Mở cửa nền kinh tế, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Hạnh Nhân 19/09/2021 01:36

Xây dựng kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine diện rộng là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ bên cạnh quyết tâm từng bước kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương ngay trong tháng 9 này. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc mở cửa trở lại nền kinh tế và học cách sống chung với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới.  

Sắp trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế là chủ trương lớn, quan trọng, nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định là điều mà ai cũng quan tâm trong thời điểm này.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua đề án phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022-2023. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 để đảm bảo triển khai nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao cho Bộ KHĐTxây dựng một chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023.

“Dự kiến tháng 10 tới, bộ sẽ trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để Trung ương, Quốc hội xem xét thông qua chương trình này để làm sao khôi phục sản xuất và phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tiếp theo, đặc biệt trong năm 2022”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhìn nhận về việc Việt Nam chuẩn bị cho lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch bệnh, ông Jean Michel Caldagues, Giám đốc điều hành của Airbus tại Việt Nam bày tỏ: “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không thể đóng cửa mãi, phải bắt đầu mở cửa dần dần trở lại, đồng thời thực hiện linh hoạt các biện pháp giãn cách. Theo tôi, đây là một tín hiệu tốt vì lợi ích của DN, người lao động nói riêng và của đất nước nói chung”.

Đại diện Airbus cũng lưu ý đây là một bài toán khó cho Việt Nam. Các nước trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự và đang nỗ lực tìm hướng giải quyết ổn thỏa, cân bằng giữa kinh tế, y tế và xã hội. Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm, bài học từ cách tổ chức triển khai của các nước khác.

Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát. Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề nghị một Chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện trong vòng 3 năm tới. Chương trình phục hồi kinh tế được ông Cung kiến nghị tập trung vào 4 trụ cột chính gồm: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; Phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; Hỗ trợ DN phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư; Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

“Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Như vậy, một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Xuất khẩu được dự báo sẽ bung mạnh khi mở cửa nền kinh tế.

Sẵn sàng ứng phó với biến thế mới

Khẳng định mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác, bởi các biến thể của virus gây Covid-19 ngày càng phức tạp và luôn thay đổi, rất khó để có thể triệt tiêu hoàn toàn. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới. Cụ thể hơn, phải đẩy nhanh tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu trong phòng chống dịch, các quyết định đưa ra phải nhận được sự đồng lòng giữa người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước.

Để nhanh chóng mở cửa và phục hồi kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, vaccine là chìa khóa quan trọng. Hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP HCM hiện đã phủ kín vaccine mũi 1, đó là sự khởi đầu quan trọng để có thể từng bước nới lỏng giãn cách và cho phép một số lĩnh vực đi vào hoạt động.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cần tiếp tục được ưu tiên, đặc biệt ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, tiếp cận nguồn và mua vaccine vẫn phải được đẩy mạnh và bao phủ rộng hơn nữa trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị phương án nếu xuất hiện biến thể mới.

Có lộ trình và thận trọng

Chung quan điểm phải nhanh chóng triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi dịch từng bước được kiểm soát, song các chuyên gia kinh tế lưu ý, việc hoạt động trở lại cần có lộ trình và hết sức thận trọng tuy theo từng đối tượng.

Theo TS Lê Hồng Phước, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM): Trong bối cảnh của Việt Nam, nếu tính đến chuyện sống chung với dịch, mở cửa lại nền kinh tế, có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đó là “giấy thông hành y tế” và tăng cường tiêm vaccine. Một điều nữa có thể học đó là cách làm có lộ trình, cụ thể là tháo bỏ có lộ trình các biện pháp giãn cách tùy theo tình hình. Độ phủ vaccine của Việt Nam hiện ở mức thấp nên khi muốn làm như những nước có độ phủ vaccine cao thì bạn cẩn thận 1, chúng ta phải cẩn thận 10.

Còn TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ nếu xảy ra F0 thì phải xử lý như thế nào từ người dân đến DN, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy. Sống chung với dịch trong tình hình mới tức là người nhiễm bệnh thì được đi chữa, người khỏe thì phải được đi làm.

Ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Trước mắt, một số đối tượng được phép hoạt động là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và những người từng nhiễm Covid-19 sau đó phục hồi. Và địa phương có hệ thống y tế chống chịu được, có đủ lực lượng và có tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine đủ độ phủ rộng rãi.

Nhấn mạnh vai trò của DN, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất: Để mở cửa và phục hồi kinh tế cần mở có kế hoạch cụ thể và đột phá, trong đó không thể để DN dừng hoạt động vì thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của chính quyền hay sự phối hợp chưa thống nhất của các bộ, ngành. DN nào còn có thể hoạt động, còn có thể sản xuất được, đang có thị trường cần hỗ trợ hết sức.

Mặt khác, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng thiết yếu, ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp cho xuất khẩu. Đồng thời tập trung vào khu vực kinh tế trọng điểm như TP HCM với những chính sách ưu đãi đầu tư như: Miễn thuế thu nhập DN cho các dự án đầu tư mới ở mức cao hơn, dài hơn.

“Những chính sách ưu đãi trên trong Chương trình phục hồi vượt ra ngoài thẩm quyền Chính phủ nên rất cần sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Quốc hội”, ông Cung nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Bất động sản, xuất nhập khẩu sẽ “bung” rất mạnh

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Trước chủ trương mở cửa nền kinh tế của Chính phủ, tôi đặt ra 3 kịch bản: Kịch bản tốt nhất, kịch bản có thể xảy ra và kịch bản xấu nhất. Với kịch bản tốt nhất cho đến cuối năm nay hoặc qua quý I/2022 chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam còn thấp, đạt được mức độ tiêm chủng đầy đủ cho 70-80% dân số vào cuối năm 2021 hoặc qua quý I/2022 tôi nghĩ là khó. Nhưng với kịch bản tốt nếu thực hiện được với chương tình tiêm chủng đại trà như hiện nay thì từ quý II/2022 trở đi DN sẽ bắt đầu phục hồi. Những lĩnh vực bất động sản, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu sẽ “bung” rất mạnh vì nó giống như quả bóng bị đè nén lâu ngày.

Với kịch bản có thể xảy ra, chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh vào quý II/2022, và còn nửa cuối 2022 để có thể phục hồi nền kinh tế. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ rằng sẽ rất nhiều DN từ đây cho đến lúc đó sẽ phải ngưng hoạt động, phá sản. Với kịch bản xấu, có lẽ chúng ta chỉ có thể kiểm soát được dịch bệnh vào cuối năm 2022, nếu trong trường hợp đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị tác động rất nặng nề. Ước tính khoảng 500.000 DN sẽ ngưng hoạt động đi vào phá sản. Số người lao động không có việc làm rất lớn, và tạo nên một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cho an sinh xã hội và cho y tế của Việt Nam. Và chúng ta không mong muốn kịch bản xấu nhất xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa nền kinh tế, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO