Mở rộng đối tượng được trợ giúp xã hội

Lan Hương 24/10/2020 10:50

Theo Bộ LĐTBXH, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu thì nhu cầu trợ giúp xã hội ngày càng gia tăng. Chính vì vậy chính sách trợ giúp xã hội cần phải được đổi mới theo hướng xây dựng thể chế chính sách, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực hiện chính sách và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách.

Thực hiện trợ giúp xã hội đúng đối tượng.

Độ vênh lớn

Thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 3 triệu người, hàng triệu người được hỗ trợ lương thực hàng năm, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng trăm nghìn nhân viên làm công tác xã hội, xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội cả ở cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Các chương trình chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nạn nhân bom mìn, trẻ em đặc biệt khó khăn... đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn người khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư được nâng lên. Mặc dù vậy hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chưa toàn diện, tính linh hoạt thấp, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới.

Cùng với đó, mức chính sách còn thấp, chưa phù hợp, một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách, đề án; một số chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, hiện nay chưa ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp thanh toán trong thực hiện chính sách.

Đánh giá về những hạn chế trong công tác trợ giúp xã hội hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng thẳng thắn cho rằng, tư duy và nhận thức về trợ giúp xã hội chưa đồng nhất còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, từ thiện. Trong khi đó hệ thống chính sách, giải pháp chưa thật sự đáp ứng được đòi hỏi trong thực tiễn do đó vẫn còn một bộ phận dân cư chưa tiếp cận chính sách.

“Theo Quyết định số 488, giai đoạn 2021-2025: 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; Bảo đảm 90% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; Bảo đảm 90% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 100% đối tượng trợ giúp xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…

Để đạt mục tiêu này không đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tác động lớn đến cuộc sống người dân làm gia tăng số người cần được trợ giúp xã hội. Do vậy việc đổi mới chính sách trợ giúp xã hội vô cùng cần thiết” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ.

Mở rộng đối tượng thụ hưởng

Xuất phát từ thực tế trên, theo Bộ LĐTBXH chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội, chính sách về cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội…

Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ nâng mức chuẩn, mở rộng đối tượng hưởng theo hướng ưu tiên khó khăn, hướng đến phổ cập đối tượng, tích hợp chính sách, hệ thống tổ chức thực hiện.Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống đăng ký hưởng chính sách và chi trả điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội nhằm tiết kiệm chi phí hành chính, hạn chế sai sót, tăng cường minh bạch…

Được biết hiện nay Bộ LĐTBXH đang phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam xây dựng chương trình chung về phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống an sinh xã hội bao trùm và tích hợp nhằm thúc đẩy giải quyết các rủi ro theo vòng đời và tăng cường phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, chương trình áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, nhạy cảm giới và tập trung vào con người, tránh áp dụng cách tiếp cận theo đối tượng mục tiêu hoặc phân loại, hạn chế đối tượng áp dụng. Đặc biệt chương trình sẽ tăng cường kết hợp giữa sàn an sinh xã hội phổ cập do ngân sách nhà nước tài trợ và bảo hiểm xã hội có đóng góp nhằm khắc phục các rủi ro theo vòng đời.

Cùng với đó, chương trình sẽ tiếp cận theo hướng giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu chính sách như mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội; đảm bảo quyền được hưởng trợ giúp xã hội cho trẻ em, người khuyết tật, người lớn tuổi, cải cách hệ thống quản lý và giải quyết chế độ, chính sách.

Thời gian qua, chính sách trợ giúp xã hội đã giúp xã hội đổi mới nhận thức về trợ giúp xã hội, nhìn nhận trợ giúp xã hội không chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện quyền của người dân, mà là đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội đã từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đến năm 2020 hỗ trợ 3,2 triệu đối tượng. Trong đó, đã tính đến ưu tiên các nhóm khó khăn như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng đối tượng được trợ giúp xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO