Minh bạch tiền công đức – Bài 2: Công khai minh bạch để xây dựng niềm tin

Phạm Sỹ (thực hiện) 16/02/2023 06:36

Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3/2023 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đồng thuận có nhưng băn khoăn cũng nhiều. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn.

PV: Thưa ông, khi có hiệu lực, thông tư này sẽ có tác động như thế nào đối với việc giám sát, quản lý minh bạch nguồn tiền công đức, tài trợ ở các cơ sở tín ngưỡng?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Quản lý tiền công đức là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm vì nhiều nguyên nhân như liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhu cầu, nguyện vọng cá nhân người đóng góp... Chính vì thế, không phải đến hôm nay, vấn đề quản lý tiền công đức mới được đặt ra. Trước đó, từ năm 1957, Bộ Văn hóa đã ban hành Thông tri 580 để quản lý nguồn thu của lễ hội. Theo đó, Ủy ban Hành chính có trách nhiệm quản lý khoản thu này ở các di tích, lễ hội lớn, còn đối với di tích, lễ hội nhỏ, có nguồn thu hạn chế thì do ban quản lý di tích và thủ nhang quản lý. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đã khác. Nguồn thu ở nhiều di tích và lễ hội rất lớn, không chỉ có tiền công đức mà còn các khoản tài trợ, hiến tặng vật chất khác. Vì vậy, vừa qua, việc quản lý thu, chi tiền công đức được hầu hết ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời. Dù vậy, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều tranh cãi, mâu thuẫn trong việc sử dụng tiền công đức. Từ đó cho thấy, yêu cầu bức thiết phải ban hành văn bản riêng về quản lý tiền công đức nói riêng, quản lý thu chi tài chính, tài trợ khác nói chung.

Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội quy định: “Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác quản lý lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. Đây là căn cứ quan trọng để chúng ta ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC. Thông tư này sẽ có tác động tích cực đối với việc giám sát, quản lý minh bạch nguồn tiền công đức, tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, giúp tạo lòng tin cho cả người công đức, tài trợ, người quản lý, trông coi di tích, cộng đồng địa phương, nhà quản lý và toàn xã hội đối với hoạt động này, từ đó tạo điều kiện để nguồn thu đóng góp nhiều hơn vào việc tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội nói riêng, vào sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước nói chung.

Đi lễ chùa đầu Xuân. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều ý kiến còn băn khoăn, khi thông tư này có hiệu lực, cần lưu ý những gì? Cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát nguồn tiền này như thế nào?

- Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành Thông tư 04. Trong bối cảnh các di tích, lễ hội đang rất cần có nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo và tổ chức, nguồn lực và sự quan tâm của xã hội đến di tích và lễ hội cũng rất lớn thì việc quản lý thu, chi tài chính sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động này đáp ứng nhu cầu, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, chúng ta vẫn cần bám chắc những nguyên tắc cơ bản như công khai, minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả. Đây cũng chính là các nguyên tắc xuyên suốt của Thông tư 04. Khi thực hiện, có thể có những vấn đề do chưa thể bao quát hết được, nên chúng ta cần bám sát nguyên tắc để vận động cho linh hoạt và hợp lý. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương đối với các hiện tượng tiêu cực, sai phạm để từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt thông tư này.

Công khai minh bạch tiền công đức sẽ tạo niềm tin của người dân vào hoạt động tôn giáo tin ngưỡng.

Theo nội dung Thông tư 04, tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không thì Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Theo quy định của pháp luật, tiền công đức là một tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, thì người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ là hợp lý. Dù vậy, Nhà nước cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tiền công đức – Bài 2: Công khai minh bạch để xây dựng niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO