Minh bạch thông tin để người dân yên tâm

Hồng Lĩnh 28/07/2021 17:03

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, một số đối tượng đã xuyên tạc, bóp méo sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, nếu chậm minh bạch cho báo chí và người dân sẽ dẫn đến không ít thông tin bị thổi phồng phức tạp.

Đơn cử như ngày 27/7, trên trang Facebook của ông Đoàn Ngọc Hải có đăng thông tin gửi cho ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM nêu: “Tôi đang đứng chờ hàng giờ trước số nhà 22 Trương Định, quận 3 để chở một người phụ nữ 54 tuổi bị sốt và khó thở. Đúng như dự đoán, cô ấy vừa qua đời”. Ông Hải cho rằng, ông rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện… và mong Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ đạo gấp. Người phụ nữ đó là bà Ngô Trân Châu, em ruột của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Trang Facebook của ông Đoàn Ngọc Hải

Tuy nhiên, cũng trong chiều ngày 27/7, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng phản bác thông tin trên Facebook ông Đoàn Ngọc Hải gây hiểu nhầm có người mất liên quan đến dịch bệnh và địa phương không đưa đi cấp cứu.

Ông Phạm Thành Kiên cho biết, bà Châu mất do viêm phổi, hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Kết quả xét nghiệm của bà Châu là âm tính với Covid-19. Vì vậy địa phương để cho gia đình lo hậu sự, quàn tại tư gia.

Còn về việc cho rằng địa phương nhận được cuộc gọi kêu cứu từ gia đình mà không đến đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu, ông Kiên cho hay, qua kiểm tra thì gia đình có cuộc gọi đến phường Võ Thị Sáu, Quận 3 vào lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt tại nhà người quá cố lúc 15h45. Còn gia đình gọi đi những nơi nào trước thời điểm gọi cho phường thì địa phương không biết. Vì vậy, "thông tin trên Facebook ông Đoàn Ngọc Hải phản ánh là không chính xác", ông Kiên khẳng định.

Trong khi đó, thông tin từ phía gia đình bà Châu cho biết, bà Châu bị mệt từ sáng 27/7, gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và quận nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến.

Qua vụ việc trên và nhiều vụ việc khác đang lan truyền trên mạng xã hội có thể thấy, thông tin của một cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội đăng tải trên mạng xã hội rất nguy hiểm nếu không đầy đủ, chính xác. Thậm chí, một số người còn hiểu sai bản chất vấn đề cho rằng chính quyền bỏ mặc người dân ốm đau trong khi bệnh dịch hoành hành.

Tại sao người dân dễ tin như vậy? Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ một thông tin trên mạng xã hội gần đây, với nhiều hình ảnh, lời bình cho rằng, người mắc Covid-19 tử vong, gia đình “tự xử”,…

Nguy hiểm ở chỗ, nhưng thông tin này bình thản lan truyền trên mạng xã hội, được rất nhiều người truy cập và xem đó là sự thật. Nếu người dân không được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, sẽ dẫn đến sự hoang mang nghi ngờ về tính chính xác của các sự việc, hiện tượng.

Quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định cụ thể tại Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ quyền, nghĩa vụ tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và các hành vi bị nghiêm cấm. Công dân có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Còn đối với cơ quan Nhà nước thì phải bố trí người làm đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Tiếp nhận, xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện cung cấp thông tin cho công dân theo yêu cầu; giải thích, hướng dẫn, thông báo cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng trình tự, thủ tục. Nếu thông tin đó không thuộc danh mục tài liệu mật thì phải đăng tải thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, báo chí của cơ quan Nhà nước để người dân nắm thông tin và hiểu đúng bản chất của vấn đề, tránh suy diễn lệch lạc.

Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền đang gồng mình chống dịch Covid-19, dịch bệnh hiện đang diễn biến rất phức tạp, những đối tượng cơ hội, chống phá ra sức xuyên tạc nhằm làm cho người dân hoang mang, mất niềm tin với chính quyền.

Thiết nghĩ lúc này, càng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền để bảo đảm sự minh bạch, cung cấp cho người dân những thông tin chính xác, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, tránh để người dân hiểu sai và hiểu không đúng về các sự việc, diễn biến tình hình, cũng như việc thực hiện các biện pháp, giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thông tin để người dân yên tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO