'Mở đường' cho Xẩm

Thanh Xuân 10/01/2021 16:00

Bên cạnh liveshow của các nghệ sĩ hay những sản phầm âm nhạc truyền thống, thị trường âm nhạc thời gian gần đây còn có sự góp mặt của các music video (MV), những album được làm mới trên các chất liệu truyền thống của âm nhạc dân tộc. Đáng chú ý là các nghệ sĩ trẻ đã nỗ lực làm mới xẩm.

Ca sĩ Hà Myo tạo bất ngờ khi trình diễn bài xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử.

1. Mới đây, ca sĩ Hà Myo và nhà sản xuất Producer VBK (Thế Phương) tung ra MV “Xẩm Hà Nội”. Sự độc đáo của MV này được tạo nên từ nhiều yếu tố ca sĩ, nghệ sĩ tham gia, âm nhạc, hình ảnh... Có lẽ lần đầu tiên có một tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa xẩm của dân tộc truyền thống Việt Nam với rap và nhạc điện tử (EDM) vốn dần trở nên quen thuộc với giới trẻ. Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc độc đáo, vừa dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất xẩm dân gian của đường phố Việt Nam truyền thống với những rộn ràng của Rap đường phố vốn gắn liền với giới trẻ trong những năm qua và nền nhạc EDM đầy chất lửa cuồng nhiệt.

MV được ghi hình ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, như đền Ngọc Sơn, hồ Gươm… Với tạo hình ấn tượng và gam màu ấn tượng vừa rực rỡ vừa huyền bí và sự chuyển động liên tục của phần hình ảnh theo từng câu nhạc, tiết nhạc đã tạo nên sự đan quyện giữa âm nhạc và hình ảnh cho MV "Xẩm Hà Nội". Ngay sau khi ra mắt, MV “Xẩm Hà Nội” đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, nghe trên mạng You Tube.

Hà Myo tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, cô từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc như Huy chương vàng Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc (2016), giải Nhất Tiếng hát Thanh niên Thủ đô (2016), giải Nhì Tiếng hát Việt - Trung (2019)... Hiện Hà Myo là ca sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Chính từ nơi đây, cô được biết đến xẩm qua một lần nhà hát mời NSƯT Văn Ty về dạy. Vốn sở trường với nhạc nhẹ nhưng Hà Myo đã bị chinh phục bởi xẩm ngay từ những giây phút tiếp xúc đầu tiên. Thêm một lần nữa cô quyết định đến với xẩm khi chuẩn bị cho chung kết cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020. Lúc này NSƯT Trường Bắc đã giới thiệu Hà Myo tới nhà nghiên cứu âm nhạc - soạn giả Quang Long. Từ mong muốn của ca sĩ, soạn giả Quang Long đã hoàn thành tác phẩm “Xẩm Hà Nội” dựa trên lời dân gian. Sau đó, phần phối khí tác phẩm được nhà sản xuất âm nhạc - Producer VBK (Thế Phương) - một tên tuổi gắn với EDM khá quen thuộc với giới trẻ - thực hiện.

“Khi Hà Myo gửi bài xẩm tôi nghe, ngay lập tức tôi đã bị cuốn hút bởi sự kết hợp độc đáo và đương nhiên tôi đã nhận lời mời làm đạo diễn MV này”, đạo diễn MV “Xẩm Hà Nội” Nguyễn Nhật Giang chia sẻ. Với mong muốn tạo những xu hướng mới phù hợp với hơi thở đương đại mà nó đã toát ra được từ phần âm nhạc, đạo diễn Nhật Giang đã mời những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm tham gia cùng như D.O.P Hoàng Tấn Phát, ở vị trí giám đốc sản xuất là đạo diễn Hoàng Hà Xa...

2. Hà Myo không phải là nghệ sĩ đầu tiên dấn thân làm mới xẩm. Trước đó, nhóm Xẩm Hà thành với nòng cốt là các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường… đã có nhiều sáng tạo mới nhằm thu hút công chúng đến với nghệ thuật truyền thống này. Nhiều bài của nhóm ra đời phản ánh những vấn đề “hot” của xã hội như: “Xẩm trà đá”, “Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm giao thông”, “Xẩm cá chết”, “Tứ vị Hà thành”… Đặc biệt đầu năm nay nhóm ra MV “Tiễu trừ Corona” gây sự chú ý của dư luận. Nội dung bài xẩm được viết dựa trên những khuyến cáo của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch Covid-19 và cảm xúc trước sự đồng sức, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 của toàn hệ thống từ các cấp chính quyền, lực lượng y tế, quân đội, công an đến nhân dân.

Không chỉ tạo dấu ấn cho cả nhóm, các thành viên Xẩm Hà thành cũng ra mắt những sản phẩm âm nhạc riêng, đánh dấu thương hiệu cá nhân. Đơn cử như hồi tháng 7/2019, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã ra mắt album với 8 bài xẩm trong album gồm “Chồng say” - Xẩm Chênh bong (lời Nguyễn Quang Hưng); “Anh đừng yêu em”, “Tương tư” - Xẩm Tàu điện (trích thơ Nguyễn Bính); “Ngãi mẹ sinh thành” - Xẩm Thập ân; “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Xẩm Chênh bong (lời thơ Nguyễn Duy); “Đón dâu về làng” - Xẩm Thập ân (lời thơ Phạm Ngọc Cảnh); Bốn mùa hoa Hà Nội - Xẩm Chênh bong (lời: Nguyễn Quang Long - Lương Ái Vân)… Bằng việc kết hợp với các nhà thơ đương đại đặt lời mới, gắn liền với hơi thở đương đại, Mai Tuyết Hoa cùng nhóm Xẩm Hà thành đã ít nhiều đóng góp, lan tỏa nghệ thuật hát xẩm đến với công chúng đương đại.

Cuối năm 2019, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng ra album xẩm “Trách ông Nguyệt Lão” với 9 bài xẩm, đều là những sáng tác của Quang Long trong giai đoạn từ năm 2016 cho tới năm 2019: “Bốn mùa hoa Hà Nội” (sáng tác cùng Hồ Điệp), “Phố thu”, “Duyên phận tơ vòng”, “Ơ kìa, em gì đấy ơi!”…

3. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, dù là nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại. Chính vì vậy, nhiều MV của nhóm Xẩm Hà thành thực hiện có hình ảnh vừa đậm tính truyền thống lại vừa được sử dụng kỹ thuật làm MV phổ biến của âm nhạc đại chúng hiện nay nên đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. “Trong giai đoạn hiện nay, xẩm cũng phải thay đổi để thu hút người nghe. Văn hóa phải có tiếp nối, chứ nếu chỉ bảo tồn là tự ngắt mạch sống của nó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đảm bảo gieo cây gì phải mọc lên cây đó chứ không thể là cây khác”, nhà nghiên cứu Quang Long nói.

Trong khi đó, nói về sự táo bạo trong việc làm mới để đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ, ca sĩ Hà Myo cho biết, đó là một thách thức và cần phải có một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp. “Hà tự cảm thấy rất may mắn vì là một ca sĩ trẻ, mới, tên tuổi chưa có nhiều, cũng ko khá giả về kinh tế, nhưng Hà gặp được ê-kíp là những người trẻ có kinh nghiệm, nhiệt huyết và họ yêu âm nhạc. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện MV còn có sự tham gia của vũ đoàn The Homiez, stylist Linh Tố, nhà thiết kế An ST... Tất nhiên cũng cần nhắc tới sự đóng góp rất lớn từ Rapper Tobby Quốc Trung và nghệ sĩ đàn nhị Trần Dũng (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) đã mang một màu sắc rất mới đến với tác phẩm”, ca sĩ Hà Myo chia sẻ.

Hà Myo cũng phải đối diện sự khó khăn khi là một ca sĩ trẻ hát nhạc nhẹ, sôi động, bốc lửa chuyển qua hát xẩm. Trong khi từ trước đến nay cô đều hát nhạc nhẹ, chỉ mới năm ngoái khi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mở lớp tập huấn hát nhạc dân gian thì Hà Myo mới được thầy - NSƯT Văn Ty dạy cho học ca trù, xẩm.

Theo NSƯT Hoàng Xuân Bình- Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nghệ thuật có sự đan xen giữa xưa mà nay. “Tôi rất bất ngờ vì Hà Myo và ê-kíp có thể làm nên một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Trong khi, những thế hệ đi trước như chúng tôi lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn. Nên có một cái nhìn và hướng đi cởi mở như vậy nhưng vẫn phải truyền tải được giá trị nghệ thuật hồn cốt của dân tộc. Rất nên làm và các bạn đã làm rất tốt”, ông Bình nhận xét.

Nhóm Xẩm Hà thành trong MV “Tiễu trừ Corona”.

Tôi cho rằng, bên cạnh yếu tố cổ truyền phải duy trì sự sáng tạo để định hình được trong giai đoạn này loại hình âm nhạc ấy có gì. Chẳng hạn, nếu hát “Đào hồng đào tuyết”, thì đấy là ca trù của cuối thời nhà Nguyễn, còn ca trù của những năm đầu thế kỷ 21 này có gì? Chính những sáng tạo mới sẽ trả lời cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, phải hiểu đúng sáng tạo chứ không phải “phá” hoặc chỉ là tạo nên ca khúc mang chất liệu âm nhạc dân gian…- Nhà nghiên cứu âm nhạc - soạn giả Nguyễn Quang Long

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Mở đường' cho Xẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO