Mở đường cho dòng phim trực tuyến

Minh Quân 27/08/2022 07:07

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, phim trực tuyến đã trở thành một kênh giải trí mới dành cho công chúng. Nhằm mở đường cho dòng phim này, mới đây Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.

Bộ phim Hai Phượng được chiếu trên ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix. (Ảnh chụp màn hình)

Không gian đa chiều

Trong những năm gần đây, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang thay đổi thói quen giải trí của công chúng. Trong đó, dòng phim trực tuyến thông qua các ứng dụng đang trở thành hiện tượng khi đang tạo nhiều hiệu ứng tích cực với khán giả. Thông qua các ứng dụng này không chỉ tiện lợi khi người dùng có thể xem phim mọi lúc mọi, mọi nơi mà đây còn là các kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, cũng như các bộ phim Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, trong thời gian cả nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thông qua các ứng dụng xem phim trực tuyến nhiều bộ phim đứng trước nguy cơ “vỡ trận” vì không thể công chiếu tại các cụm rạp đã có lối thoát.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông đến tháng 3/2022, Việt Nam có 38 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với hàng triệu thuê bao và tổng doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, bên cạnh các ứng dụng xem phim trực tuyến của nước ngoài, thời gian qua cũng ghi nhận sự phát triển của các thương hiệu đến từ Việt Nam. Có thể kể đến như VTV go, FPT play, Galaxy play… cùng nhiều trang phim thu hút lượng lớn người truy cập. Việt Nam dù đi sau nhưng cũng đang bắt kịp xu hướng này. Đã có một số phim Việt của các đơn vị sản xuất phim tư nhân được phát hành trên nền tảng Netflix như “Em chưa 18”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hậu duệ mặt trời”, “Lửa Phật”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Siêu sao siêu ngố”, “Trời sáng rồi ta ngủ thôi”, “Hương ga”, “Mẹ chồng”, “Về quê ăn tết”…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại thì với nhưng “không gian” mở việc phát hành dòng phim này cũng đang phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt là trong vấn đề kiểm duyệt. Thời gian qua Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã “tuýt còi” nhiều đơn vị khi công chiếu nhiều bộ phim có nội dung vi phạm về chủ quyền, biển đảo của Việt Nam. Ngoài ra, việc việc xuất hiện của những phim chứa nội dung phản cảm, kích động bạo lực chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Không những vậy vấn đề vi phạm bản quyền vẫn luôn là điều nhức nhối vẫn chưa được tháo gỡ. Nhiều bộ phim thu phí những dễ dàng bị “đánh cắp” để chiếu miễn phí, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà phát hành.

Phim trực tuyến tạo tăng tính liên kết với khán giả. Nguồn: SGGP

Tìm bệ phóng vững chắc

Trước thực trạng này, mới đây Bộ VHTTDL đã tiến hành xây dựng đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến”. Theo đề án, Trung tâm sẽ là nền tảng trực tuyến chính thức phát hành và phổ biến phim Việt Nam, bao gồm nhiều thể loại như: Phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình... Trong số này, có cả những phim Việt Nam kinh điển, phim được sản xuất từ nhiều thời kỳ, những phim từng đạt giải cao tại các kỳ liên hoan phim quốc gia, quốc tế và cả những phim thương mại có doanh thu cao khi ra rạp.

Theo kế hoạch, kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó Nhà nước cấp 100% kinh phí cho việc đầu tư hệ thống thiết bị và kinh phí vận hành hoạt động trong 5 năm đầu tiên. Về tiến độ hoạt động của trung tâm, theo như đề án thì giai đoạn 1 sẽ diễn ra từ năm 2022-2027 với một phần kinh phí xây dựng đề án ban đầu do Nhà nước cấp; giai đoạn 2 diễn ra từ năm 2028-2030 với một phần kinh phí do Nhà nước cấp, phấn đấu đạt từ 1 triệu lượt truy cập kênh, từ 500.000 thuê bao có trả tiền/năm, cung cấp tối đa 5.000 giờ phim/năm, trong đó phim Việt 2.500 giờ/năm và phim nước ngoài 2.500 giờ/năm; giai đoạn 3 diễn ra từ 2031 với mục tiêu tự đảm bảo chi phí vận hành, phấn đấu đạt từ 3 triệu lượt truy cập kênh, từ 1,5 triệu thuê bao có trả tiền/năm, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim/năm, trong đó phim Việt 3.500 giờ/năm và phim nước ngoài là 6.500 giờ/năm.

Đánh giá về đề án, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng Việt Nam có nhiều thuận lợi từ nền tảng công nghệ internet, độ phủ rộng so với các quốc gia khác trong khu vực, đội ngũ sáng tạo trẻ, số lượng phim nội địa được sản xuất có xu hướng gia tăng qua các năm. Hy vọng khi kinh tế thế giới hồi phục sau năm 2022, ngành điện ảnh nội địa khỏe trở lại, thì tất cả nhân tố này sẽ làm nên nguồn lực cho Việt Nam tiếp tục đà phát triển. Cần nắm bắt nguồn lực này và không để mình nằm ngoài xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới trong lĩnh vực phát hành và phân phối phim trực tuyến, muốn vậy hành lang pháp lý và khả năng thực thi hiệu quả là tối quan trọng.

Tuy nhiên, để đề án thực chất đạt được hiệu quả, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch. Trong đó, cần quy định cụ thể về hành vi vi phạm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, cơ quan quản lý ở từng cấp, trong đó quy định trách nhiệm của đơn vị phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại phim trước khi phổ biến. Xây dựng tổ chức bộ máy, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ. Ông Tú cũng cho rằng, cần tính đến trường hợp nhà sản xuất và phát hành có yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phân loại phim của mình và coi đây là dịch vụ công có thu phí để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát và tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe, đáp ứng công tác “hậu kiểm”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến là nền tảng trực tuyến chính thức để phát hành và phổ biến phim Việt Nam. Đây sẽ là nguồn cung cấp phim cho các đơn vị điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ rộng rãi và đa dạng việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập hoặc các nhu cầu người xem, góp phần khẳng định vai trò của điện ảnh, vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế, trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường cho dòng phim trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO