Mở cửa với ‘chứng chỉ xanh’

Thế Tuấn 12/09/2021 06:34

“Chuyện thời sự” nhất hiện nay có lẽ là mở cửa nền kinh tế ngay cả khi biến thể Delta vẫn tiếp tục hoành hành. “Người Anh dường như không quan tâm đến tỷ lệ mắc mới gia tăng. Có vẻ như chúng tôi đang chấp nhận điều đó - rằng đây là cái giá của sự tự do” -Tim Spector, Giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King’s College London nói và thêm rằng điều đó không phải chỉ riêng với nước Anh.

Vào một ngày chủ nhật, gần 60.000 người hâm mộ bóng đá đã chật kín sân vận động Emirates của London để xem trận Chelsea gặp Arsenal. Ngày hội bóng đá vẫn diễn ra vào thời điểm nước Anh ghi nhận hơn 30.000 ca mắc mới mỗi ngày, các bệnh viện đang tiến hành những đợt tiêm chủng mới.

“Đây là giai đoạn mới kỳ lạ của đại dịch trong bối cảnh nước Anh tiên phong trong những bước đi chống dịch trước đây, từ ứng phó biến thể đến triển khai vaccine” - Giáo sư Tim Spector nói. Sự “bình thản” này của người Anh được cho là do họ đã “thay đổi nhận thức về Covid-19” từ việc số người dân được tiêm chủng đầy đủ khá lớn và số ca bệnh chuyển biến nghiêm trọng đã giảm.

Giai đoạn chuyển tiếp

Devi Sridhar - người đứng đầu chương trình sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh cho biết, với gần 80% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ và virus vẫn xuất hiện rộng rãi, Anh có thể là hình mẫu cho các quốc gia khác về việc liệu có thể quản lý Covid-19 một cách bền vững hay không. Nhưng cuối cùng thì ngày 1/9 nước Anh vẫn bước vào năm học mới cho dù Chính phủ vẫn chưa quyết định tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo Giáo sư Sridhar, số ca mắc mới sẽ không còn là dữ liệu quan trọng để đánh giá tình hình, do tỷ lệ những người nhiễm bệnh phải nhập viện hiện đã giảm mạnh so với giai đoạn trước của đại dịch. Gần 970 người đã nhập viện vào ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 9/2021 thấp hơn nhiều so với con số 4.583 vào ngày 12/1, cao điểm của đợt bùng phát gần nhất.

Nadhim Zahawi - quan chức Anh chịu trách nhiệm chương trình tiêm chủng quốc gia đã so sánh số ca mắc mới hàng ngày hiện nay vào thời điểm tương tự tháng 12/2020. “Nhưng con số tử vong lúc đó cao gấp 5 lần hiện nay” - ông Zahawi viết trên Twitter và khẳng định vaccine đã có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những ý kiến lo ngại khi “mở cửa hoàn toàn”. Nói như Gabriel Scally - Giáo sư thỉnh giảng về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Bristol - cựu Giám đốc y tế công cộng khu vực cho biết thì “đó là một bình thường mới nghiệt ngã, nhất là khi nhiều người ra đường không đeo khẩu trang và cảnh sát cũng “mất trách nhiệm pháp lý” trong việc thực thi quy định đó”.

Tương tự như nước Anh, Italy từng là quốc gia “vỡ trận” lớn nhất ở châu Âu. Vào đầu năm 2020, khi nhiều khu vực của nước này tràn ngập các ca mắc Covid-19, giới truyền thông đã cáo buộc chính phủ đã mất quá nhiều thời gian để áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Nhưng Italy đã rút ra một số bài học kể từ lần đầu tiên phong tỏa toàn quốc vào tháng 3/2020 và giờ đây, sau 1 năm rưỡi kiểm soát được làn sóng Covid-19 đầu tiên, nước này trong quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn “bình thường mới” thì vẫn đã áp dụng các biện pháp khá nghiêm ngặt. Đặc biệt là việc yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng tiêm chủng đối với một số hoạt động nhất định.

Cụ thể, từ ngày 6/8, Chính phủ Italy yêu cầu người dân phải xuất trình “Chứng chỉ xanh” (hay còn gọi là “Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số” do Liên minh châu Âu triển khai) để tham dự các sự kiện lớn, ăn uống trong không gian trong nhà, đến phòng tập thể thao và nhiều hoạt động khác.

“Chứng chỉ xanh” về cơ bản là loại giấy thông hành vaccine, được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử, xác nhận người sở hữu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ, được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh. Hơn 50% dân số Italy đã ủng hộ việc sử dụng “Chứng chỉ xanh” để điều chỉnh hoạt động đi lại và nhiều hoạt động khác. Các chủ doanh nghiệp cũng hoan nghênh việc sử dụng yêu cầu này nhằm tránh việc phải áp dụng thêm nhiều biện pháp hạn chế hơn nữa.

Ngay sau khi Thủ tướng Mario Draghi công bố yêu cầu về “Chứng chỉ xanh” vào ngày 22/7, một số khu vực đã ghi nhận số người đăng ký tiêm cao kỷ lục, chẳng hạn như Abbruzzo, Lazio, Lombardia, Piemonte và Toscana. Ông Francesco Paolo Figliuolo - quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống Covid-19 của Italy đã đặt mục tiêu tiêm tiêm chủng ít nhất 80% dân số vào cuối tháng 9. “Lúc đó chúng ta sẽ đạt được trạng thái bình thường mới hoàn toàn, thay vì phải đợi đến đầu năm sau”.

Thực tế cho thấy, nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao mà số bệnh nhân Covid-19 tại Italy giảm rất nhiều. Số bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng giường chăm sóc đặc biệt khá thấp, chiếm 3% số bệnh nhân nặng. Đây là con số lạc quan nếu so với 30% số bệnh nhân phải điều trị đặc biệt ở vào thời điểm cách đây 1 năm.

Tuy nhiên, cùng với “Chứng chỉ xanh”, Italy vẫn duy trì một số quy định, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Tuy vậy, quy định này không bắt buộc đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật và những người chăm sóc người khuyết tật vì điều này có thể gây cản trở đối với việc giao tiếp hoặc chăm sóc.

Năm học mới tại Italy chính thức bắt đầu vào ngày 13/9. CNA dẫn một thông báo của Chính phủ Italy cho biết, giáo viên, nhân viên các trường học và sinh viên các trường đại học sẽ phải xuất trình “Chứng chỉ xanh” hoặc phải thường xuyên làm xét nghiệm Covid-19.

Xác định “bệnh đặc hữu” để mở cửa

Trong một diễn biến khác, các quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên như một “tâm dịch” trong cơn lốc của biến thể Delta. Câu hỏi đặt ra là: Không thể xóa sổ Covid-19, các nước Đông Nam Á sẽ sống chung với virus như thế nào?

Tại Malaysia, quốc gia này đã dịch chuyển sang chiến lược chống Covid-19 mới khi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế cho rằng người dân sẽ bước vào giai đoạn “bệnh đặc hữu” của Covid-19. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob nhấn mạnh rằng, các đột biến của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan. Còn tân Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin thì cho rằng “không nên lãng phí thời gian, mà cần bắt tay ngay vào việc vạch ra các kế hoạch dài hạn nhằm đối phó với Covid-19, sau 1 năm các lệnh phong tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế”. Ông Khairy cho rằng tới thời điểm này cần có một kịch bản sống chung với Covid-19 thông qua việc yêu cầu xét nghiệm thường xuyên, đeo khẩu trang bắt buộc và cách ly tại nhà với những người mắc bệnh.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ y tế cộng đồng Malaysia Zainal Ariffin Omar nói với Straits Times rằng, các chuyên gia đã đề xuất nên dịch chuyển sang giai đoạn giảm nhẹ tác động của dịch bệnh, khi mà khoảng 65,1% dân số đã được tiêm vaccine.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Indonesia. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, Chính phủ đang xây dựng các quy tắc để “sống chung với Covid-19” và điều này bao gồm cả việc tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine cũng như cải thiện tỷ lệ xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Tuy nhiên, tới nay Indonesia vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực với hơn 4,1 triệu ca mắc và hơn 134.000 ca tử vong.

Hơn 31% dân số trong số 208 triệu người đủ điều kiện của Indonesia đã nhận được mũi vaccine đầu tiên trong khi gần 18% dân số được tiêm vaccine đầy đủ, tuy rằng như vậy vẫn rất xa mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine mà Chính phủ đặt ra để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chuyên gia Hermawan Saputra, thuộc Hiệp hội Chuyên gia y tế Cộng đồng Indonesia cho biết, nguồn cung vaccine vẫn hạn chế và không thể cung cấp cho các khu vực xa xôi ngoài đảo Java như Kalimantan, Sulawesi và Papua nhưng việc có được các quy tắc phù hợp để “sống chung với Covid-19” vẫn là điều sớm phải làm.

“Để ngăn chặn đại dịch kéo dài ở Indonesia, chúng ta cần thúc đẩy nhiều sáng kiến dựa trên cộng đồng hơn trong việc cung cấp sự hỗ trợ ban đầu. Nếu ai đó mắc bệnh, cộng đồng của họ có thể kết nối với các cơ sở y tế và trong trường hợp tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, những người mắc bệnh có thể được cung cấp sự hỗ trợ, từ hậu cần tới sức khỏe tinh thần” - vị chuyên gia nói.

Tương tự, tại Singapore, Thái Lan, Philippines..., Chính phủ cũng đã lên kế hoạch “bình thường mới” đi cùng với những nỗ lực liên tục hạn chế lây lan của Covid-19, đặc biệt là giảm số người phải nhập viện cũng như số ca tử vong.

“Chúng ta không coi đây là một cuộc đánh đố mà phải xác định là việc phải làm, để thoát ra khỏi ám ảnh của bóng ma dịch bệnh và phát triển cuộc sống của chính mình” - Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ y tế cộng đồng Malaysia Zainal Ariffin Omar nói với Straits Times.

Hiện một số quốc gia châu Âu đã áp dụng hạn sử dụng 270 ngày cho các loại chứng nhận tiêm chủng của du khách nước ngoài, bất kể họ đã tiêm loại vaccine được phép nào. Croatia và Áo là hai quốc gia châu Âu đầu tiên quy định hạn sử dụng 270 ngày với các loại chứng nhận tiêm chủng của du khách nước ngoài. Như vậy, qua 270 ngày kể từ khi tiêm vaccine mũi 2, khách du lịch tới Croatia và Áo có thể sử dụng 1 trong 2 loại giấy tờ để được miễn cách ly, gồm chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính (trong vòng 72 giờ đối với PCR hoặc 48 giờ với xét nghiệm kháng nguyên). Ngoài ra, khách du lịch có thể xuất trình bằng chứng đã khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19.

Về điều này, bà Jenny Southan - Sáng lập và Giám đốc điều hành của Globetrender (công ty dự báo xu hướng du lịch) cho rằng: “Việc chứng nhận tiêm chủng hết tác dụng sẽ khiến du khách mất tinh thần. Trong khi các nền kinh tế đang thiệt hại nghiêm trọng, động thái này dường như không khôn ngoan. Nếu các quốc gia áp đặt thêm hạn chế đi lại và bổ sung yêu cầu xét nghiệm, sẽ khó có sự phục hồi nhanh chóng và ngành du lịch sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2022”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa với ‘chứng chỉ xanh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO