Minh bạch trong thu hồi đất

H.Vũ (thực hiện) 14/11/2022 07:33

Hôm nay (14/11) Quốc hội sẽ dành thời gian cả ngày để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến nay việc thu hồi đất đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân. Đây cũng chính là vấn đề được Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung phản biện trong thời gian qua. Theo ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong thu hồi đất, cần các điều kiện, tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính minh bạch, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người có đất bị thu hồi.

Ông Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều ý kiến không đồng tình với việc nhà nước thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị. Thậm chí có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Quan điểm của ông thì sao?

Ông Phạm Văn Hoà: Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh, trong đó có việc thu hồi để xây dựng các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị. Việc phát triển dự án đô thị, nhà ở thương mại cũng là phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Cho nên trong luật có quy định thu hồi đất đối với các trường hợp trên. Bởi nếu không thu hồi thì khó có thể phát triển được khu nhà ở đô thị, các trung tâm thương mại. Do đó luật có quy định Nhà nước đứng ra thu hồi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải tách bạch thu hồi đất cho mục đích quốc phòng an ninh, thu hồi đất phục vụ cho lợi ích công cộng ví dụ như xây trường học, bệnh viện, giao thông với trường hợp thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư làm dự án đô thị, nhà ở thương mại. Chúng ta phải có các điều kiện, tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính minh bạch, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người có đất bị thu hồi. Và giá bồi thường cũng phải khác nhau, cho nên cần tách bạch rõ ràng. Ví như thu hồi đất để làm trường học, bệnh viện, dự án giao thông với thu hồi để làm dự án đô thị, nhà ở thương mại thì giá đền bù phải khác nhau.

Vậy tại sao chúng ta không phân ra 2 trường hợp là thu hồi đất làm trường học, bệnh viện, giao thông công cộng thì nhà nước đứng ra thu hồi. Còn thu hồi làm dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại thì thực hiện cơ chế thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

- Đối với dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại việc để cho người dân và doanh nghiệp tự thoả thuận với nhau về giá đền bù là hợp lý. Thế nhưng nếu hai bên không đồng ý về giá đền bù thì dự án không thể triển khai được. Vì người dân muốn giá cao, còn doanh nghiệp thì muốn giá thấp. Cho nên rất khó thực hiện được thoả thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong thu hồi đất để làm dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại.

Chúng ta phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy nhà nước phải tham gia vào quá trình thu hồi đất. Có điều trong quá trình thu hồi, nếu giá trị của đất lên cao, nhà nước cũng phải tính toán cụ thể cho người dân. Ví dụ miếng đất giá trị 10 triệu đồng/m2 theo giá thị trường. Nhưng nếu doanh nghiệp đầu tư vào dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại thì giá đất lên 40 triệu đồng/m2, lúc đó chúng ta cũng phải tính toán để đền bù lên cho người dân ở mức cao hơn chứ không phải ở mức giá 10 triệu đồng/m2.

Muốn vậy chúng ta cần tính giá đất sát với giá thị trường để việc đền bù được chính xác và tạo sự đồng thuận của người dân, thưa ông?

- Đúng vậy, đền bù phải sát với giá thị trường hiện tại. Vì khi làm hạ tầng xong thì giá đất sẽ khác. Thời gian qua người dân không đồng thuận với giá đền bù chính là bởi nguyên nhân này. Như vụ việc đất Thủ Thiêm tại TP Hồ Chí Minh, vướng mắc chính ở điểm đó. Đất trước đây là đất đầm lầy thì giá thấp, nhưng khi doanh nghiệp tiến hành làm hạ tầng thì giá trị đất lên rất cao. Nên việc người dân không đồng tình với mức đền bù trước cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, chúng ta cần phải tính toán cụ thể để sát giá thị trường trong thu hồi đất.

Có một thực tế là sau khi thu hồi đất thì nhà đầu tư có cải tạo, đầu tư hạ tầng sau đó bán lại với giá cao. Chính vì lâu nay không công khai về mức đầu tư hạ tầng của chủ đầu tư nên dư luận rất bức xúc với việc thu hồi giá rẻ và bán giá cao. Có lẽ cần phải công khai về tỷ suất đầu tư, thưa ông?

-Theo tôi cần phải công khai về vấn đề này. Ví dụ giá đền bù 10 triệu đồng/m2, sau khi chủ đầu tư làm hạ tầng xây dựng cơ sở, tính các chi phí vào, giá có thể lên đến 15 triệu đồng/m2. Như vậy chủ đầu tư cần công khai cho người dân bị thu hồi đất biết là đã đầu tư vào hết 15 triệu đồng/m2. Sau khi cộng các chi phí thì chủ đầu tư bán 18-20 triệu đồng/m2. Việc đó cần phải công khai rõ ràng. Lâu nay việc này không được doanh nghiệp làm một cách minh bạch, cứ mập mờ nên sau khi hoàn chỉnh xong hạ tầng, doanh nghiệp bán với giá cao, và như vậy, người dân sẽ cảm thấy bức xúc khi mà được trả tiền đền bù với giá rẻ.

Đất đai là sở hữu toàn dân, do đó trong mọi hoàn cảnh đều phải đảm bảo các yếu tố hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhưng lâu nay người dân luôn bị thiệt thòi, thưa ông?

- Một doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh A sẽ làm diện mạo của tỉnh đó thay đổi, tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư kinh doanh chứ không phải chỉ doanh nghiệp được lợi. Về lâu dài tỉnh đó phát triển thì đời sống của người dân cũng được nâng lên. Nhưng có điều chúng ta cần lưu ý tránh việc “người dân được hưởng chung” còn “cá nhân bị thiệt thòi”. Tôi muốn nói ở đây là tình trạng cá nhân bị thiệt thòi trong việc thu hồi đất. Do đó chúng ta cần tính toán để đền bù cho người bị thu hồi đất một cách thoả đáng. Làm sao khi giá trị đất nâng lên thì người có đất bị thu hồi cũng phải được đền bù nâng lên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch trong thu hồi đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO