Minh bạch công tác cán bộ

Mai Loan 28/03/2016 06:05

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành xây dựng Đảng hôm 26/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, những thành quả, kết quả đạt được của chúng ta trong năm 2015 có sự đóng góp chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.  “Tổ chức có mạnh, con người có tốt, cán bộ có giỏi, thông minh, sáng tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng lòng thì chúng ta mới làm được. Nói cách khác, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. nguồn: sggp.org.vn.

Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, của Hồ Chủ tịch trải suốt hơn 70 năm lập quốc; kể từ những ngày đầu tiên, khi Đảng mới chỉ có hơn 4.000 đảng viên. Nó cũng cho thấy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên tốt thường xuyên được đặt ra.

Tháng 10 năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Cũng vì lý do này mà kể từ khi ra đời cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công và cả những năm sau này, Đảng vẫn luôn coi trọng công tác cán bộ; luôn đặt nó là một nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi nhiệm kỳ công tác; trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Thành công trong công tác cán bộ, trong công tác xây dựng Đảng những năm qua không hề nhỏ.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy rõ, ngày càng có thêm nhiều những cán bộ ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng, đưa số đảng viên lên 4,6 triệu người. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã có nhiều lớp cán bộ được đào tạo bài bản cả về lý luận và thực tiễn; tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt, lớp cán bộ trẻ, cán bộ kế cận nhiều người được tiếp cận với cái mới, cái tiến bộ của thế giới khi trở về Việt Nam lại có điều kiện vận dụng sở học của mình vào thực tiễn công việc tại ngành mình, địa phương mình nên có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt, phù hợp với thực tế.

Tuy mừng là vậy nhưng, có một thực tế không khỏi chua xót, đó là bệnh suy thoái ở trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có lúc, có nơi nặng lên. Ngay vào đầu nhiệm kỳ ĐH Đảng XI, BCH TƯ đã phải ban hành Nghị quyết TƯ 4 về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”- một Nghị quyết mà ngay khi ra đời đã nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân; từ những người dân thường cho đến các vị lão thành cách mạng; các nhân sĩ, trí thức. Vì sao vào thời điểm ấy, Nghị quyết lại nhận được sự đồng tình cao đến vậy?

Câu trả lời chính là, Nghị quyết đã nói đúng tâm lý, tâm trạng của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân khi chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống”. Và, suốt gần hết một nhiệm kỳ, Đảng đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết TƯ 4 gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Kết quả đã tạo được một bước chuyển về chất trong công tác cán bộ của Đảng.

Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết đã có 54 ngàn đảng viên bị xử lý kỷ luật; đồng nghĩa với việc “có án” nhưng diện kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc thì còn nhiều hơn. Nhưng, con số 54 ngàn đảng viên bị xử lý kỷ luật dường như mới chỉ là kết quả bước đầu.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, cử tri vẫn nói nhiều đến nạn tham nhũng, lãng phí; những câu chuyện mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền…; đến mức, ngay tại hội nghị của ngành tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển...”.

Vì thế, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu, phần đông là các lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy; người làm công tác tổ chức Đảng của nhiều tỉnh thành nên “thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch. Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời, cho rõ ràng, sòng phẳng, xem ai chạy, chạy ai? Phải giải toả được tâm tư, tâm trạng đó; phải khắc phục cho được tình trạng này. Muốn thế, phải bằng luật pháp, bằng quy chế, quy định, rồi kiểm tra, đôn đốc ráo riết. Và trước hết những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm.”

Rõ ràng, không dưng mà cử tri và nhân dân phản ánh với Đảng, với những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước. Nhân dân tinh tường, nhạy cảm, nhận biết và đánh giá bản chất hiện tượng rất nhanh; chỉ có điều ở vị trí của mình cử tri và nhân dân gặp khó khăn trong việc điều tra và đưa ra những bằng chứng cụ thể. Ở khía cạnh khác, cũng thực khó mà bắt bẻ, quy kết những xì xào, bàn tán của dư luận khi trong nhiều trường hợp chúng ta không thể hoặc không công khai, minh bạch công tác cán bộ để dân biết, dân giám sát. Mà phàm cái gì cứ ở “trong bóng tối” là hay bị đặt câu hỏi.

Có lẽ xuất phát chính từ đó mà Tổng Bí thư đã đề nghị các cán bộ làm công tác cán bộ của Đảng phải thẳng thắn thảo luận, chỉ rõ đúng sai thế nào để nói cho dân biết, dân hiểu. Bởi, một khi không hiểu, không biết hoặc biết một cách rất lờ mờ thì dân sẽ cảm thấy lo lắng, mất lòng tin là điều dễ hiểu.

Nhưng có lẽ, nói cho dân hiểu mới chỉ là bước đầu tiên mà phải làm để dân tin mới là điều quan trọng nhằm lấy lại niềm tin yêu đang có nguy cơ mai một trong dân. Nghị quyết TƯ 4 khóa XI rồi đây sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện. Báo cáo Chính trị và Nghị quyết ĐH XII của Đảng đã chỉ rõ điều này. Nhưng, có lẽ ngay cả quá trình thực hiện cũng cần kiên quyết, kiên trì và không khoan nhượng để làm sao thu hẹp một cách tối đa cái “bộ phận không nhỏ” thành một bộ phận nhỏ, rất nhỏ thì mới mong cô lập và tiến tới loại trừ để làm trong sạch hơn đội ngũ.

Nói là thế nhưng, để thực hiện được cũng chẳng phải dễ nếu chính các cán bộ, đảng viên không tự nhìn thẳng vào sự thật mà vẫn chỉ tự “ru ngủ” trong những “kết quả bước đầu” còn khá kiêm nhường. Nếu thế, cái xấu sẽ vẫn còn đất sống một khi vẫn còn đường để đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch công tác cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO