Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

Trần Duy Hưng 28/01/2017 08:15

Những ngày chuẩn bị bước vào năm 2017, có một sự kiện không quá lớn, diễn ra ở một huyện vùng cao nhưng lại truyền đi một tín hiệu, một thông điệp rất vui. Đó là “Lễ hội cam” lần đầu được tổ chức ở huyện Văn Chấn (Yên Bái). Nhưng, câu chuyện vui về quả cam ở Văn Chấn hay câu chuyện quả vải, quả thanh long được xuất khẩu, tiếc thay chưa phải là câu chuyện chung của nông nghiệp nước nhà.

Được mùa.

Đến với lễ hội cam Văn Chấn, mới hay chỉ mươi năm trước, hơn 1.300 ha đất trồng cam, quýt của huyện vùng cao này (tập trung ở các xã Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú) còn là một vùng đất hoang sơ, nếu không cũng là vườn tạp.

Vậy mà nỗ lực xóa cái đói, cái nghèo, mày mò tìm tòi, thử nghiệm, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở đây đã biến những mảnh đất hoang sơ, khô cằn, biến những mảnh vườn tạp thành những vườn cam chĩu quả. Nỗ lực của họ được đền đáp. Những trái cam thơm ngon, “hái đến đâu bán hết đến đó” giúp nhiều hộ nông dân ở đây đổi đời, từ nghèo đói trở thành những “tỷ phú cam”.

Vui hơn, người dân Văn Chấn được đón nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Con đường tiến sâu, tiến xa hơn ra ngoài thị trường của quả cam Văn Chấn nhờ vậy thêm rộng mở. Nói như nông dân Nguyễn Văn Chiến (thị trấn Nông trường Trần Phú), người hiện có gần 1,7 ha trồng cam, với sản lượng bình quân mỗi năm đạt từ 30 đến 40 tấn, thu nhập từ 600 -700 triệu đồng, thì với nhãn hiệu này, cam Văn Chấn sẽ đến được với người tiêu dùng cả nước, thậm chí còn xuất khẩu”.

Qua trái cam, ông nông dân Chiến và những người nông dân trồng cam ở Văn Chấn đã gửi đi một thông điệp, đó là nếu quyết tâm, có hướng đi phù hợp thì “đất dẫu cằn vẫn nở hoa”, nếu có những nông sản chất lượng sẽ được thị trường trong và ngoài nước đón nhận và rằng làm giàu từ nông nghiệp là điều hoàn toàn có thể...

Nhưng câu chuyện vui về quả cam ở Văn Chấn hay câu chuyện quả vải, quả thanh long được xuất khẩu, tiếc thay chưa phải là câu chuyện chung của nông nghiệp nước nhà.

Nhìn một cách tổng thể, nền nông nghiệp nước ta vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cả những yếu kém, là rào cản trên bước đường cạnh tranh, hội nhập.

Để có chỗ đứng ở thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nông sản của Việt Nam không chỉ phải đáp ứng được các yêu cầu về số lượng mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao về chất lượng, về độ an toàn của sản phẩm và hàng loạt các yêu cầu kỹ thuật khác.

Vậy nhưng, thực tế cho thấy đến nay nền nông nghiệp nước nhà vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu, với đại diện là 11 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thiếu sự liên kết.

Với ”lưng vốn” này, dẫu có lạc quan cũng khó tin nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh. Vòng luẩn quẩn ”được mùa mất giá”; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu kém sức cạnh tranh cả về chất lượng, giá thành so với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia đã cho thấy rõ hơn thực tế này. Đổ quá nhiều mồ hôi xuống đồng ruộng nhưng chưa có được cuộc sống đủ đầy, vẫn đầy rẫy những lo toan vẫn là tình trạng chung của nhiều triệu hộ nông dân trên cả nước hiện nay...

Để không bị lép vế, thua thiệt trên đường hội nhập, cạnh tranh, trên hết khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia được cho là có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, trên hết là thay đổi được, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn (chiếm tới 70% dân số cả nước) có rất nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài.

Nhưng, làm gì cũng cần phải có lực lượng, tái cấu trúc ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài yêu cầu này. Ai sẽ tham gia tái cấu trúc, nói đúng hơn là ai sẽ làm thay đổi thực trạng của nền sản xuất nông nghiệp nước nhà hiện nay? Câu trả lời đầu tiên, đương nhiên phải là các hộ nông dân.

Nhưng cũng rất dễ nhận ra, nếu chỉ một mình các hộ nông dân thì họ chẳng thể kham nổi việc lớn ấy. Vậy lực lượng nào cần và có thể đồng hành hiệu quả cùng họ?

Câu trả lời đã được thực tế chứng minh, đó chính là các doanh nghiệp và các HTX. Tại đại hội Liên minh HTX tỉnh Nam Định mới đây, nhiều đại biểu là các nhà quản lý, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp cùng khẳng định, không có doanh nghiệp và các HTX cùng tham gia không thể tái cấu trúc, không thể thay đổi thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tất cả cùng chung kỳ vọng, quá trình đồng hành, mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các hợp tác, các doanh nghiệp sẽ được hình thành. Ở đó, nông dân và các HTX lo tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ vốn, công nghệ và bao tiêu sản phẩm...

Thống kê của cơ quan chức năng, hiện mới chỉ có 1% trong tổng số các doanh nghiệp của cả nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Việc có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều lí do, trong đó có việc trên đường về nông thôn, bắt tay làm ăn cùng nông dân, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều “rào cản”.

Đơn cử, làm nông nghiệp thì đầu tiên phải có đất nhưng ruộng đất hiện đã được chia nhỏ, giao lâu dài cho các hộ nông dân. Muốn thuê gom, tích tụ được đất, dẫu chỉ vài chục ha để đầu tư làm các dự án nông nghiệp tập trung, công nghệ cao do vậy với các doanh nghiệp khó chẳng khác gì “đơm đó ngọn tre”.

Xin kể một câu chuyện cụ thể để thấy rõ hơn thực tế này. Mê làm nông nghiệp sạch bằng công nghệ cao, sau khi tốt nghiệp đại học và sau một thời gian đi “tầm sư học đạo”, chàng thanh niên Trần Trọng Việt đã hăm hở về quê, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) thực hiện ý tưởng.

Tuy nhiên, bắt tay vào làm, khó khăn anh Việt gặp phải không phải là vốn, kỹ thuật, nhân công hay việc tìm đầu ra cho sản phẩm mà là việc việc thuê gom đất.

Theo đó, trong số 1,2 ha ven sông thuê được (hiện đang được anh đầu tư khu sản xuất rau quả công nghệ cao trong nhà lưới) có 4000m2 là đất công của xã.

Số diện tích còn lại anh Việt phải mất nhiều công vận động, đàm phán với hàng chục hộ dân địa phương mới thuê được. Đáng nói là thuyết phục thế nào bà con cũng chỉ cho thuê trong thời hạn 1 năm, sau đó mới tính tiếp có cho thuê tiếp hay không?

Theo anh Việt, làm nông nghiệp cần nhiều thời gian mới hết một chu trình, mới cho kết quả. Việc anh và gia đình chấp nhận bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư sản xuất (cải tạo đất, làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống xử lý nước, tưới nhỏ giọt) trên diện tích đất thuê ngắn hạn là một rủi ro. Nhưng, như lời Việt, vì quá mê làm nông nghiệp sạch nên anh vẫn ”liều”...

Từ câu chuyện trên đặt ra vấn đề, để tái cấu trúc, thay đổi được thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, chuyển đổi từ nền nông nghiệp phát triển theo chiều rộng như hiện nay sang phát triển theo chiều sâu, thay bằng những chính sách có tính ban phát, xin-cho, đã đến lúc Nhà nước phải có hệ thống các chính sách đủ mạnh, có tính động lực, mang tính kiến tạo, giúp nông dân và các doanh nghiệp, các HTX thuận tiện, dễ dàng liên kết làm ăn hiệu quả, kết nối được với thị trường, qua đó cũng là giúp nông thôn kết nối với thành thị, giúp nông nghiệp kết nối với công nghiệp để cùng phát triển, chia sẻ lợi ích...

Để làm sao khi ”mồ hôi mà đổ xuống đồng” thì người nông dân sẽ gặt hái được những vụ mùa nhiều hoa thơm trái ngọt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO