Mở rộng sản xuất, người lao động sẽ ít về quê

H.Dung - M.Thủy 07/10/2021 05:00

"Phải tính toán giữ chân người lao động để phát triển sản xuất kinh doanh sau khi “mở cửa” trở lại” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, trong ngày 5/10, toàn tỉnh ghi nhận thêm 528 ca bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên hơn 52,2 ngàn ca. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, Đồng Nai là tỉnh có ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này.

Đẩy mạnh tiêm vaccine để khôi phục sản xuất

Sáng 6/10, ông Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, số ca mắc mới (trong ngày 5/10) tập trung tại TP Biên Hòa. Qua nghiên cứu cho thấy, có 30 khu phố trên địa bàn một số phường của TP Biên Hòa trong vòng 7-14 ngày có số ca bệnh tăng mặc dù đã được phong tỏa. Như vậy, có hiện tượng lây nhiễm trong các khu phong tỏa này.

“Nếu TP Biên Hòa không có giải pháp quyết liệt hơn thì tình trạng lây âm ỉ còn kéo dài” - ông Vũ nói và cho biết, Bộ Y tế vừa tiếp tục phân bổ cho tỉnh thêm 800 ngàn liều vaccine Sinopharm. Ở đợt tiêm vaccine thứ 13 sắp tới, tỉnh dùng 100 ngàn liều Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Pfizer và Moderna, còn 200 ngàn liều Pfizer trong kế hoạch, Sở Y tế đang chờ các huyện báo cáo số lượng người từ 65 tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 1 để phân bổ cho các địa phương tiêm.

Hiện Đồng Nai còn thiếu 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca và 250 ngàn liều vaccine Pfizer để tiêm phủ mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng 2 loại vaccine này. Nếu được cấp đủ số vaccine trên, dự kiến đến tháng 12/2021, tỉnh Đồng Nai sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh.

Chú trọng an sinh xã hội

Về công tác an sinh xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ số tiền 677,13 tỷ đồng cho hơn 8,8 ngàn đơn vị sử dụng lao động, hơn 323,7 ngàn người lao động và hơn 5,9 ngàn hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

“Tổng đài 1022 vẫn tiếp tục tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi của người dân mỗi ngày, trong đó phần lớn các cuộc gọi liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Do đó, đề nghị các địa phương quan tâm, tập trung cho công tác chi hỗ trợ cho người dân, tránh trùng lắp nhưng cũng không bỏ sót đối tượng. Sắp tới, tỉnh sẽ triển khai ứng dụng để người dân đăng ký hỗ trợ trên ứng dụng” - bà Hoàng nói.

Cuộc họp cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị ngành Y tế cần xem xét, tính toán để chuyển hướng chiến lược xét nghiệm sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp có nên gỡ các chốt kiểm soát “vùng xanh” nhằm tạo thuận lợi trong việc di chuyển, sản xuất kinh doanh của người dân hay vẫn tiếp tục duy trì.

Công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm 5K, chấp hành tốt các quy định liên quan đến phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan.

Một số ý kiến đề nghị Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm tra và đưa ra các quy định cụ thể về các điều kiện cần thiết của các khu nhà trọ công nhân hiện nay. Thực tế có những khu nhà trọ cả năm không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ẩm thấp, xập xệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống của công nhân lao động và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chuẩn bị lao động để khôi phục sản xuất

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đề nghị các địa phương thống kê chính xác số lượng người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Từ đó, Sở Y tế tính toán chính xác dư bao nhiêu liều vaccine Sinopharm và cần bao nhiêu liều vaccine các loại khác để tiêm mũi 2 cho người dân.

Ông Dũng cho biết, UBND tỉnh sẽ ký ủy quyền cho các địa phương thực hiện hỗ trợ người dân khó khăn theo Nghị quyết 68. Công tác an sinh xã hội cần phải xử lý nhanh, không để người dân bị thiếu đói.

“Phải làm sao để người dân ổn định đời sống, doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì người lao động sẽ bớt về quê. Phải tính toán giữ chân người lao động để phát triển sản xuất kinh doanh sau khi “mở cửa” trở lại” - ông Dũng nói.

Được biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã cấp phép cho 11 doanh nghiệp không thực hiện phương án “3 tại chỗ” được trở lại sản xuất, với hơn 17.500 lao động đi, về hằng ngày. Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” cũng đăng ký bổ sung phương án cho người lao động đi, về hằng ngày với số lượng gần 1.500 người.

Các doanh nghiệp trở lại sản xuất đợt này đa phần là những doanh nghiệp có nhiều lao động. Theo quy định, công nhân được trở lại sản xuất phải đáp ứng điều kiện ở các phường/xã, ấp/khu phố thuộc “vùng xanh”. Còn lao động của các “vùng đỏ”, “cam” và “vàng” vẫn chưa thể quay lại làm việc.

Trong ngày đầu tiên (5/10), công ty thuê đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân, trường hợp âm tính mới được vào xưởng sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết, sắp tới sẽ bổ sung thêm lao động “vùng xanh” vào làm việc để đáp ứng năng suất công việc. Song việc này phụ thuộc độ bao phủ vaccine và việc chuyển vùng nguy cơ của các địa phương. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động vì hiện nhiều lao động đang ở “vùng xanh” nhưng chưa được tiêm vaccine nên không đủ điều kiện đi làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng sản xuất, người lao động sẽ ít về quê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO