty ĐSVN quản lý sử dụng mới đúng.
Nhưng, lý lẽ của vị Chủ tịch HĐTV vẫn không đủ “kéo” 2.800 tỉ đồng về cho Tổng Công ty ĐSVN. Trong khi đường sắt ngày thêm khó khăn, có thể ví như người lâm trọng bệnh cần sớm được “truyền máu” để hồi phục.
Trong khi các bên vẫn tiếp tục giằng co 2.800 tỷ đồng “vào tay ai”, thì hạ tầng đường sắt vẫn xuống cấp, người lao động tiếp tục gặp khó khăn. Bên nào cũng đòi quyền phân chia số tiền ngàn tỉ về cho mình nên đến nay các cuộc họp giữa Cục Đường sắt với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và 20 doanh nghiệp được đặt hàng vẫn không thể đi đến thống nhất, dù số tiền 2.800 tỷ từ ngân sách đã sẵn sàng.