Minh bạch tiền từ thiện

Khánh Hà 19/09/2021 13:30

Dù công khai công khai 18.000 trang sao kê từ tài khoản ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi đóng góp ủng hộ miền Trung năm 2020, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc Thủy Tiên sao kê chưa thể hiện được sự minh bạch trong quá trình từ thiện. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại vấn đề dưới góc nhìn pháp lý để hoạt động thiện nguyện vốn dĩ tốt đẹp đi vào trật tự, minh bạch đúng với bản chất ban đầu.

Bằng chứng chưa thuyết phục?

Trước sức ép của dư luận, ngày 17/9, vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh livestream công khai 18.000 trang sao kê từ tài khoản cô kêu gọi đóng góp ủng hộ miền Trung năm 2020. Công Vinh nói trang cuối cùng, tức khi kết thúc đợt từ thiện ngày 23/11 là hơn 177 tỷ đồng. Và anh cho hay toàn bộ số tiền này đã được rút ra để trao cho người dân. Qua sao kê, anh cho biết số tiền trong tài khoản tính đến tháng 2/2021 là hơn 4 triệu đồng.

Trước đó, có thông tin cho rằng vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên “ăn chặn tiền từ thiện”. Thậm chí, một số người còn cho rằng số tiền cặp đôi kêu gọi được trong tài khoản lên đến 320 tỷ đồng, khác với con số hơn 170 tỷ đồng đã công bố trước đó. Sau đó, Công Vinh lên tiếng phủ nhận thông tin này, đồng thời còn yêu cầu người tố đưa ra minh chứng Thủy Tiên dùng hai tài khoản để làm từ thiện.

Nhìn nhận sự việc trên, một số luật sư cho rằng việc Thủy Tiên sao kê 18.000 trang chưa thể hiện được sự minh bạch trong quá trình từ thiện. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các giấy tờ (bao gồm giấy viết tay và giấy xác nhận, thư cảm ơn, biên bản…) mà phía Thủy Tiên, Công Vinh đăng tải đều có sai sót hoặc chi tiết khó hiểu.

Việc phát tiền cứu trợ không được cơ quan chức năng nào lập danh sách cụ thể tại thời điểm giao nhận tiền mà chỉ có mặt chứng kiến Thủy Tiên phát tiền hỗ trợ. Thậm chí có người được nhiều, có người được ít, có người bị xúc phạm đến mức trả lại. “Các biên bản, giấy xác nhận, thư cảm ơn của địa phương chưa phản ánh được sự thật khách quan về tính chính xác, minh bạch trong việc phân phối các khoản tiền cứu trợ của Thủy Tiên”, Luật sư Hùng nhận định.

Theo vị luật sư này, vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện. Khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ. Như vậy, mới minh bạch được dòng tiền rút ra và sử dụng.

Về thông tin Thủy Tiên sử dụng từ 2 - 3 số tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền từ thiện, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa nhìn nhận, việc đó không quan trọng bằng việc làm sao để biết số tiền của mạnh thường quân gửi gắm vào và chi ra bao nhiêu cho người nghèo khó, cần sự giúp đỡ.

Việc Thủy Tiên khẳng định chỉ sử dụng một số tài khoản cho hoạt động từ thiện là một minh chứng trước người hâm mộ. Sau này, nếu như pháp luật vào cuộc làm rõ dùng 2 - 3 tài khoản đúng như tố giác thì Thủy Tiên sẽ chịu trách nhiệm cho phát ngôn của mình, đó cũng là căn cứ chứng minh cô có “minh bạch” hay không.

Còn với những dấu hiệu bất thường về chênh lệch khoản tiền so với giấy xác nhận của chính quyền, để có kết luận được Thuỷ Tiên đúng hay sai, có biển thủ hay không rất khó phán quyết nếu không để cơ quan điều tra vào cuộc.

Nói về lý do không có đơn vị kiểm toán nào tham gia quá trình sao kê, Công Vinh giải thích: Kiểm toán nhà nước thì đây có ngân hàng rồi. Chúng tôi đã liên hệ một đơn vị kiểm toán nhưng họ chỉ kiểm toán cho công ty chứ không cho cá nhân.

Về việc áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Thủy Tiên - Công Vinh, luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) cho biết: “Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cùng với đại diện pháp lý của mình đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành tố cáo lên cơ quan công an, đồng thời khởi kiện đối với các cá nhân có hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh”.

Cần hành lang pháp lý

Không riêng Thuỷ Tiên, Trấn Thành, nhiều người nổi tiếng khác như Đàm Vĩnh Hưng, Việt Hương… cũng được yêu cầu sao kê tiền từ thiện. Thời gian qua, các nghệ sĩ mỗi người phản ứng một kiểu giữa “bão sao kê” càng gây khó hiểu cho công chúng.

Tuy nhiên, sau loạt ồn ào nghệ sĩ làm từ thiện, nhiều ý kiến cho rằng, lỗi lại không phải hoàn toàn là do các nghệ sĩ. Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện. Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung.

Mới đây, phía Bộ Công an cho hay, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện, Bộ Tài chính vừa cập nhật tiến độ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã có Tờ trình trình Chính phủ ban hành Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ) và Văn bản số 8919/BTC-NSNN ngày 10/8/2021 giải trình về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Một luật sư cũng cho rằng, người Việt có truyền thống tương thân - tương ái, lá lành đùm lá rách đã hun đúc bao đời. Vì vậy, hoạt động thiện nguyện đã diễn ra rất phổ biến trong xã hội và gần đây cũng lắm thị phi, ồn ào trên mạng xã hội. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại vấn đề dưới góc nhìn pháp lý để hoạt động thiện nguyện vốn dĩ tốt đẹp đi vào trật tự, minh bạch đúng với bản chất ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tiền từ thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO