Mở lại đường bay quốc tế: Không kỳ vọng đột phá

Kim Khanh 24/10/2021 08:14

Hàng không nội địa đang dần “hồi sinh” tạo đà cho các chuyên bay quốc tế. Mới đây Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải kế hoạch chuẩn bị mở lại hoạt động bay quốc tế có chở khách vào Việt Nam theo 4 giai đoạn.

Đề xuất theo 4 giai đoạn

Giai đoạn 1, thực hiện ngay quý IV năm 2021: khôi phục các chuyến bay trọn gói với công dân Việt Nam và các chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế: Các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí.

Khách đi máy bay với chi phí trọn gói gồm: vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly, ăn trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ khách đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có chứng nhận khỏi bệnh Covid-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác).

Thị trường triển khai các chuyến bay trên gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động. Các sân bay tiếp nhận chuyến bay gồm: Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các sân bay khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh, thành phố có sân bay).

Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, hành khách là người nước ngoài có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và phải đăng ký chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Thị trường triển khai các chuyến bay này không hạn chế. Tần suất khai thác tới địa phương thí điểm đón du khách quốc tế: từ tháng thứ nhất trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến); tháng thứ hai trở đi trung bình 2 chuyến bay/ngày trở lên.

Toàn bộ nhân viên tham gia dây chuyền phục vụ khách du lịch tại địa phương phải tiêm đủ liều vaccine Covid-19; tối thiểu 80% người dân trưởng thành tại địa phương đón khách đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19.

Giai đoạn 2, thực hiện từ tháng 1/2022: thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam. Thị trường ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Các sân bay tiếp nhận chuyến bay gồm: Nội Bài, Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh, thành phố có sân bay); tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại Việt Nam; có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

Giai đoạn 3, từ tháng 4/2022: tùy theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng: triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly khi áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Hành khách là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo điện tử theo ứng dụng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tự cách ly tại nơi cư trú từ 3-7 ngày.

Giai đoạn 4, từ tháng 7/2022: tùy theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng. Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu với công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm đó.

Mở cửa, nhưng phải cẩn trọng

Liên quan tới việc nối lại đường bay quốc tế, theo đại diện VNA, việc chuẩn bị cho khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn, do hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách 1 chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.

Từ tháng 6, VNA cũng đã khai thác trở lại các đường bay 1 chiều từ Hà Nội, TP HCM đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 2 - 4 chuyến/tuần; và đến Franfurt (Đức) với tần suất 1 chuyến/tuần.

Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways đều bày tỏ đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế khi được Chính phủ cho phép.

Dù các hãng bay đều sẵn sàng nhân lực và phương án khai thác trở lại các đường bay quốc tế, song không quá kỳ vọng vào sự đột phá. Đại diện các bay trong nước cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế là một liệu pháp “test” (kiểm tra) phản ứng thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, nhiều khó khăn khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế khi đưa khách vào Việt Nam.

Cụ thể, việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam.

Ở góc độ kinh tế, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, thế giới vẫn còn nhiều điểm bùng nổ dịch chưa kiểm soát được, chưa kể những khu vực có nguy cơ tái bùng phát dịch. Kể cả khi dịch có lắng xuống mà chưa có vaccine thì khó có thể yên lòng.

Dù vậy, theo TS Trần Đình Thiên, với kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, chúng ta cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế, tạo đà cho phát triển kinh tế song vẫn đảm bảo an toàn.

Còn ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lại thừa nhận ngành du lịch hiện chỉ có thể tập trung vực dậy thị trường nội địa, chưa thể trông chờ vào khách quốc tế. Những diễn tiến dịch bệnh trong thời gian qua khiến mọi động thái mở cửa thị trường buộc phải thực hiện rất thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống dịch, với mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Ông Thọ cho rằng, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ việc mở cửa nhanh chóng, vội vàng tăng doanh thu để vực dậy kinh tế. Trước mắt, du lịch và hàng không vẫn cần tập trung kích cầu, phục hồi hoàn toàn du lịch nội địa.

“Mở cửa bầu trời từ từ, thận trọng sẽ là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế”, ông Thọ phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở lại đường bay quốc tế: Không kỳ vọng đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO