Mở đường cho rau quả vào EU

Thanh Giang 10/10/2017 09:10

Ngoài thị trường xuất khẩu khó tính như Hoa Kỳ, Chi Lê, Úc, NewZealand… rau quả của chúng ta đang từng bước hội nhập để lấy lòng người tiêu dùng ở thị trường EU. Song để mở rộng, phát triển được thì rau quả Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và các vấn đề khác liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.


Rau quả xuất khẩu tiếp tục tìm hướng để bứt phá.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, vài năm trở lại đây rau quả liên tục thâm nhập sang thị trường các nước, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên.

Cụ thể năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015; 9 tháng năm 2017 kim ngạch này đang ở mức 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ. Hiện nay rau quả Việt Nam có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian tới tỷ trọng xuất khẩu rau quả còn tăng cao. Ngoài những thị trường xuất khẩu lớn Hoa Kỳ, Úc, Chi Lê, Nhật Bản, Hàn Quốc… rau quả Việt đang tìm cách phát triển mạnh ở thị trường EU.

Mặc dù được đánh giá là thị trường rộng lớn hứa hẹn nhiều tiềm năng cho rau quả Việt, song vấn đề an toàn thực phẩm của thị trường này đòi hỏi khá khắt khe. Ông Rugguero Malosssi – chuyên gia quốc tế, Dự án EU - Mutrap khẳng định: Nói thị trường nhập khẩu EU dễ hơn thị trường khác theo tôi là không đúng. Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng luôn được chú trọng. Không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra hàng hóa khó có cửa vào thị trường EU.

Ông Rugguero Malosssi lý giải thêm về những quy định khắt khe mà EU đặt ra cho rau quả nhập khẩu, một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào có dư lượng thuốc đó. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và tránh thiệt hại về môi trường, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất do đó sản phẩm nhập khẩu phải chịu một sự kiểm soát chính thức. Hiện nay rau quả đang được EU kiểm tra: tra giấy tờ, danh tính hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa. “Trong trường hợp tái phạm, các sản phẩm cụ thể có nguồn gốc từ các quốc gia cụ thể EU quyết định tiến hành kiểm soát ở mức độ cao hơn hoặc đưa ra các biện pháp khẩn cấp. Kiểm soát có thể thực hiện ở tất cả các giai đoạn nhập khẩu và tiếp thị tại EU”, ông Rugguero Malosssi nhấn mạnh.

Chuyên gia của dự án EU – Mutrap cho biết thêm, các chất lây nhiễm là những chất không được cố ý thêm vào thức ăn nhưng có thể có mặt do các giai đoạn khác nhau trong sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc lưu giữ. Để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm và rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, EU thiết lập giới hạn đối với một số chất lây nhiễm. Đặc biệt, giới hạn nitrat trong rau dền, rau diếp và các kim loại liên quan đến rau quả tươi.

Liên quan đến xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, rau tươi Việt có nguy cơ cao vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch tại EU. Đơn cử, năm 2013, EU phát hiện rau tươi Việt Nam không an toàn nên dừng nhập khẩu. Sau đó phía Việt Nam liên tục làm việc với EU để tìm hướng lưu thông cho rau Việt Nam. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cảnh báo, EU thường kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, nếu phát hiện rau quả bị nhiễm dịch hại thì quyết định của EU không quá 5 lô hàng/năm sẽ bị cấm nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường cho rau quả vào EU

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO