Minh bạch thị trường bất động sản

H.NHI 20/03/2022 07:16

Trước đề xuất giao dịch bất động sản qua ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Giao dịch bất động sản qua ngân hàng sẽ thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, góp phần chống tham nhũng, minh bạch thị trường bất động sản, đặc biệt sẽ hạn chế tình trạng 2 giá (giá để tính thuế, phí và giá giao dịch thực tế).

Giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ tránh được rủi ro.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc giao dịch bất động sản qua ngân hàng vào thời điểm này rất phù hợp vì có nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Thời gian qua nhiều chính sách, quy định quan trọng thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai.

Đặc biệt, cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt ra một loạt mục tiêu như giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm... Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng kế hoạch triển khai đề án để đảm bảo triển khai kịp thời, có hiệu quả và đạt mục tiêu đặt ra.

Thứ hai, hiện nay tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt của Việt Nam vẫn còn nhiều, trong khi đó thanh toán bằng tiền mặt có nhiều rủi ro như mất cắp, cướp giật, phải chi phí, phải đếm, phải chống tiền giả. Thứ ba, qua đó đảm bảo tính công khai minh bạch, góp phần cho ngân sách có thể thu phần thuế giao dịch phù hợp hơn. Tất nhiên cũng có ý kiến hiện nay cho rằng người ta thông đồng với ngân hàng, khai man để số tiền thấp hơn.

Khắc phục hạn chế đó là phải tăng cường thông tin tuyên truyền và đặc biệt là cần có những chế tài, biện pháp mạnh tay với những ai làm không đúng quy định hoặc có tính chất thông đồng. Muốn như vậy các ngân hàng cũng phải tiếp tục nâng cao hệ thống thanh toán, quy trình thanh toán đơn giản và an toàn hơn, để người tiêu dùng tin cậy hơn nữa.

Tuy nhiên, đang có nhiều thách thức tác động đến sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất trong thanh toán không dùng tiền mặt chính là niềm tin và thói quen tiêu dùng. Bởi ở đâu đó người dân vẫn còn băn khoăn về những rủi ro mất tiền, chậm hay do thất lạc.

Tiếp đến là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được đồng bộ, ví dụ người có tài khoản ngân hàng thanh toán sẽ thuận lợi hơn trong khi người không có tài khoản ngân hàng thì lại chưa có phương thức thanh toán thuận tiện giống như mobile money…

Để hoạt động được thông suốt cần phải có sự hợp tác giữa ngân hàng với tổ chức cung ứng dịch vụ mobile money để đảm bảo hệ sinh thái và khách hàng là người có lợi. Rào cản nữa liên quan đến tình hình an ninh mạng như: phòng chống rủi ro trong thanh toán…

Cuối cùng là kinh tế ngầm, kinh tế không chính thức vẫn còn ở mức tương đối lớn, cũng là thách thức đối với sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt.

Với thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam, muốn thuyết phục người dân thanh toán phi tiền mặt, theo TS Cấn Văn Lực, cần phải làm 3 việc: Thứ nhất, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là giải tỏa được tâm lý lo ngại về an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử.

Thứ hai, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, kể cả người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Thứ ba, phải có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định và đảm bảo để trong quá trình triển khai không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thị trường bất động sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO