Mô hình Hải quan thông minh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

PV 14/09/2021 11:15

Đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0… là một trong những mô hình thông minh được Tổng cục Hải quan xây dựng và đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐU xây dựng chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; tổ chức thực hiện thành công Hải quan số, Hải quan thông minh và kiểm tra chuyên ngành.

Trong Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành, việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số (nền móng của mô hình Hải quan thông minh) trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan.

Theo Tổng cục Hải quan, với số lượng 92.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm, dự kiến trong thời gian 5 năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ tiết kiệm được khoảng 920 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng được cung cấp nhiều tiện ích với Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh như thực hiện thủ tục hành chính (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành,...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí; quản lý các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan.

Tổng cục Hải quan đề ra các nhóm giải pháp để xây dựng mô hình Hải quan thông minh như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan; Đơn giản hóa thủ tục hải quan trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực quản lý hải quan hiện đại. Tinh giản bộ máy tổ chức hải quan tại các cấp cơ sở hướng tới xây dựng mô hình hải quan tập trung, phù hợp với địa bàn quản lý và yêu cầu công việc, giảm bớt các khâu trung gian, hạn chế sự chồng chéo.

Đồng thời, ngành Hải quan cần tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp trao đổi thông tin để tiếp cận với mô hình quản lý của một số nước tiên tiến và mô hình hải quan hiện đại do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khuyến nghị và đề xuất, mô hình quản lý rủi ro, mô hình quản lý tuân thủ.

Đặc biệt, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 như kết nối Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility),... Tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các công cụ về các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

Ngành cũng hoàn thiện công tác thu thập và xử lý thông tin, đẩy mạnh trao đổi thông tin thông qua cơ chế một cửa ASEAN, trao đổi C/O điện tử...; tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các bộ, ngành; Nghiên cứu đề xuất các mô hình hải quan dịch vụ theo hướng xã hội hóa, tăng cường kết nối hải quan - doanh nghiệp; đề xuất các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hải quan.

Thời gian phấn đấu triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới từ ngày 1/1/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình Hải quan thông minh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO